Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hà Nội: Thiếu trường lớp ở khu đô thị, Phó Chủ tịch thành phố nói gì?

Thứ sáu, 10/08/2018 - 13:03

(Thanh tra) - Sáng 10/8, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đã tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019. Tại đây, ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội thừa nhận, quy hoạch trường lớp của Hà Nội chưa đồng bộ, một số trường khu vực đông dân cư còn thiếu phòng học cục bộ, quá tải về sĩ số học sinh…

Ở các khu đô thị, thiếu đất xây dựng trường mầm non, nhiều cơ sở tư thục thuê lại nhà dân làm nơi trông giữ trẻ với điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo. Ảnh: HH

Nơi thiếu đất, nơi thiếu nguồn lực

Hà Nội hiện có 2.641 trường mầm non, phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp với 54.798 nhóm lớp, gần 2 triệu học sinh (so với cùng kỳ năm trước tăng 60 trường, 5.083 nhóm lớp, hơn 134 nghìn học sinh).

Vấn đề “nóng” trên địa bàn Thủ đô hiện nay là thiếu trường, lớp tại các khu đô thị, khu công nghiệp. 

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang cho biết: Tại các khu đô thị, khu công nghiệp, Hà Nội thiếu đất xây dựng trường học, đặc biệt là ở các quận nội thành như Hà Đông, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai… Trong khi đó, các huyện ngoại thành dễ bố trí địa điểm xây dựng trường, nhưng lại thiếu nguồn lực đầu tư (Ba Vì, Đông Anh, Ứng Hòa…).

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang cho biết: Hàng năm Hà Nội dành từ 15-19% vốn ngân sách cho việc chi thường xuyên và chi cho đầu tư xây mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp trường học. Tuy nhiên, nguồn kinh phí như trên chưa đủ đảm bảo đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng tiêu chuẩn về trường, lớp học.

Năm học qua, Hà Nội dành 19 nghìn tỷ để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học, chiếm tỷ lệ 25,5% mức chi từ ngân sách. Hà Nội đã xây dựng 66 trường học, và hơn 22 nghìn phòng học mới; tỷ lệ nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn đạt 78%, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 62%.

Tuy nhiên, dân số tăng nhanh, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp tiếp tục xây mới, gây áp lực về cơ sở vật chất và tình trạng thiếu trường, lớp học. Thủ đô còn tồn tại một số trường đã cũ chưa được cải tạo kịp thời, nhà vệ sinh tại nhiều trường học chưa đạt chuẩn.

Trung tâm ngoại ngữ tuyển khách du lịch làm giáo viên

Về công tác giáo viên, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Hà Nội hiện có tỷ lệ giáo viên đứng lớp ở các bậc học, cấp học đạt chuẩn là 100%, trong đó tỷ lệ trên chuẩn ở bậc tiểu học lên tới 93,8%; THCS hơn 75%, ở bậc mầm non 53,3%. 

Lãnh đạo Sở này cũng thừa nhận, năng lực của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên còn hạn chế, thụ động, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý và dạy học, đổi mới căn bản, toàn diện theo định hướng phát triển năng lực học sinh. 

Cá biệt, một số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên vi phạm các quy định về chuyên môn, nghiệp vụ, vi phạm đạo đức nhà giáo, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Năm học 2017-2018, Hà Nội đã được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.

Chất lượng giáo dục toàn diện, mũi nhọn đạt nhiều kết quả xuất sắc, nhiều học sinh đạt các giải quốc gia và quốc tế.

Việc phân luồng học sinh sau THCS và THPT hiệu quả còn thấp. Việc phối hợp giữa các trường phổ thông với các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất… trong việc hướng nghiệp, phân luồng chưa thực sự hiệu quả. Năm học vừa qua, toàn TP có hơn 100 nghìn học sinh tốt nghiệp THCS, trong đó có hơn 10 nghìn học sinh tốt nghiệp THCS không dự thi để xét vào THPT và Bổ túc THPT.

Việc tự chủ và trách nhiệm giải trình với xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo chưa cao. Vẫn còn 1 vài trường THPT ngoài công lập chưa thực hiện nghiêm túc công tác tuyển sinh, gây phiền hà cho phụ huynh, học sinh, cá biệt còn có trường đặt ra một số khoản thu sai quy định, tổ chức tuyển sinh không đúng thời gian theo kế hoạch chung của ngành GD&ĐT.

Một số trung tâm ngoại ngữ và đào tạo liên kết đã sử dụng nhiều giáo viên tiếng Anh là người nước ngoài không có trình độ sư phạm, không có hợp đồng lao động đúng quy định pháp luật. 

Cá biệt, một số trường hợp là khách du lịch ngắn hạn sang Việt Nam làm lao động tự do gây khó khăn cho công tác quản lý, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

10 năm mở rộng địa giới hành chính tăng 435 trường học

Phát biểu tại hội nghị, ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: Trong 10 năm qua, quy mô mạng lưới trường lớp của ngành GD&ĐT Thủ đô được mở rộng và không ngừng phát triển với 2.643 trường học, gần 1,9 triệu học sinh. 

Từ năm 2008-2018, quy mô giáo dục của thành phố tăng 435 trường mầm non và phổ thông, tăng hơn 632 học sinh.

Riêng năm học 2017-2018 tốt nghiệp THPT quốc gia của Hà Nội đạt 99,38%, số thí sinh đạt điểm 10 cao nhất cả nước (51 thí sinh). Bên cạnh đó, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu, giành thành tích cao trong các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia , quốc tế với 132 giải quốc gia, hơn 160 giải quốc tế.

Về vấn đề trường lớp học ở các khu đô thị mới, được nhiều người dân Thủ đô quan tâm, Phó Chủ tịch UBND TP thừa nhận, quy hoạch trường lớp chưa đồng bộ, một số trường khu vực đông dân cư còn thiếu phòng học cục bộ, quá tải về sĩ số học sinh. 

Từ thực tế đó, Phó Chủ tịch TP chỉ đạo, ngành GD&ĐT hoàn thành việc rà soát, bổ sung quy hoạch hệ thống trường học, nâng cấp, cải tạo hệ thống nhà vệ sinh, tăng cường trồng cây xanh, tạo dựng môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp. Từng bước khắc phục việc thiếu phòng học tại các khu vực nội đô, đông dân cư.

Những vấn đề “nóng” gây bức xúc trong xã hội còn tồn tại trong ngành giáo dục như tuyển sinh tại các trường tư thục, vi phạm đạo đức nhà giáo… Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao vai trò giám sát của thanh tra nhân dân, công đoàn tại cơ sở giáo dục, kiên quyết xử lý các đơn vị, cá nhân sai phạm về công tác quản lý điều hành, thu chi tài chính, vi phạm đạo đức nhà giáo…

Để chuẩn bị cho năm học mới 2018-2019, Phó Chủ tịch TP nhấn mạnh, nhiêm vụ trước mắt cần làm ngay là tăng cường hỗ trợ các nhà trường ở khu vực khó khăn, đặc biệt tại các trường học ở khu vực đang chịu ảnh hưởng ngập lụt ở Chương Mỹ, Quốc Oai.

Dành 74 nghìn tỷ đồng xây mới 1.275 trường học

Ngành GD&ĐT Thủ đô đã triển khai rà soát quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn 30 quận, huyện thị xã, đặc biệt quan tâm trường học trong khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu chế xuất. Sở cũng đã trình UBND TP xem xét phê duyệt quyết định “điều chỉnh bổ sung quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030”.

Đến năm 2030, toàn thành phố cải tạo và xây mới 1.557 trường học (công lập 1.389 trường; ngoài công lập 168 trường). Trong đó xây mới 1.275 trường (công lập 1.107, ngoài công lập 168 trường) với tổng kinh phí xây dựng khoảng 74 nghìn tỷ đồng (dành cho khối công lập kinh phí khoảng 35,6 nghìn tỷ).

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

(Thanh tra) - Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Ninh Bình, bị phê bình nhiều lần và trong năm học 2024 - 2025 đã có nhiều dư luận về chuyên môn cũng như tổ chức dạy học, thu chi, nhưng không biết có được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ninh Bình đưa vào quyết định đã ban hành để kiểm tra hay không?

Nam Dũng

20:00 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm