Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ ba, 08/10/2024 - 22:16
(Thanh tra) - Khẳng định vướng mắc bảng giá đất không phải do pháp luật mà do địa phương thực hiện chưa tốt, Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng thời kiến nghị khi đấu giá đất phải công khai quy hoạch, điều chỉnh bảng giá đất, công khai đối tượng bỏ cọc.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân khẳng định, vướng mắc trong điều chỉnh bảng giá đất không phải từ chính sách, quy định của pháp luật mà do khâu tổ chức thực hiện chưa tốt của một số địa phương. Ảnh minh họa: IT
Những vấn đề về bảng giá đất, đấu giá đất được lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, chiều 8/10.
13 tỉnh, TP chưa ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai
Chủ trì hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có liên quan chặt chẽ, mật thiết đến việc triển khai các nhiệm vụ, dự án cụ thể phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Xuất phát từ yêu cầu giải quyết vướng mắc trong thực tiễn, khơi thông các động lực, phát huy các nguồn lực đất đai, vốn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; từ nguyện vọng của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; kiến nghị của các địa phương, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội và được sự đồng thuận cao của Quốc hội cho phép có hiệu lực sớm 3 luật trước 5 tháng.
Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đã cùng với các địa phương xây dựng, ban hành đồng bộ các văn bản theo thẩm quyền 15 nghị định và 2 quyết định của Thủ tướng. Và không có thông tư nào bị chậm ban hành.
Đến ngày 7/10, nhiều địa phương chưa ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền. Một số địa phương chưa ban hành văn bản nào để triển khai thực hiện.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm; mức độ ảnh hưởng ra sao đến phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. “Các địa phương cần đề xuất rõ những khó khăn, vướng mắc cần Thủ tướng, các bộ trưởng tháo gỡ, giải quyết. Các bộ, ngành, cơ quan phải có trách nhiệm chung tay hướng dẫn các địa phương tháo gỡ, giải quyết”, lãnh đạo Chính phủ nói.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, đến nay, có 50/63 tỉnh, TP đã ban hành một số văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
Trong 50/63 tỉnh, TP đã ban hành văn bản thì chỉ có tỉnh Hải Dương ban hành đầy đủ các nội dung được giao quy định chi tiết trong luật.
“Các địa phương còn lại nội dung ban hành chủ yếu liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư, quy định về hạn mức giao đất, công nhận quyền sử dụng đất, điều kiện tách thửa hợp thửa…”, ông Ngân thông tin
13 tỉnh, TP chưa ban hành văn bản gồm: Cao Bằng, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đăk Nông, Tiền Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau, Phú Yên, Bình Phước và An Giang.
Do các địa phương chưa ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024 theo thẩm quyền nên chưa tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, chưa phát huy tối đa hiệu lực, hiệu quả của các quy định đổi mới của pháp luật đất đai; chưa giải quyết kịp thời các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai, theo lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Điều chỉnh bảng giá đất, công khai đối tượng bỏ cọc
Về bảng giá đất, khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai năm 2024 quy định, “được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai 2024 cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương”.
Đây là, quy định chuyển tiếp, nhằm giúp các địa phương thực hiện lộ trình từng bước xây dựng bảng giá đất theo Luật Đất đai năm 2024 để áp dụng từ ngày 01/01/2026, tránh cú sốc tăng giá đột biến, ảnh hướng đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Ông Ngân nhấn mạnh, việc điều chỉnh bảng giá đất là nhiệm vụ thường xuyên được quy định xuyên suốt từ Luật Đất đai năm 2013 đến nay.
Các địa phương có sự điều chỉnh Bảng giá đất đúng theo quy định của Luật Đất đai 2013 đã đảm bảo giá đất trong bảng giá đất tiệm cận với mặt bằng thực tế thì việc áp dụng khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai năm 2024 không có vướng mắc, không ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất.
Còn các địa phương trong suốt quá trình 2021 - 2024 không hoặc không thường xuyên điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, khi thực hiện điều chỉnh lại điều chỉnh với mức chênh lệch lớn khiến người dân, doanh nghiệp phản ứng. Bởi số tiền họ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai sẽ tăng cao so với khi áp dụng bảng giá đất cũ.
“Qua theo dõi chỉ có 52 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có điều chỉnh bảng giá đất theo Luật Đất đai năm 2013”, ông Ngân cho hay và khẳng định, vướng mắc trong điều chỉnh Bảng giá đất không phải từ chính sách, quy định của pháp luật mà do khâu tổ chức thực hiện chưa tốt của một số địa phương.
Vấn đề nữa là công tác đấu giá quyền sử dụng đất. Theo ông Ngân, các địa phương đã thiếu sự chủ động trong tạo quỹ đất để đấu giá dẫn đến nhu cầu đất ở, nhà ở của người dân không được đáp ứng trong thời gian dài.
Trong khi, một số đối tượng tham gia đấu giá đất không thực sự có nhu cầu về đất ở, nhà ở mà chủ yếu đầu cơ, thao túng giá. Các đối tượng này đã đẩy giá cao, thổi giá và bán lại ngay để thu lợi hoặc tạo mặt bằng giá ảo với các khu vực xung quanh.
“Thậm chí sau khi đấu giá, một số đối tượng chưa nộp tiền sử dụng đất đúng thời hạn theo quy chế đấu giá, có dấu hiệu bỏ cọc, gây dư luận không tốt tại một số địa phương”, ông Ngân cho biết.
Cạnh đó, có trường hợp sử dụng bảng giá đất chưa kịp thời điều chỉnh, thấp hơn nhiều so với mặt bằng giá đất thực tế dẫn đến giá trúng đấu giá và giá khởi điểm có sự chênh lệch lớn, cũng thu hút nhiều đối tượng tham gia đấu giá để kiếm lời.
Từ thực tế đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo các địa phương khi tổ chức đấu giá đất phải công khai quy hoạch, điều chỉnh bảng giá đất, công khai đối tượng bỏ cọc. Việc này nhằm hạn chế các đối tượng lợi dụng đấu giá đất để trục lợi, thổi giá, gây nhiễu loạn thị trường bất động sản.
Song song là tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm với các cơ quan quản lý Nhà nước và đối tượng sử dụng đất. Trước mắt, đẩy mạnh kiểm tra việc tổ chức thi hành Luật Đất đai 2024 tại các địa phương.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng kiến nghị chuẩn bị tốt các điều kiện về nguồn lực, cơ sở hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai để xây dựng bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai 2024, có đánh giá tác động, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan trong quá trình xây dựng bảng giá đất để áp dụng từ ngày 01/01/2026.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Từ 1/12/2024, tỉnh Bắc Ninh giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã, Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu, phải có phương án sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí và không để tham ô, tham nhũng, trục lợi cá nhân đối với trụ sở công, tài sản công dôi dư.
(Thanh tra) - Sáng 22/11, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã chủ trì Lễ công bố quyết định về công tác cán bộ.
Vũ Linh
14:58 22/11/2024Hương Giang
11:45 22/11/2024Hương Giang
10:49 22/11/2024Hương Giang
09:25 22/11/2024Hương Giang
17:00 21/11/2024Thu Huyền
T.Thanh
Vũ Linh
Bài và ảnh: Nguyễn Nhị
PV
Chu Tuấn - Quang Dân
Nhật Minh
N. Phê - L. Bình
Trần Quý
Thái Hải