Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Giới khoa học kiến nghị dừng quy hoạch du lịch tại Sơn Trà

Thứ sáu, 21/07/2017 - 19:56

Các nhà khoa học gửi thư đến Thủ tướng đề nghị không quy hoạch Sơn Trà thành khu du lịch quốc gia và đập bỏ 40 móng biệt thự.

Ngày 21/7, Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng và Viện Sinh thái học miền Nam (trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam) đã gửi thư kiến nghị hiến kế bảo vệ bán đảo Sơn Trà (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) lên Thủ tướng.

Thư kiến nghị đồng thời được gửi đến Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội; các bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa Thể thao và Du lịch; Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, UBND TP Đà Nẵng.

Cơ sở gửi thư kiến nghị này xuất phát từ hội thảo khoa học về Sơn Trà ngày 15/7, với sự tham gia của 180 nhà khoa học và chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, rừng, xây dựng... Các đại biểu đã thảo luận và nhất trí các kiến nghị gửi đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP Đà Nẵng.

Hệ sinh thái tự nhiên đang bị tác động nghiêm trọng

Theo thư kiến nghị, các tài liệu khoa học tại hội thảo đã chứng minh bán đảo Sơn Trà là vùng sinh thái đặc thù, là "báu vật của Việt Nam", với ít nhất 1.010 loài thực vật, 370 loài động vật. Trong đó có nhiều loài quý, hiếm theo quy định của Việt Nam và quốc tế.

Sơn Trà cũng là nơi sinh sống của 700 đến 1.300 cá thể voọc chà vá chân nâu. Bán đảo này đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn nguồn gen và loài trước nguy cơ tuyệt chủng. Thảm thực vật ở cao độ thấp hơn 200 mét (từ mặt nước biển trở lên) có vai trò quan trọng bảo vệ an toàn cho loài chà vá chân nâu.

Trong 10 năm trở lại đây, diện tích và chất lượng rạn san hô ở vùng biển ven bờ đang bị suy giảm nghiêm trọng, nhiều nơi bị biến mất. Nguyên nhân là việc lấn biển, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển vùng ven bờ, sự lắng đọng trầm tích và khai thác nguồn lợi hải sản ven bờ quá mức, rác thải và ô nhiễm môi trường từ các khu đô thị, nhà hàng, hoạt động du lịch.

Diện tích thảm cỏ biển quanh bán đảo Sơn Trà chỉ còn khoảng một ha, tập trung tại Bãi Nồm và Bãi Bụt. So với năm 2006 đã có khoảng 9 ha thảm cỏ biển biến mất, cấu trúc thảm cỏ biển ở Bãi Nồm cũng bị biến động lớn theo xu hướng suy thoái do ô nhiễm và tác động môi trường.

Vùng phân bố và hoạt động của loài chà vá chân nâu đang bị chia cắt và thu hẹp một cách nghiêm trọng do các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng. Tình trạng săn bắn trộm vẫn diễn ra và việc phát triển du lịch thiếu kiểm soát đang tạo áp lực lên quần thể loài linh trưởng này.

Hiện tượng khai thác rừng và cây thuốc trái phép vẫn đang xảy ra.

Từ năm 1977, Thủ tướng đã quy định Sơn Trà là khu rừng cấm (rừng đặc dụng), nhưng đến nay rừng này chưa có chủ quản lý. Ba quyết định chính của Thủ tướng cũng quy định các mục tiêu và diện tích rừng khác nhau cho bán đảo Sơn Trà.

"Dừng quy hoạch du lịch, đập bỏ 40 móng biệt thự"

Từ lo ngại tổn hại đến hệ sinh thái, các nhà khoa học và chuyên gia đề nghị UBND TP Đà Nẵng và Chính phủ hoàn trả diện tích rừng bị chuyển sang cho việc quy hoạch du lịch; không quy hoạch bán đảo Sơn Trà thành khu du lịch quốc gia để ưu tiên tập trung cho quy hoạch bán đảo này thành khu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

"Cần giữ nguyên hiện trạng hiện nay ở Sơn Trà, không xây dựng mới các công trình hạ tầng và du lịch", kiến nghị nêu.

40 móng biệt thự xây không phép đang chảy bùn, đất đỏ xuống biển Đà Nẵng. Ảnh:Nguyễn Đông.

Các nhà khoa học cũng đề nghị "tháo bỏ ngay 40 móng biệt thự đã xây trái phép. Chủ đầu tư phải thực hiện các biện pháp chống trôi đất xuống biển trước mùa mưa bão 2017".

Công trình này do Công ty cổ phần Biển Tiên Sa làm chủ đầu tư. Tháng 3 vừa qua, sau khi người dân đăng lên mạng xã hội bức ảnh chụp khu công trình cày xới một góc bán đảo Sơn Trà, cơ quan chức năng Đà Nẵng đã kiểm tra, phát hiện 40 móng biệt thự đang xây dựng không phép.

Đầu tháng 7, khi địa bàn xuất hiện một vài cơn mưa lớn, bùn đất từ công trình không phép này đã chảy xuống biển Đà Nẵng, gây ô nhiễm môi trường và đe dọa hủy diệt rạn san hô phía dưới.

Theo Chủ tịch hiệp hội du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh, nếu bản kiến nghị nêu trên của các nhà khoa học được thực hiện, trên bán đảo Sơn Trà sẽ còn 3 khu resort đã đi vào hoạt động, trong đó một khu nghỉ dưỡng cao cấp ở phía tây bắc, hai resort ở phía tây nam (nằm trên đường Hoàng Sa). Bên cạnh đó, bán đảo còn có một bảo tàng tư nhân, chùa Linh Ứng, một số biệt thự tư nhân, khu căn cứ của quân đội, trạm radar, trạm thu phát sóng, cùng 68 lều quán xây dựng trái phép trên đất rừng giao khoán...

Nêu quan điểm về bản kiến nghị, ông Vũ Quang Hùng (giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng) cho biết UBND TP đang giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát toàn bộ dự án trên Sơn Trà để báo cáo Chính phủ. "Các nhà khoa học gửi kiến nghị là quan điểm của giới khoa học. Còn Đà Nẵng sẽ báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/8. Các dự án Đà Nẵng cấp phép trước đây trên Sơn Trà đã được cập nhật vào quy hoạch khu du lịch quốc gia. Do đó, các công trình được duyệt là quy hoạch du lịch, không phải quy hoạch xây dựng", ông Hùng nói.

Bán đảo Sơn Trà cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 10 km về phía đông bắc, rộng 4.400 ha, là tổng hòa của hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền biển duy nhất ở Việt Nam.

Từ trước năm 2013, Đà Nẵngcấp phép cho 18 dự án với số phòng ước tính 5.000. Tháng 11/2016, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà với số phòng giảm chỉ còn 1.600.

Tuy nhiên, sau khi công bố quy hoạch, Hiệp hội du lịch Đà Nẵnggửi kiến nghị đến Thủ tướng, bày tỏ lo ngại Sơn Trà sẽ bị bê tông hóa bởi các dự án du lịch; kiến nghị xem xét lại bản quy hoạch theo hướng giữ nguyên hiện trạng (với khoảng 300 phòng).

Cuối tháng 5, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì họp với Bộ Văn hoá cùng UBND TP Đà Nẵng,chỉ đạochưa triển khai quy hoạch Sơn Trà; chấp thuận cho Bộ Văn hóavà Đà Nẵng 3 tháng để trả lời kiến nghị của Hiệp hội du lịch.

Cuối tháng 6, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chủ trì buổi họp báo tại địa phương, khẳng địnhsẽ giảm các dự án ở Sơn Trà.

Theo Nguyễn Đông/Vnexpress

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất