Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

COVID-19 và tham nhũng: Khủng hoảng chồng khủng hoảng

Thứ tư, 30/12/2020 - 06:36

(Thanh tra)- Tại khu vực châu Á, 74% số người được hỏi thừa nhận tham nhũng là một vấn đề lớn trong đại dịch COVID-19.

Ngày 16/12, Điều phối viên Cộng đồng Chống tham nhũng Indonesia (MAKI) Boyamin Saiman mang một gói viện trợ xã hội trị giá 188.000 Rp (13,35 USD) tới KPK để làm bằng chứng cho cuộc điều tra bê bối tham nhũng mà cựu Bộ trưởng Các vấn đề xã hội Juliari Batubara là nghi phạm. Ảnh: JP/ Dhoni Setiawan

Với Indonesia, tham nhũng trong khủng hoảng dịch bệnh đã trở thành mối quan tâm hàng đầu, mặc dù từ rất sớm, các nhà chức trách đã có những động thái cứng rắn đối với loại hành vi phạm tội này.

Hồi tháng 3 năm nay, Ủy ban Bài trừ tham nhũng Indonesia (KPK) cho biết sẽ tử hình các đối tượng bị kết án tham nhũng trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Theo Chủ tịch KPK Firli Bahuri, cơ quan này sẽ áp dụng án cao nhất trong khung hình phạt được pháp luật cho phép đối với các đối tượng tham nhũng.

Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 2 tuần sau vụ bắt giữ Bộ trưởng Hàng hải và Ngư nghiệp Edhy Prabowo hồi cuối tháng 11 với cáo buộc tham nhũng, KPK lại tiếp tục nêu tên một nghi phạm tham nhũng "khủng" khác là Bộ trưởng Các vấn đề xã hội khi ấy - Juliari Batubara.

Chủ tịch KPK Firli Bahuri cho biết, trường hợp tham nhũng liên quan đến ông Juliari được cho là có liên quan đến việc mua sắm gói thực phẩm trong chương trình trợ giúp xã hội cho những người nghèo bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Trong vụ việc này, KPK đã thu giữ 14,5 tỷ Rp (tương đương 1 triệu USD) tiền hối lộ mà các nghi phạm đã nhận từ các nhà cung cấp gói thực phẩm.

Các vụ án tham nhũng gần đây đặt ra câu hỏi liên quan đến tính hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ trong cơ quan thanh tra các bộ.

Là một phần trong bộ máy giám sát nội bộ của Chính phủ (APIP), cán bộ thanh tra trong cơ quan Chính phủ có trách nhiệm thực hiện các chức năng kiểm soát nội bộ để đảm bảo quản trị tốt. Nói chung, APIP đóng vai trò là cơ quan giám sát việc quản lý của Chính phủ để đảm bảo rằng tất cả những hoạt động liên quan đến tài chính của Nhà nước đều tuân thủ các luật và quy định.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu về vai trò của APIP, bao gồm cả cơ quan thanh tra trong các cơ quan hành chính khu vực, kết luận rằng, cần có những cải tiến để đảm bảo rằng cán bộ APIP không chỉ hành động độc lập và khách quan mà còn có đủ năng lực trong việc thực hiện nhiều nhiệm vụ giám sát, bao gồm phát hiện và ngăn chặn các hành vi gian lận.

Một số nghiên cứu cho thấy, quan chức một số cơ quan thanh tra ở các khu vực không được trang bị đầy đủ kỹ năng về phòng ngừa và phát hiện gian lận. Trong khi đó, cán bộ thanh tra lại thường được kiểm soát bởi người đứng đầu các cơ quan Chính phủ mà họ giám sát. Các nghiên cứu về giám sát nội bộ Chính phủ của Indonesia cho thấy nhiều vấn đề liên quan đến yếu tố văn hóa, đào tạo không đầy đủ và những hạn chế về quy định đã cản trở người giám sát thực hiện nhiệm vụ một cách độc lập và đúng đắn.

Ví dụ, dựa trên các quy định hiện hành của Indonesia, thanh tra ở các bộ chịu sự chỉ đạo của các bộ trưởng tương ứng. Trong môi trường như vậy, làm thế nào các giám sát viên có thể thực hiện đúng việc giám sát của họ đối với các bộ trưởng? Trong nhiều trường hợp, chính những người giám sát đã tham nhũng.

Đơn cử, vào tháng 11/2019, một cựu chánh thanh tra của chính quyền Bojonegoro đã lĩnh án 5 năm tù giam sau khi bị kết tội tham nhũng.

Cán bộ APIP tham gia vào các hành vi tham nhũng được ví giống như một phần mềm chống vi-rút máy tính biến thành vi-rút và gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho toàn bộ hệ thống. Nhiều học giả và những người ủng hộ chống tham nhũng ở Indonesia đang chờ đợi cuộc điều tra của KPK sẽ tiết lộ những gì liên quan đến nguyên nhân thất bại của APIP trong việc ngăn chặn tham nhũng hoặc hành vi sai trái.

Trong khi đó, sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 không chỉ đe dọa đến sức khỏe và sự an toàn của con người mà còn ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống, bao gồm cả nền kinh tế. Nhiều báo cáo quốc tế nêu rõ những rủi ro tham nhũng của các quan chức phụ trách giải ngân viện trợ khẩn cấp trong chương trình trợ giúp xã hội.

Một báo cáo từ Cơ quan Phòng, chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) cho biết, các quan chức dễ bị những kẻ lừa đảo nhắm tới trong đại dịch là những người có liên quan đến việc phân phối mạng lưới an toàn xã hội và huy động các nguồn lực để giải quyết tình trạng khẩn cấp về y tế.

Khảo sát gần đây của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) tại khu vực châu Á vào năm 2020 cho thấy 74% số người được hỏi thừa nhận tham nhũng là một vấn đề lớn trong đại dịch.

Một báo cáo khác của Deloitte (công ty kiểm toán độc lập) nêu rõ “tam giác lừa đảo” (áp lực, cơ hội, sự hợp lý hóa) đã phát triển như thế nào khi ngày càng có nhiều người tham gia vào các hành vi gian lận. Theo đó, áp lực kinh tế thường khiến các quan chức được ủy quyền quản lý viện trợ của Chính phủ lạm dụng quyền hạn để làm giàu cho bản thân.

Để khắc phục nguy cơ lừa đảo gia tăng trong trường hợp khẩn cấp, nhiều chuyên gia đề nghị các Chính phủ khi phân bổ nguồn lực để đối phó với khủng hoảng phải có các tiêu chí khách quan, rõ ràng và minh bạch đối với người thụ hưởng và người nhận trợ cấp xã hội COVID-19. Hơn nữa, công nghệ cũng có thể được sử dụng để giám sát việc giải ngân các nguồn lực nhằm đảm bảo hiệu quả, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Các Chính phủ cũng cần quan tâm sử dụng cơ chế báo cáo toàn diện, giám sát và kiểm toán như một giải pháp hữu hiệu.

Mới đây, ngày 23/12, trong bối cảnh dư luận chỉ trích Chính phủ về cách thức ứng phó với đại dịch COVID-19, Tổng thống Joko Widodo đã tiến hành cải tổ Nội các, với 6 tân bộ trưởng và 5 tân thứ trưởng được bổ nhiệm.

Hoài Phương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Viện Trần Nhân Tông trúng thầu giá cao, dù tiết kiệm thấp cho ngân sách

Viện Trần Nhân Tông trúng thầu giá cao, dù tiết kiệm thấp cho ngân sách

(Thanh tra) - Viện Trần Nhân Tông có chuyên môn về Phật học, nhưng vẫn trúng gói thầu Biên soạn và xuất bản Bộ Địa chí huyện Đan Phượng với giá 8,347 tỷ đồng tại huyện Đan Phượng, dù nhà thầu này bỏ giá cao hơn 747 triệu đồng so với đơn vị.. . trượt thầu.

Công Thắng - Phạm Hoa

21:13 11/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm