Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 12/11/2012 - 09:33
(Thanh tra) - Ngày 6/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cách chức Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Serdyukov. Vị trí người đứng đầu Bộ Quốc phòng sau đó đã được trao cho ông Sergei Shoigu, người từng giữ chức Thống đốc tỉnh ngoại ô Moscow và từng là Bộ trưởng Bộ Các Tình trạng Khẩn cấp. Tân Bộ trưởng Sergei Shoigu có cấp bậc Đại tướng trong khi ông Anatoly Serdyukov chỉ là một Bộ trưởng dân sự.
Ông Anatoly Serdyukov bị điều tra do liên quan tới bê bối tham nhũng. Ảnh: AP
Theo giải thích của Tổng thống Vladimir Putin, quyết định này là cần thiết để tạo điều kiện điều tra khách quan về tình hình trong Bộ Quốc phòng.
Tổng cục Điều tra Quân đội Nga đã khởi tố 5 vụ án hình sự về tội gian lận bất động sản, đất đai và cổ phiếu thuộc Công ty Oboronservis do Bộ Quốc phòng kiểm soát.
Trước đó, hồi tháng 10, lực lượng chức năng đã đến Bộ Quốc phòng để bắt tay vào điều tra Công ty Oboronservis vì nghi ngờ đã bán tài sản của Bộ cho đối tác thương mại với giá lỗ khoảng gần 100 triệu USD.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, một số viên chức Bộ Quốc phòng đã chọn lọc từ tài sản Công ty Oboronservis những bất động sản và cổ phiếu đáng giá nhất, trong đó có ở Moscow. Sau đó, các bất động sản được đầu tư khoản lớn từ ngân sách và bán lại với giá thấp hơn nhiều giá thị trường cho các đối tác thương mại của Công ty Oboronservis. Chỉ riêng việc bán 8 bất động sản đã gây thiệt hại cho Chính phủ 3 tỷ rúp (tương đương với 74 triệu euro).
Truyền thông phương Tây cho biết, Công ty Oboronservis được thành lập năm 2008 bằng một sắc lệnh của Điện Kremlin. Công ty này có rất nhiều chức năng, từ bảo trì các thiết bị cho quân đội, tiếp liệu cho binh lính, đến xuất bản sách của Bộ Quốc phòng Nga.
Theo Đài Tiếng nói nước Nga, việc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bị bãi chức là chuyện bất ngờ cho lực lượng vũ trang và hầu hết các chuyên gia. Ông Anatoly Serdyukov là một trong những thành viên cấp cao nhất của Chính phủ có “quyền bất khả xâm phạm”, là người được trao trách nhiệm to lớn về cải cách quân đội. Tuy nhiên, với việc cách chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anatoly Serdyukov, người đứng đầu Chính phủ Nga đã cho thấy rằng, ông sẵn sàng đưa ra các biện pháp quyết liệt nhất.
Trao đổi với phóng viên Đài Tiếng nói nước Nga, cựu Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) Nikolai Kovalyov cho rằng, nguyên nhân dẫn đến các hành vi phạm pháp ở Bộ Quốc phòng bắt nguồn từ sự liên quan của cựu Bộ trưởng Anatoly Serdyukov trong lĩnh vực hoạt động thương mại. “Điều đặc biệt là đã thương mại hóa một số hoạt động của các lực lượng vũ trang. Sai lầm chiến lược lớn ở đây là ông ta đã lập ra trong Bộ Quốc phòng những cơ cấu thương mại mà chủ yếu chỉ quan tâm đến việc kiếm tiền, chứ không phải phục vụ các lực lượng vũ trang” - cựu Giám đốc FSB chỉ rõ.
Từ góc nhìn của mình, Victor Baranets - cựu lãnh đạo Bộ phận Báo chí Bộ Quốc phòng - khẳng định: Việc cách chức Bộ trưởng đối với Anatoly Serdyukov là hệ quả tất yếu của các hoạt động của ông ta. “Lẽ ra, việc loại bỏ hình ảnh của Anatoly Serdyukov là “nhà cải cách quân đội vĩ đại” phải được tiến hành từ lâu rồi” - cựu lãnh đạo Bộ phận Báo chí Bộ Quốc phòng thẳng thắn.
Cũng theo cựu quan chức Victor Baranets, “ông ta (Anatoly Serdyukov) là một viên chức bình thường, đã đưa vào Bộ Quốc phòng những kẻ vây cánh quý tộc của mình”.
Ông Vladimir Gutenev, Phó Chủ tịch Thứ nhất phụ trách Công nghiệp của Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, người chịu trách nhiệm đối với tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga, nói với Đài Tiếng nói nước Nga rằng, sự bãi chức đối với Anatoly Serdyukov là hợp lý, không chỉ vì liên quan tới bê bối tham nhũng.
Quan chức này phân tích kỹ hơn: Giai đoạn của cuộc cải cách quân đội liên quan với các động thái cứng rắn, có thể không phải là những động thái phổ biến, nhưng đôi khi cần thiết, đã hoàn tất. Bây giờ là giai đoạn của phong cách lãnh đạo khác trong Bộ Quốc phòng. Đã qua rồi cái thời của các giải pháp chỉ có lợi cho Bộ Quốc phòng mà không cần xem xét ý kiến của ngành Công nghiệp quốc phòng và các ngành nghiệp liên quan khác.
Mối quan hệ giữa Anatoly Serdyukov với một tướng lĩnh đứng đầu quân đội cũng đang bị xem xét trong khuôn khổ cuộc điều tra.
Có tin từ báo Nga và truyền thông phương Tây cho rằng, ông Anatoly Serdyukov có “quan hệ tình ái” với nữ giám đốc công ty được nhận hợp đồng bán tài sản của Bộ Quốc phòng. Theo Hãng Thông tấn AFP của Pháp, người phụ nữ này tên là Yevgenia Vasilyeva, năm nay ngoài 30 tuổi. Báo chí Nga còn cho biết, cảnh sát đã tịch thu nhiều đồ trang sức có giá trị từ căn hộ sang trọng của bà. Thậm chí, có nguồn tin còn loan tin sốc: Khi cảnh sát ập vào khám nhà bà Yevgenia Vasilyeva vào sáng sớm, người ra mở cửa chính là ông Anatoly Serdyukov!
Được biết, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Serdyukov xuất thân là nhân viên cửa hàng bán đồ gỗ. Theo Báo Sunday Times của Anh, ông Anatoly Serdyukov thăng tiến nhờ lấy vợ là một nhân vật thân cận với ông Vladimir Putin khi còn làm việc tại St Petersburg. Bố vợ cựu Bộ trưởng Quốc phòng là Victor Zubkov, từng giữ chức Phó Thủ tướng Nga.
Các báo Nga tin rằng, bán giá khống để kiếm chác bằng tiền trao tay bên ngoài hợp đồng là chuyện thường xảy ra trong các vụ kinh doanh liên quan tới cơ quan Nhà nước tại Nga. Và, theo truyền thông phương Tây, quân đội Nga thường xuyên bị cáo buộc dính líu đến những vụ tham nhũng hàng triệu euro, đặc biệt là trong các hợp đồng mua bán vũ khí và trang thiết bị quân sự
Cần nói thêm, Nga đang tiến hành chiến dịch chống tham nhũng lớn liên quan đến một trong các quan chức cấp cao. Đáng chú ý là, người tuyên bố về quá trình này chính là Tổng thống Vladimir Putin. Vì vậy, theo các chuyên gia, ông Anatoly Serdyukov sẽ không phải là người duy nhất bị bãi chức ở Bộ Quốc phòng. Có điều, nếu không phải trong vài ngày tới thì việc đó sớm muộn cũng sẽ xảy ra.
Ở diễn biến liên quan, ngày 9/11, ông Valery Gerasimov đã được Tổng thống Vladimir Putin phê duyệt để trở thành Tổng Tham mưu Trưởng Lực lượng Vũ trang Nga theo đề nghị của tân Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu.
Trước khi được trở thành 1 trong 3 nhân vật quyền uy giữ chiếc cặp hạt nhân, ông Valery Gerasimov giữ chức Chỉ huy Quân khu Trung tâm. Hãng Thông tấn Nga RIA Novosti cho biết, khi giới thiệu ứng viên mới cho chức vụ Tổng Tham mưu Trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã mô tả ông Valery Gerasimov là “quân nhân đến tận chân tóc”, được giới quân sự kính trọng, tích lũy nhiều kinh nghiệm công tác cả trong Bộ Tổng Tham mưu cũng như trên thực tế.
Trước đó, cũng trong ngày 9/11, Tổng Tham mưu Trưởng Nikolai Makarov đã bị Tổng thống Nga bãi nhiệm.
Như vậy, chỉ trong vài ngày, tại Bộ Quốc phòng Nga đã diễn ra những thay đổi nhân sự quan trọng. Lý do các vụ bãi chức là bê bối tham nhũng của Công ty Oboronservis. Trong bối cảnh đó, Phó Chủ tịch Trung tâm Công nghệ Chính trị Nga Alexei Makarkin đã chỉ rõ việc ban lãnh đạo cũ của Bộ Quốc phòng đã có một số sai lầm lớn: “Vấn đề ở chỗ là, cuộc cải cách mà họ thực hiện đã gây ra sự phản đối mạnh mẽ từ các công ty quốc phòng và đại đa số tướng lĩnh. Điều đó xuất phát từ ý nghĩa của cuộc cải cách. Sai lầm chính là họ đã không thể tránh các cáo buộc tham nhũng. Về việc Bộ Quốc phòng sẽ hành xử tiếp theo như thế nào? Tôi nghĩ rằng, đây sẽ là chính sách hai mặt. Một mặt, sẽ có những thay đổi lớn trong các vấn đề tạo hình ảnh. Ban lãnh đạo mới sẽ nhấn mạnh thái độ tôn trọng quân đội, tôn trọng quân nhân, tôn trọng lịch sử, truyền thống, lính dù, sẽ chú trọng để các trường quân sự Suvorov và Nakhimov tham gia trong cuộc duyệt binh. Mặt khác, tôi nghi ngờ chuyện sẽ thực hiện được một số bước để cuộc cải cách đạt được những thay đổi triệt để. Cuộc cải cách sẽ vẫn được duy trì, nhưng chắc là trong hình thức khác mà quân đội có thể chấp nhận”.
Nghe nói, trước cuộc bầu cử Tổng thống hồi tháng 3 để trở lại Điện Kremlin, ông Vladimir Putin đã tuyên bố sẽ để khối quân sự - công nghiệp đóng vai trò trọng tâm trong việc phát triển đất nước. Ông Vladimir Putin cũng đã loan báo sẽ dành hơn 550 tỷ euro cho ngành Công nghiệp quốc phòng trong 10 năm tới.
Liên quan đến bê bối trong quân đội Nga, AFP từng dẫn nguồn tin từ Viện Công tố Quân sự Nga hôm 18/4/2012 cho biết, đã mở cuộc điều tra đối với ông Valentin Ponomarev, Tổng Giám đốc Hãng Nevsky Iakor vì bán 1 chiếc neo đã han rỉ cho hải quân Nga với giá hơn 100.000 euro.
Trên nguyên tắc, Hãng Nevsky Iakor phải cung cấp 1 chiếc neo cho tàu sân bay Admiral Kuznetsov (nặng hơn 50 ngàn tấn, dài 306m) trong khuôn khổ hợp đồng trị giá hơn 4 triệu rúp (tương đương với hơn 100.000 euro). Tuy nhiên, Nevsky Iakor đã mua lại 1 chiếc neo cũ ở Hà Lan với giá 27.000 euro, sau đó bàn giao thiết bị này cho Bộ Quốc phòng Nga với giấy chứng nhận giả mạo.
Đáng nói là, không hiểu vì lý do gì mà “chiếc mỏ neo được cho là mới đó không tương ứng với chuẩn mực đề ra, cả về khối lượng lẫn kích cỡ... đồng thời lại có dấu vết rỉ sét” đã lọt qua được hàng rào kiểm định của quân đội và nghiễm nhiên được lắp đặt trên hàng không mẫu hạm mang tên Đô đốc Kuznetsov.
Hay như, ngày 21/7/2011, Chưởng lý Tòa án Quân sự Nga Serguei Fridinski đã lên tiếng cảnh báo nạn tham nhũng tràn lan trong hàng ngũ quân đội ở mọi cấp. Theo ông, thiệt hại từ đầu năm đến ngày 21/7 đã lên tới ít nhất 600 triệu rúp, tương đương với 15 triệu euro. 6 viên tướng và hơn 170 sĩ quan Nga đang bị truy tố về tội nhận hối lộ.
Một dẫn chứng được đưa ra là: Hồi tháng 6/2011, quân đội Nga bị thiếu thuốc một cách trầm trọng. Việc bệnh viện quân y thiếu thuốc điều trị chủ yếu do quân đội không gọi thầu một cách đều đặn, hay do thổi phồng các hóa đơn khi mua trang thiết bị y tế và thuốc men, nên ngân sách bị thâm hụt. Nhiều cuộc điều tra đang được mở ra. Bác sĩ chỉ huy trưởng quân y của Nga đã bị bắt.
Chưa hết, cũng vào năm ngoái, một vụ tai tiếng khác đã được phát tán trên Internet: Tại một căn cứ không quân ở miền Nam nước Nga, nhiều viên tướng đã gia tăng thu nhập hàng tháng bằng cách thu tiền của các phi công cấp dưới.
Hà Thu - Hà Anh
(Tổng hợp)
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".
Hoài Phương
12:46 11/12/2024(Thanh tra) - Ngày 3/12, tại Trung tâm Hội nghị huyện Văn Yên, Ban Nội chính Tỉnh ủy Yên Bái phối hợp với Huyện ủy Trấn Yên và Huyện ủy Văn Yên tổ chức lớp bồi dưỡng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp năm 2024. Đây là một hoạt động quan trọng nhằm nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong các huyện của tỉnh Yên Bái, đồng thời, tạo ra những bước chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, và cải cách tư pháp.
Bùi Bình
17:18 03/12/2024Bùi Bình
09:05 29/11/2024Công Thắng - Phạm Hoa
21:13 11/11/2024Hương Giang
20:28 11/10/2024Lê Phương
10:00 23/08/2024Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trung Hà
Trung Hà
Trần Kiên