Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đào tạo liên thông được… "cởi trói"

Thứ hai, 30/03/2015 - 06:31

(Thanh tra)- Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đào tạo liên thông trình độ đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ). Theo Dự thảo, trong đào tạo liên thông có nhiều điểm được "cởi trói" một cách bất ngờ.

Việc nới lỏng quy định trong đào tạo liên thông tạo điều kiện các thí sinh vừa tốt nghiệp được học lên trình độ cao hơn (Trong ảnh: Thí sinh dự thi tại Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương). Ảnh: Hải Hà

Cách đây 2 năm Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 55 quy định đào tạo liên thông trình độ CĐ, ĐH. Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ Bộ đưa Thông tư 55 là để hạn chế tình trạng thí sinh tìm đường vòng vào ĐH, nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, đến nay, Bộ lại công bố Dự thảo mới, trong đó có nhiều điểm “mở cửa”, “nới lỏng” cho hệ đào tạo này.

Theo Dự thảo, thí sinh tốt nghiệp trung cấp (TC) - CĐ có thể thi liên thông ngay lên CĐ hay ĐH bằng hình thức tham dự kỳ thi THPT quốc gia hoặc kỳ thi do nhà trường tự tổ chức. So với Thông tư 55, thí sinh tốt nghiệp TC, CĐ dưới 36 tháng phải tham gia kỳ thi ba chung, thì những sửa đổi được đề cập trong Dự thảo lần này được xem là “cởi trói” cho đào tạo liên thông.

Lý giải về quy định mới này, ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết, thực hiện lộ trình đổi mới đào tạo ĐH, trước hết là đổi mới công tác tuyển sinh, việc tuyển sinh liên thông cũng phải thay đổi phù hợp các văn bản chỉ đạo hiện hành của Bộ.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng khẳng định, việc bỏ quy định phải đủ 36 tháng sau khi tốt nghiệp mới được học liên thông không có nghĩa là “cởi trói” hay buông lỏng hệ đào tạo này.

“Dự thảo đã đặt ra những biện pháp tổ chức đào tạo chặt chẽ trong kiểm soát chất lượng. Chỉ tiêu đào tạo liên thông của các ngành bị khống chế. Sắp tới, việc xác định chỉ tiêu liên thông sẽ được xác lập dựa trên từng ngành. Trong tổng chỉ tiêu của mỗi ngành thì chỉ tiêu liên thông chính quy sẽ không quá 20%”, ông Tuấn cho hay.

Cho ý kiến về Dự thảo mới được công bố PGS.TS Lê Hữu Lập, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết: “Dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 55 đưa ra phương thức tuyển sinh phù hợp với tình hình hiện nay. Việc giao quyền tự chủ tuyển sinh liên thông cho các trường là phù hợp với Luật Giáo dục và Điều lệ Trường ĐH. Ngoài ra, trong Dự thảo mới cũng không còn phân biệt thí sinh tốt nghiệp đủ 36 tháng hay ít hơn, điều này tạo cơ hội cho thí sinh vừa tốt nghiệp có thể tham gia kỳ thi tuyển sinh do các trường tổ chức”.

Tuy nhiên, điều mà nhiều chuyên gia giáo dục lo lắng là sau khi các trường được “cởi trói” thì việc đào tạo hệ này có đảm bảo chất lượng, hay lại rơi vào tình trạng bát nháo, mất kiểm soát khiến như trước đây?

PGS.TS Lập băn khoăn, việc nới lỏng có thể dẫn tới tình trạng tuyển sinh liên thông ồ ạt, khiến chất lượng đào tạo không đảm bảo. Vì vậy, Bộ GD&ĐT phải quản lý chặt được chỉ tiêu tuyển sinh theo năng lực của các trường, và chỉ tiêu đào tạo liên thông chính quy được tính trong chỉ tiêu đào tạo chung.

Nghiên cứu Dự thảo, ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho biết, việc ban hành Dự thảo Thông tư mới này thực chất là quay trở về với trước khi có Thông tư 55. Ông Khuyến tỏ ra lo ngại chất lượng đào tạo sẽ kém đi khi để cho các trường được tự ra đề và tự tổ chức thi. “Không nên “thả nổi” ngay mà hãy chờ khi có các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục tốt hãy để các trường tự lo”, ông Khuyến nói.

Việc nới lỏng quy định trong đào tạo liên thông nhận được sự đồng tình từ phía nhà trương và học sinh. Tuy nhiên, điều mà xã hội mong mỏi là đi kèm với "cởi trói" cần có những quy định "ràng buộc" để kiểm soát về chất lượng như siết chỉ tiêu, tăng cường kiểm định đảm bảo chất lượng… Có như vậy chất lượng liên thông mới không đi vào vết xe đổ trước đó.

“Siết” ngành Y - Dược

Theo quy định mới, dự kiến những người có bằng tốt nghiệp y sĩ hoặc y sĩ đa khoa được đăng ký tuyển sinh đào tạo liên thông trình độ ĐH các ngành y đa khoa, y học cổ truyền, y học dự phòng. Những người có bằng tốt nghiệp TC, CĐ thuộc khối ngành sức khỏe được tuyển sinh đào tạo trình độ ĐH các ngành: Điều dưỡng, hộ sinh, y tế công cộng, kỹ thuật y học.

Những người đăng ký tuyển sinh đào tạo liên thông vào các ngành y đa khoa, răng hàm mặt, y học cổ truyển, dược sĩ trình độ ĐH phải có thời gian làm việc liên tục đúng ngành đào tạo ít nhất là 12 tháng. Thời gian được tính từ khi ký hợp đồng lao động hoặc có quyết định tiếp nhận đến thời điểm cơ sở đào tạo bắt đầu nhận hồ sơ dự thi, không bao gồm thời gian thực hành nghề nghiệp để lấy chứng chỉ hành nghề và được đơn vị tuyển dụng cử đi học.

Từ năm 2015 không áp dụng đào tạo liên thông hình thức vừa làm vừa học đối với các ngành y đa khoa, răng hàm mặt, y học cổ truyền, y học dự phòng, dược sĩ trình độ CĐ, ĐH.


Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

(Thanh tra) - Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Ninh Bình, bị phê bình nhiều lần và trong năm học 2024 - 2025 đã có nhiều dư luận về chuyên môn cũng như tổ chức dạy học, thu chi, nhưng không biết có được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ninh Bình đưa vào quyết định đã ban hành để kiểm tra hay không?

Nam Dũng

20:00 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm