Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tòa bác đơn kháng cáo, Bộ GD&ĐT tiếp tục theo kiện

Thứ sáu, 12/04/2019 - 09:48

(Thanh tra)- Liên quan đến việc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội kiến nghị khôi phục lại học hàm, học vị cho ông Hoàng Xuân Quế (Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng Tài chính, Trường Đại học Kinh tế quốc dân), trong diễn biến mới nhất, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã không chấp nhận bản kháng cáo này. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ tiếp tục có đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại bản án sơ thẩm.

Bộ GD&ĐT khẳng định, hành vi sao chép luận án tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế đã rõ ràng và có minh chứng đầy đủ. Ảnh: Internet

Xung quanh câu chuyện này, ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có những chia sẻ với Báo Thanh tra.

+ Lý do TAND Cấp cao tại Hà Nội bác đơn kháng cáo của Bộ GD&ĐT là gì, thưa ông?

- Ông Nguyễn Huy Bằng: Bộ GD&ĐT rất lấy làm tiếc về quyết định của TAND Cấp cao tại Hà Nội. Nói rất lấy làm tiếc vì tòa án đã không căn cứ bản chất thực của vấn đề là Bộ đã nộp đơn kháng cáo đúng thời gian quy định, đã nộp tạm ứng án phí đúng thời hạn.

Suốt 5 năm qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nghiêm túc tham gia tố tụng, thực hiện đầy đủ các yêu cầu của Tòa, cử người đại diện và mời luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện tại phiên tòa.

Trong quá trình tham gia tố tụng, TAND TP Hà Nội đã nhiều lần ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án mà không có căn cứ xác đáng, vi phạm quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Cũng đã nhiều lần Bộ có đơn kháng cáo đối với các quyết định của TAND TP Hà Nội nhưng TAND Cấp cao tại Hà Nội đều không chấp nhận.

Trong khi đó, khi Bộ có sơ suất nhỏ (chưa kịp thời nộp Biên lai thu tạm ứng án phí đúng hạn) thì Tòa lại bác đơn kháng cáo.

Như vậy, vô hình chung, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã bỏ qua cơ hội xem xét lại vụ việc vốn đã bị TAND TP Hà Nội làm không đúng cả về nội dung và thủ tục như đơn kháng cáo Bộ đã nêu, làm giảm lòng tin của xã hội vào hoạt động của Tòa án. 

+ Tại sao Bộ GD&ĐT lại quyết tâm theo đuổi vụ việc đến cùng khi TAND Cấp cao tại Hà Nội đã bác đơn kháng cáo?

- Ông Nguyễn Huy Bằng: Như đơn kháng cáo ngày 25/12/2018 Bộ GD&ĐT đã nêu, Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm đã né tránh vấn đề cốt yếu của vụ án, đó là ông Hoàng Xuân Quế có hay không có hành vi sao chép luận án tiến sĩ của ông Mai Thanh Quế? Bản án sơ thẩm được ban hành với nhiều nội dung suy diễn, thiếu căn cứ pháp lý, gây mập mờ, lẫn lộn về nhiều vấn đề cơ bản.

Với hồ sơ, tài liệu do Bộ GD&ĐT đã giao nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm, có đầy đủ căn cứ để khẳng định ông Hoàng Xuân Quế đã có hành vi sao chép luận án tiến sĩ của ông Mai Thanh Quế.

Sự thật chỉ có một, đó là ông Hoàng Xuân Quế có sao chép luận án; hành vi sao chép của ông Xuân Quế đã vi phạm quy định về đào tạo nên phải chịu chế tài thu hồi văn bằng.

+ Nói như vậy có nghĩa là Bộ GD&ĐT vẫn cho rằng việc thu hồi bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế là đúng?

- Ông Nguyễn Huy Bằng: Hành vi sao chép luận án tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế đã rõ ràng và có minh chứng đầy đủ.

Việc Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định thu hồi bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế là hoàn toàn đúng pháp luật.

Từ trước đến nay, Bộ GD&ĐT khẳng định, không thay đổi quan điểm về vụ việc này.

+ Để bảo vệ quan điểm của mình, Bộ sẽ làm gì tiếp theo?

- Ông Nguyễn Huy Bằng: Theo quy định của Luật Tố tụng hành chính thì Bộ có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét bản án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm.

Thực tế bản chất sự việc cũng như quá trình giải quyết vụ việc của TAND TP Hà Nội và TAND Cấp cao tại Hà Nội cho thấy, có đủ điều kiện để cơ quan có thẩm quyền kháng nghị xem xét lại Bản án này.

Bộ GD&ĐT tin tưởng vụ việc sẽ được xem xét khách quan, đúng bản chất.

Vì vậy, Bộ sẽ có đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét Bản án sơ thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm theo quy định tại Luật Tố tụng hành chính.

+ Trân trọng cảm ơn ông!

Trước đó, năm 2013, theo đơn tố cáo, ông Hoàng Xuân Quế, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, tác giả Luận án tiến sỹ bảo vệ năm 2003 với đề tài “Giải pháp hoàn thiện các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ ở Việt Nam” đã “đạo văn” tới 30% dung lượng Luận án tiến sỹ của ông Mai Thanh Quế, Học viên Ngân hàng.

Sau khi nhận được đơn, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh.

Ngày 11/10/2013, Bộ GD&ĐT đã ký Quyết định số 4674 thu hồi bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế.

Không đồng tình với quyết định nêu trên, ông Hoàng Xuân Quế đã khởi kiện Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ra TAND TP Hà Nội.

Ngày 14/12/2019, TAND TP Hà Nội đã ban hành Bản án số 197/2018/HCST chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Hoàng Xuân Quế; yêu cầu hủy quyết định 4674/QĐ-BGĐT ngày 11/10/2013 của Bộ GD&ĐT về thu hồi bằng tiến sĩ đối với ông Hoàng Xuân Quế.

Đồng thời kiến nghị Bộ GD&ĐT, các cơ quan chức năng có thẩm quyền khôi phục lại học hàm, học vị cho ông Hoàng Xuân Quế.

Không đồng tình với bản án sơ thẩm này, Bộ GD&ĐT đã kháng cáo.


Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

(Thanh tra) - Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Ninh Bình, bị phê bình nhiều lần và trong năm học 2024 - 2025 đã có nhiều dư luận về chuyên môn cũng như tổ chức dạy học, thu chi, nhưng không biết có được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ninh Bình đưa vào quyết định đã ban hành để kiểm tra hay không?

Nam Dũng

20:00 10/12/2024

Tin mới nhất