Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hoài Phương
Thứ hai, 07/02/2022 - 18:00
(Thanh tra) - Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2021 (được Tổ chức Minh bạch Quốc tế - TI - công bố mới đây), một mặt, vẽ ra bức tranh toàn cầu ảm đạm về tình trạng tham nhũng trong khu vực công, mặt khác, cũng cho thấy 25 quốc gia đã có những cải thiện đáng kể trong những năm gần đây.
Ảnh minh họa: TI
Trong danh sách theo dõi hàng năm được công bố cùng với CPI, TI đã nhấn mạnh các quốc gia cần theo dõi và chú ý chặt chẽ hơn trong năm 2022.
Đó là những quốc gia mà các tiến bộ đáng kể có thể chưa được phản ánh trong điểm số CPI của họ. Hoặc, là những quốc gia có cơ hội mới để thúc đẩy cuộc chiến chống tham nhũng trong khu vực công.
Australia
Australia (điểm CPI: 73 trên thang điểm từ 0 - 100, trong đó 100 là trong sạch nhất) là một trong những quốc gia có mức điểm giảm đáng kể nhất trên thế giới, đã giảm 12 điểm kể từ năm 2012 xuống mức thấp kỷ lục trong năm nay. Điểm CPI xấu đi cho thấy những thất bại mang tính hệ thống trong việc giải quyết tham nhũng trong khu vực công tại nước này.
Bất chấp những lời kêu gọi công khai và những lời hứa trước đó, năm 2021, Australia đã bỏ lỡ cơ hội quan trọng để thành lập một cơ quan chống tham nhũng quốc gia mạnh mẽ trong điều tra tham nhũng.
Như nhiều quốc gia có chỉ số CPI nằm ở top đầu khác, Australia cần phải làm nhiều hơn nữa để chấm dứt tình trạng "đồng lõa" với tham nhũng xuyên quốc gia, vốn không được đo lường bằng chỉ số này.
Các cuộc điều tra của Pandora Papers vào năm 2021 cho thấy, sự thiếu minh bạch trong quyền sở hữu bất động sản khiến thị trường bất động sản của Australia là mục tiêu dễ dàng cho các cá nhân tham nhũng từ nước ngoài.
Áo
Với số điểm 74, Áo giảm 2 điểm CPI so với năm 2020 đứng trước nguy cơ mất ngôi đầu bảng xếp hạng CPI. Sự suy giảm nhẹ của Áo - mặc dù chưa có ý nghĩa thống kê - nhưng đã gửi đi tín hiệu cảnh báo đến các nền dân chủ lâu đời về mối nguy hiểm của việc lơ là các nỗ lực chống tham nhũng.
Năm 2021, cựu Thủ tướng Sebastian Kurz trở thành mục tiêu của 2 cuộc điều tra.
Nhóm các quốc gia chống tham nhũng của Hội đồng châu Âu (GRECO) cũng đã chỉ ra sự thiếu nỗ lực chống tham nhũng của Áo và gần đây nhận định rằng, Chính phủ nước này chỉ giải quyết thỏa đáng 2 trong số 17 khuyến nghị được đưa ra trong năm 2017. Khi các cuộc điều tra tiếp tục đối với ông Kurz và các đồng minh của ông, Thủ tướng mới phải xây dựng lại lòng tin vào Chính phủ và thúc đẩy chiến lược chống tham nhũng bị lãng quên của đất nước.
El Salvador
Theo TI, El Salvador (34 điểm) thể hiện sự thiếu minh bạch nghiêm trọng trong việc chi tiêu công quỹ. Các quan chức Chính phủ cấp cao bị cáo buộc đã tham gia vào những âm mưu tham nhũng hàng triệu USD trong việc quản lý cuộc khủng hoảng COVID-19 và trong các cuộc bầu cử địa phương.
Cũng có lo ngại về các bước mà Chính phủ El Salvador thực hiện khiến tính độc lập của các tổ chức tư pháp bị suy yếu và đóng cửa không gian công dân. Vào năm 2021, Hội đồng lập pháp mới được bầu ra đã bãi nhiệm và thay thế cả 5 thẩm phán của Phòng Hiến pháp thuộc Tòa án Tối cao và Tổng Chưởng lý mà không có thủ tục hợp pháp.
Kazakhstan
Kazakhstan (37 điểm) đã bị rung chuyển bởi tình trạng bất ổn dân sự vào đầu năm 2022. Khởi đầu là cuộc biểu tình phản đối giá nhiên liệu tăng vọt nhanh chóng biến thành các cuộc biểu tình trên toàn quốc về tham nhũng và bất bình đẳng. Sự giàu có mà tầng lớp chính trị của đất nước bị cáo buộc là tích lũy được nhờ tham nhũng là mối quan tâm đặc biệt trong các cuộc biểu tình.
Báo cáo trực tiếp với Tổng thống, Cơ quan Chống tham nhũng của Kazakhstan cho biết, đã tập trung vào các lĩnh vực như nông nghiệp và chăm sóc sức khỏe. Trong khi, các ngành công nghiệp lớn nhất - bao gồm dầu khí, tài chính và xây dựng - vẫn nằm ngoài sự chú ý của cơ quan này, theo hướng dẫn của Dự thảo chính sách chống tham nhũng giai đoạn 2022 - 2026.
Lebanon
Ở Lebanon (24 điểm), tham nhũng chính trị ở mức cao đã gây ra nhiều cuộc khủng hoảng, bao gồm cả vụ nổ thảm khốc ở cảng Beirut vào năm 2020. Và, ngay cả trước thảm kịch này, các cuộc biểu tình liên tục kể từ tháng 10/2019 đã kêu gọi cải cách hệ thống.
Sau vụ nổ Beirut, Lebanon chìm trong suy sụp kinh tế và bất ổn chính trị. Các cuộc biểu tình lan rộng của người dân Lebanon chống lại tham nhũng chính trị và suy thoái kinh tế, trong khi các chính trị gia không giải quyết được các cuộc khủng hoảng đang diễn ra. Không có gì ngạc nhiên khi Lebanon đã giảm 6 điểm CPI kể từ năm 2012.
Theo phân tích của TI, một số luật được thông qua trong 2 năm qua gần như không được thực thi. Lebanon cũng có những khiếm khuyết lớn trong quy trình mua sắm công và minh bạch tài chính...
Trong số các công ty nước ngoài được tiết lộ trong vụ rò rỉ Pandora Papers, các chính trị gia và doanh nhân Lebanon sở hữu số lượng lớn nhất, với 346 công ty. Mặc dù tên một số nhân vật chính trị và quan chức được chỉ ra, nhưng không có cuộc điều tra nào được thực hiện bởi các nhà chức trách Lebanon.
Mozambique
Mozambique (26 điểm) đã giảm 5 điểm CPI kể từ năm 2012. Nước này vẫn đang vật lộn với hậu quả của vụ bê bối tham nhũng “nợ nần chồng chất”, bị phanh phui vào năm 2016. Trong vụ việc này, các quan chức cấp cao ở Mozambique được cho là đã âm mưu với các chủ ngân hàng ở châu Âu và doanh nghiệp có trụ sở ở Trung Đông để thu xếp khoản vay 2 tỷ USD cho quốc gia này. Các khoản tiền sau đó đã bị biển thủ, bao gồm thông qua hối lộ và lại quả.
Vụ bê bối và hậu quả của nó là minh chứng cho sự nguy hiểm của việc thiếu các biện pháp kiểm tra và cân bằng hiệu quả. Điều gì xảy ra tiếp theo tại Mozambique cần được theo dõi chặt chẽ.
Senegal
Từ năm 2012 đến 2016, điểm số CPI của Senegal đã cải thiện đáng kể (từ 36 lên 45). Những tiến bộ trong giai đoạn này bao gồm việc thành lập Văn phòng Chống gian lận và Tham nhũng (OFNAC) và thông qua Luật Kê khai tài sản, cùng những cải cách khác. Tuy nhiên, sự tiến bộ đã dừng lại ở đó, và năm 2021, Senegal đã giảm 2 điểm so với năm ngoái, với 43 điểm.
Vào năm 2020, một chiến lược quốc gia chống tham nhũng đã được thông qua, nhưng triển vọng là không rõ ràng, vì nguồn lực và việc thực hiện vẫn còn nhiều thách thức. Trong những năm gần đây, công tác của các tổ chức chống tham nhũng - chẳng hạn như OFNAC - cho thấy sự thiếu chặt chẽ và xuất hiện nhiều đơn tố cáo về những yếu kém trong quản lý công quỹ cũng như tài nguyên thiên nhiên đã không được điều tra đầy đủ.
Slovenia
Với điểm số 57, CPI của Slovenia đã xuống mức thấp trong lịch sử. Sau khi thiết lập một khuôn khổ chống tham nhũng tương đối vững chắc, Chính phủ Slovenia lại không thực thi các quy tắc hiện hành để duy trì tính minh bạch và liêm chính trong mua sắm công trong thời kỳ đại dịch. Đồng thời, tạo áp lực lên các cơ quan giám sát độc lập.
Năm 2022 là thời điểm quan trọng của Slovenia với các cuộc bầu cử lớn, những cam kết chống tham nhũng là rất cần thiết. Để ngăn chặn sự suy giảm thêm về chỉ số CPI và giải quyết tình trạng mất lòng tin của công chúng vào Chính phủ, Slovenia cần đưa sự tham gia và tham vấn của người dân vào tất cả các cấp ra quyết định; chuyển giao Chỉ thị của Liên minh châu Âu về bảo vệ người tố cáo sao cho phù hợp với các khuyến nghị của xã hội dân sự và thông lệ quốc tế; củng cố các cơ quan giám sát độc lập và cập nhật Nghị quyết về phòng, chống tham nhũng.
Từ năm 1995, TI đã công bố chỉ số CPI hàng năm. Đây là chỉ số toàn cầu hàng đầu về tham nhũng trong khu vực công, cung cấp một cái nhìn tổng thể hàng năm về mức độ tham nhũng tương đối ở 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Chỉ số cho điểm dựa trên nhận thức về tham nhũng trong khu vực công, sử dụng dữ liệu từ 13 nguồn bên ngoài, bao gồm Ngân hàng Thế giới, Diễn đàn Kinh tế thế giới, rủi ro tư nhân, các công ty tư vấn và các tổ chức khác. Điểm số phản ánh quan điểm của các chuyên gia và giới kinh doanh.
Chỉ số CPI năm 2021 cho thấy, 86% quốc gia không đạt được tiến bộ nào trong 10 năm qua. 2/3 số quốc gia và vùng lãnh thổ đạt điểm dưới 50, trong khi 27 quốc gia ở mức thấp lịch sử.
Chỉ số CPI trung bình toàn cầu không thay đổi (43 điểm) trong năm thứ 10 liên tiếp.
Các quốc gia đứng đầu trong chỉ số CPI năm 2021 là Đan Mạch (88), Phần Lan (88) và New Zealand (88).
Somalia (13), Syria (13) và Nam Sudan (11) tiếp tục ở cuối bảng CPI.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Viện Trần Nhân Tông có chuyên môn về Phật học, nhưng vẫn trúng gói thầu Biên soạn và xuất bản Bộ Địa chí huyện Đan Phượng với giá 8,347 tỷ đồng tại huyện Đan Phượng, dù nhà thầu này bỏ giá cao hơn 747 triệu đồng so với đơn vị.. . trượt thầu.
Công Thắng - Phạm Hoa
21:13 11/11/2024(Thanh tra) - Bộ Chính trị đề nghị Trung ương Đảng xem xét, xử lý kỷ luật các 2 nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ là các ông Ngô Đức Vượng và Nguyễn Doãn Khánh. Còn nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Dân Mạc do bị bệnh nặng nên chưa xem xét kỷ luật.
Hương Giang
20:28 11/10/2024Lê Phương
10:00 23/08/2024Phương Hiếu
21:34 22/08/2024Hương Giang
19:26 14/08/2024Hương Giang
15:49 03/08/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương