Gần đến giờ cơm trưa, hàng chục học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (thuộc xã vùng III - Cư Amung, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk), lại í ới nhau xuống khu tập thể ở phía sau trường.

Nơi đây, thầy Nguyễn Văn Tâm (Tổng Phụ trách Đội, Bí thư Chi đoàn trường), đang nhanh tay cho thức ăn vào đĩa. Mùi thơm toả ra ra từ căn phòng nhỏ khiến các em phấn khích, xuýt xoa.

Thầy Tâm chia sẻ, đến giờ cơm, các em sẽ chủ động chia việc. Một nhóm dọn sạch dãy hiên lớp học ở tầng 2 để trải chiếu, các em khác xuống phụ thầy bê cơm, thức ăn… Nhìn bữa trưa có đủ cơm, canh, thịt, rau…, đôi mắt các em sáng lên, miệng khúc khích cười. Em lớn giúp em nhỏ lấy cơm, gắp thức ăn. Sau lời mời, các em hồn nhiên thưởng thức bữa trưa ấm áp như đại gia đình.

Em Triệu Thị Tố Quyên (người Tày, học lớp 4A2) chia sẻ, nhà cách trường 4 cây số. Mẹ Quyên làm dưới Bình Dương, còn bố làm rẫy nên đi cả ngày.

Quyên được bạn học gần nhà, cùng lớp Hoàng Quốc Cường đèo bằng xe đạp. Từ khi thầy Tâm nấu cơm, hai em không phải đạp xe về nhà ăn trưa.

“Thầy Tâm rất tốt, nấu ăn ngon. Em rất biết ơn thầy. Đối với em, thầy Tâm như một ông Bụt trong truyện cổ tích đã hiện ra và giúp đỡ chúng em", Tố Quyên chia sẻ.

Còn em Hoàng Thị Ngọc Vy (người Nùng, học lớp 5A3) tâm sự, bố mẹ đi làm cả ngày. Buổi sáng, Vy mang theo cơm để ăn buổi trưa. Từ khi thầy Tâm nấu cơm, Vy mạnh dạn đăng ký ở lại trường.

“Cơm thầy nấu vừa nóng, có nhiều món, ăn no và ngon miệng. Được ăn chung với các bạn như thế này, em cảm thấy rất vui”, Vy thổ lộ.

Thầy Tâm cho biết, cơm trưa tiếp sức học trò đến trường nằm trong chương trình “Vì đàn em thân yêu”, do thầy khởi xướng cách đây 2 năm.

Chia sẻ ý tưởng tổ chức bữa cơm trưa ấm áp trên, thầy tâm sự: “Nhiều em nhà xa trường, bố mẹ bận đi làm, có một số em rất hoàn cảnh, ở với ông bà cao tuổi nên không thể đưa đón. Do đó, các em phải đùm theo cơm ở lại ăn trưa.

Cơm mang từ sáng sớm, đến trưa đã nguội lạnh. Tôi thấy thương quá nên muốn nấu cơm trưa nóng hổi, đủ chất cho các em ăn nhà xa, hoàn cảnh khó khăn. Ý tưởng của tôi được lãnh đạo trường và các thầy cô giáo ủng hộ nên bắt tay làm từ đầu năm học 2023 - 2024”.

Thầy Nguyễn Văn Tâm là Tổng phụ trách Đội, Bí thư Chi đoàn Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (thuộc xã vùng III - Cư Amung, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk). Ảnh: Ngọc Giàu

Ban đầu, chương trình cơm trưa được tổ chức tại điểm trường thuộc thôn 3 với 8 học sinh. Trong tháng đầu, thầy Tâm bỏ tiền cá nhân mua thức ăn, tự tay vào bếp nấu cho các em 4 bữa/tuần, từ thứ 2 đến thứ 5. Những tháng sau, chương trình cơm trưa được tiếp sức bởi các thầy cô (như cô Huệ, cô Kiều, thầy Việt…) và nhà hảo tâm. Số lượng học sinh được thưởng thức bữa trưa tại trường cũng dần tăng lên.

Từ đầu năm học 2024 - 2025, chương trình nấu cơm trưa cho học trò được tổ chức tại điểm trường chính, với 27 em do thầy Tâm nấu cho các em ăn, 100% các em học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số. Thầy thổ lộ, không ngại chuyện con trai vào bếp. Có những lúc bận rộn, thầy phải thức đến 22h00 đêm để chuẩn bị trước đồ ăn kịp nấu vào ngày mai. Với thầy, niềm vui là khi học trò có bữa cơm no, đủ chất để theo học con chữ.

Không chỉ lo bữa cơm nóng hổi, thầy Tâm còn tham gia vận động học sinh bỏ học quay lại trường. Thầy Tâm cho hay, các em hay nghỉ học sau dịp lễ, Tết, hoặc vào mùa thu hoạch nông sản. Có trường hợp đang giờ ra chơi, học sinh kêu đói, xin về nhà ăn cơm nhưng sau đó lại đi mót nông sản. Các thầy cô lại chia nhau đến tận nhà vận động.

“Để gặp được học sinh, phụ huynh, chúng tôi phải đi vào chiều tối. Nhiều hôm mưa to, đường trơn trượt, bị té ngã, quần áo lấm lem, chúng tôi đành quay về. Đường xa, đường khó, chúng tôi không ngại, chỉ buồn vì nhiều phụ huynh chưa quan tâm đến chuyện học của trẻ. Họ chỉ cần con đọc được chữ, rồi lên rẫy lao động cho no cái bụng. Do đó, việc vận động học sinh quay lại trường rất khó khăn. Lần 1 không thành, chúng tôi đi lần 2, lần 3…, đến khi nào, phụ huynh xuôi lòng, học sinh quay lại trường mới thôi”, thầy Tâm kể.

Khi trẻ quay lại trường, thầy Tâm còn vận động các nhà hảo tâm tặng quần áo, sách vở, đồ dùng học tập... Để nắm được hoàn cảnh của học trò, thầy Tâm thường dành thời gian tương tác. “Các em khá nhút nhát, ít nói về hoàn cảnh của mình. Do đó, tôi hay tổ chức các hoạt động thiện nguyện như tặng quà, cắt tóc cho trẻ trong buôn làng. Từ đó, tôi mới nắm được hoàn cảnh của các em để tìm cách hỗ trợ”, thầy Tâm cho hay.

Học trò thầy nhớ nhất là em Y Xa Mô Rcăm (nay đã nghỉ học), anh cả trong gia đình có 7 anh em. Cách đây 8 năm, Y Xa Mô là học sinh lớp 4 của trường. Em rất lễ phép. Thời đi học, Y Xa Mô chỉ có một bộ đồng phục, tuy cũ nhưng luôn sạch sẽ, đóng thùng gọn gàng. Thấy vậy, thầy Tâm bắt chuyện làm quen, song Xa Mô ít nói, e ngại. Sau nhiều lần lân la tìm hiểu, thầy mới biết hoàn cảnh của em. Thầy Tâm xin quần áo, sách vở, tiếp sức để em đến trường. Sau này, Y Xa Mô nghỉ học, đi làm thuê kiếm tiền nuôi các em ăn học. Em vẫn giữ liên lạc với thầy Tâm qua mạng xã hội. Thầy cũng động viên em chăm chỉ làm việc, hỗ trợ gia đình lo cho đàn em nhỏ.

Chương trình “Vì đàn em thân yêu”, do thầy Tâm khởi xướng cách đây 2 năm. Ảnh: Anh Minh

Gần 10 năm gắn bó với mái trường, thầy Tâm có nhiều kỉ niệm. Nhớ lại hành trình từ một sinh viên quê vùng đất lửa Quảng Trị vào Tây Nguyên gieo chữ, thầy Tâm chia sẻ, tất cả là duyên số. Thầy Tâm về trường vào năm 2015. Thời điểm đó, thầy chưa mường tượng về vùng đất bazan.

“Tôi xem ảnh trên mạng thấy đường ở Đắk Lắk cũng được thảm nhựa, nhưng vào mới hay nơi dạy học là xã vùng III đặc biệt khó khăn. Thời đấy, đường vào trường đất đỏ bazan, mùa mưa nhão nhẹt, bùn lút cả chân. Không người thân nơi đất khách quê người, tôi chỉ biết gặm nhắm nỗi cô đơn trong căn phòng tập thể. Động lực để tôi gắn bó với vùng đất này chính là học trò thân yêu. Nhìn các em thiếu thốn thiệt thòi nhiều quá. Tôi muốn làm điều gì đó cho học sinh nơi đây”, thầy Tâm thổ lộ.

Xuất bản 07/11/2024 - 16:15 Ngọc Giàu - Đình Tuệ

Tin cùng chuyên mục

Thanh Hoá: Đình chỉ 3 học sinh đánh hội đồng bạn bị gãy đốt sống cổ

Thanh Hoá: Đình chỉ 3 học sinh đánh hội đồng bạn bị gãy đốt sống cổ

(Thanh tra) - Ngày 21/11, ông Đặng Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Nông Cống 2, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cho biết, nhà trường đã tiến hành họp Hội đồng Kỷ luật, đưa ra hình thức kỷ luật đình chỉ học đối với 3 học sinh trực tiếp tham gia đánh bạn. Thời gian đình chỉ học trong 2 tuần, từ 19/11 đến 2/12.

Hương Trà

19:24 21/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm