Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bài học chống tham nhũng nhìn từ một số quốc gia

Chủ nhật, 19/04/2020 - 06:34

(Thanh tra)- Bồ Đào Nha nằm trong top 30 quốc gia ít tham nhũng nhất thế giới, nhưng lại có điểm CPI thấp hơn bình quân khu vực. Còn Singapore - đất nước có GDP những năm 1950 ngang bằng với Ghana - nay trở thành biểu tượng thịnh vượng của châu Á, đứng thứ 2 khu vực về trong sạch tham nhũng.

Ảnh: Portugal Resident

Tham nhũng thường được khoác lên mình những tấm áo choàng hào nhoáng để che giấu, ẩn mình. Song, cũng bởi vậy mà tác động của nó rất khó đo lường. Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đã xây dựng Chỉ số Nhận thức tham nhũng (CPI), xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ theo mức độ tham nhũng khu vực công.

CPI 2019 được công bố đầu năm nay cho thấy, các quốc gia ít tham nhũng có thể kể đến bao gồm: Đan Mạch, New Zealand (cùng 87 điểm, xếp thứ 1), tiếp đến là Phần Lan (86 điểm, thứ 3) và Singapore (85 điểm, thứ 4); trong khi các quốc gia cuối bảng, tham nhũng "tệ" là: Somalia (9 điểm, thứ 180), Nam Sudan (12 điểm, thứ 179) và Syria (13 điểm, thứ 178).

Vấn đề của Bồ Đào Nha

Bồ Đào Nha được đánh giá là quốc gia ít tham nhũng, xếp thứ 30/180 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nhưng Bồ Đào Nha vẫn được xem là có vấn đề lớn hơn khi đứng cạnh Đức (xếp thứ 9), Anh (thứ 12) và Pháp (thứ 23).

CPI của Bồ Đào Nha đạt 62 điểm, thấp hơn mức trung bình ở khu vực Tây Âu và EU (66 điểm) - một thực tế có thể khiến nhiều công dân nước này bất ngờ. Tuy nhiên, kết quả này không phải bỗng dưng đến, mà đã có một quá trình.

Một khảo sát của Ủy ban Châu Âu (EC) về tình hình tham nhũng năm 2017 cho thấy, 92% số công dân Bồ Đào Nha được hỏi tin rằng, tham nhũng là vấn đề phổ biến ở nước họ, so với mức trung bình của EU là 68%. 42% người Bồ Đào Nha cho rằng bị ảnh hưởng bởi tham nhũng trong cuộc sống hàng ngày, mức trung bình của EU là 25%.

Trong khi đó, 59% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng, sự giúp đỡ, thiên vị bạn bè, người thân trong các tổ chức công là một trong những thực tế phổ biến nhất ở Bồ Đào Nha; và 70% trong số họ tin rằng, các mối quan hệ chính trị là cần thiết để thành công trong hoạt động kinh doanh.

Singapore và Ghana

Có thể chúng ta sẽ ngạc nhiên khi biết rằng, vào những năm 1950, Ghana có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ngang bằng với Singapore. Ghana lúc này “sở hữu một hệ thống dịch vụ dân sự hoạt động hiệu quả nhất châu Phi, cùng những trường học tốt nhất, những luật sư sáng suốt nhất... một nền báo chí tự do, tư pháp độc lập và một Quốc hội do người dân bầu chọn", theo trích dẫn một báo cáo đăng tải trên Báo The New York Times.

Tuy nhiên, đến nay, Singapore đã trở thành biểu tượng của sự thịnh vượng châu Á. GDP bình quân đầu người của Singapore tăng lên khoảng 65.000 USD/năm, cao hơn nhiều so với Anh; cùng với đó, công dân Singapore được hưởng một trong những mức sống cao nhất thế giới.

Trong khi, GDP bình quân đầu người của Ghana hiện nay chỉ đạt hơn 2.000 USD/năm và nhiều người Ghana phải sống trong tình trạng cực kỳ nghèo khổ.

Thành công của Singapore mang đậm dấu ấn lãnh đạo của Thủ tướng đầu tiên Lý Quang Diệu (nhiệm kỳ 1959 - 1990). Trong đó phải kể tới việc tiến hành “cuộc cách mạng” chống tham nhũng, chính sách thu hút nhân tài và làm việc chăm chỉ để thúc đẩy nền kinh tế không giàu tài nguyên khoáng sản phát triển.

Bên cạnh hình phạt nghiêm khắc với những kẻ bị kết tội tham nhũng, mức lương cao đã thu hút những người tài giỏi vào các cơ quan, tổ chức Chính phủ, và loại bỏ sự cần thiết phải nhận hối lộ. Đó là nền tảng vững chắc cho một nền văn hoá “phi tham nhũng” của Singapore hiện nay, mà ở đó công chức “không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng”.

Trong khi đó, Kwame Nkrumah - vị Tổng thống đầu tiên của Ghana (nhiệm kỳ 1960 - 1966) đã có những sai lầm trong quản lý kinh tế và chống tham nhũng. Ông bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự vào năm 1966, và Ghana lúc này đã mất đi hình ảnh một ngọn hải đăng cho các nước đang phát triển, trở thành một quốc gia nghèo trên bản đồ kinh tế thế giới.

Theo báo cáo gần đây nhất của TI, “tham nhũng tồn tại trong tất cả cơ quan thuộc Chính phủ Ghana, và tại đó thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu trách nhiệm. Những kẻ phạm tội thường được miễn trừ. Tư pháp và Cảnh sát là những ngành được coi là tham nhũng nhất”.

Tham nhũng với tăng trưởng kinh tế

Tham nhũng ảnh hưởng nghiêm trọng như thế nào đến nền kinh tế? Một số người cho rằng, tham nhũng có thể bôi trơn các bánh xe ở những quốc gia có nền quản trị quan liêu và không hiệu quả. Điều này đáng báo động đến mức, một doanh nhân hoạt động tại Ấn Độ chia sẻ, sau khi Chính phủ nước này thực thi chiến dịch truy quét tham nhũng, việc kinh doanh của anh ta trở nên chậm chạp, mất nhiều thời gian hơn trước đó. Doanh nhân này cho rằng, có lẽ do anh ta... không còn biết hối lộ ai nữa!

Tham nhũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến tăng trưởng kinh tế. Các công ty sẵn sàng trả tiền hối lộ để có cơ hội phát triển hơn, trong khi, những công ty không làm điều này sẽ bị tụt lại phía sau. Và, cái giá của sự thiếu minh bạch, thiếu công bằng trong kinh doanh dẫn tới nền kinh tế chung khó đạt được mức tăng trưởng mong muốn.

Cùng với đó, tham nhũng cũng có thể ngăn cản hoạt động đầu tư. Các công ty có thể sẽ từ chối việc đầu tư tại một quốc gia, khi mà họ biết rằng kết quả của bất kỳ tranh chấp kinh doanh nào sẽ được quyết định bởi số tiền hối lộ cho thẩm phán, bên "chi đậm" sẽ là bên giành chiến thắng. Những khoản chi này cũng góp phần đáng kể vào chi phí vận hành, thậm chí, trong một số trường hợp, điều này có thể khiến các dự án đầu tư trở nên không khả thi.

Kết quả là, nền kinh tế các nước đang phát triển có thể bị tê liệt, thậm chí ảnh hưởng trên phạm vi khu vực.

Quay trở lại đất nước Bồ Đào Nha, câu hỏi đặt ra là, với tình hình như hiện nay, tham nhũng có hay không làm suy yếu nền kinh tế quốc gia châu Âu này? Tháng 12 năm ngoái, Tạp chí Kinh tế Bồ Đào Nha đã công bố một báo cáo đặc biệt, nghiên cứu tác động của tham nhũng đối với sự tăng trưởng kinh tế đất nước trong giai đoạn 1980 - 2018.

Báo cáo chỉ ra rằng, nếu như mức độ tham nhũng ở Bồ Đào Nha được kiềm chế như ở Đức, thì chắc chắn tăng trưởng kinh tế của Bồ Đào Nha sẽ cao hơn đáng kể trong thời gian nghiên cứu. Điều đó cho thấy, dù được cho là “khá trong sạch”, “có cải thiện”, thì những nỗ lực chống tham nhũng không được phép ngừng nghỉ, không chỉ với Bồ Đào Nha, mà với mọi quốc gia trên thế giới.

Hoài Phương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024
Bồi dưỡng công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng cho cán bộ huyện Văn Yên và Trấn Yên

Bồi dưỡng công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng cho cán bộ huyện Văn Yên và Trấn Yên

(Thanh tra) - Ngày 3/12, tại Trung tâm Hội nghị huyện Văn Yên, Ban Nội chính Tỉnh ủy Yên Bái phối hợp với Huyện ủy Trấn Yên và Huyện ủy Văn Yên tổ chức lớp bồi dưỡng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp năm 2024. Đây là một hoạt động quan trọng nhằm nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong các huyện của tỉnh Yên Bái, đồng thời, tạo ra những bước chuyển biến tích cực trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, và cải cách tư pháp.

Bùi Bình

17:18 03/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm