Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Virus SARS-CoV-2 rất “biến ảo”, khoảng 40% người mang mầm bệnh không có triệu chứng

Hương Giang

Thứ sáu, 24/04/2020 - 14:28

(Thanh tra) – Virus SARS-CoV-2 rất “biến ảo”. Nhiều người nhiễm không có triệu chứng. Không ít người đã xét nghiệm âm tính rồi lại dương tính nhiều lần…

Như các cuộc họp trước đó, một lần nữa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam luôn nhấn mạnh tuyệt đối không được chủ quan. Ảnh: Đình Nam

Ngày 24/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19).

Theo Phó Thủ tướng, đến giờ phút này, chúng ta đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Nhiều địa phương được nới lỏng cách ly, học sinh sắp quay trở lại trường…

Nhưng trên thế giới, mỗi ngày vẫn ghi nhận khoảng 50.000 người nhiễm mới, 5.000 người tử vong. Nhiều nơi tưởng chừng đã kiểm soát được tình hình nhưng dịch bệnh đã bùng phát trở lại.

Như các cuộc họp trước đó, một lần nữa, Phó Thủ tướng luôn nhấn mạnh tuyệt đối không được chủ quan.

Bên cạnh đó, virus SARS-CoV-2 rất “biến ảo”. Nhiều người nhiễm không có triệu chứng. Nhiều người có thời gian ủ bệnh rất lâu. Không ít người đã xét nghiệm âm tính rồi lại dương tính nhiều lần.

Các chuyên gia đều cho rằng, tất cả mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam, đều có rủi ro người mang mầm bệnh trong cộng đồng.

Vì vậy, theo Phó Thủ tướng, các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo khẩn trương có những hướng dẫn hết sức chi tiết với từng lĩnh vực quản lý như giao thông, đi lại, sản xuất kinh doanh, đặc biệt là đi học trở lại tới đây… sao cho an toàn.

Không để dịch từ “đốm lửa nhỏ” lây lan thành đám cháy lớn

Với mục tiêu chung sống an toàn với dịch, vừa chống dịch, vừa bảo đảm phát triển sản xuất, kinh doanh, việc làm và đời sống người dân, Ban Chỉ đạo đã bàn các nội dung: Mở rộng diện giám sát; quản lý tốt tình hình lao động ở các khu công nghiệp, khu nhà trọ của người lao động; quản lý người nước ngoài nhập cảnh, đưa công dân Việt Nam về nước; xây dựng tiêu chí bảo đảm hoạt động vận tải hành khách an toàn (hàng không, đường sắt, đường bộ); bảo đảm các điều kiện an toàn để đón học sinh trở lại trường học…

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng đề nghị, các bộ, ngành khẩn trương xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn bảo đảm an toàn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, đi lại, trường học…

Đặc biệt, theo ông Hùng, cần làm tốt công tác tuyên truyền để các cơ quan, ban, ngành và người dân tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo, khuyến cáo, không chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh.

PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, các ổ dịch xuất hiện vừa qua, chúng ta đã phong toả quyết liệt và giải quyết được, những trường hợp nghi nhiễm đều không cho tiếp xúc với người lành, nên chúng ta khống chế được. Tuy nhiên, trong thời gian giãn cách xã hội, không phải chúng ta xử lý được 100% các ca nhiễm mà chỉ là hạn chế tối đa những người đang mang mầm bệnh tiếp xúc với người lành, chứ không bảo đảm ngăn chặn triệt để.

Thống kê cho thấy, tỷ lệ người mang mầm bệnh có khoảng 40% không có triệu chứng; nhiều trường hợp có triệu chứng nhẹ; chưa kể còn có tình trạng có người xét nghiệm âm tính sau đó lại dương tính nhiều lần. Do đó, thực tế hoàn toàn có thể tồn tại những người mang mầm bệnh trong cộng đồng.

“Chúng ta không được mất cảnh giác, không được chủ quan, tiếp tục thực hiện tốt nguyên tắc chống dịch, không để dịch bệnh bùng phát, từ “đốm lửa nhỏ” lây lan thành đám cháy lớn như ở một số nước”, ông Phu phát biểu.

Nguy cơ dịch bệnh vẫn còn, tuyệt đối không chủ quan

Thông tin thêm về trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính rồi lại dương tính, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, về chuyên môn, có thể người đó chưa khỏi bệnh hoàn toàn; hoặc đã khỏi bệnh nhưng đang trong quá trình đào thải xác virus.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Đình Nam

Còn trường hợp người lành mang bệnh, theo ông Long, chúng ta có 1 trường hợp ở dạng này xảy ra khi cơ thể người mang virus chưa sản xuất đủ kháng thể để tiêu diệt virus… Bộ Y tế đang giao cho 2 cơ quan nghiên cứu sâu các trường hợp này.

Thứ trưởng Bộ Y tế lưu ý, thực tế có thể chúng ta không ghi nhận những ca bệnh mới, song vẫn có những người mang virus tồn tại trong cộng đồng mà không phát hiện ra được. Do chưa có vaccine, thuốc đặc trị, nên các chuyên gia trên thế giới đều rất lo ngại về khả năng lây nhiễm trở lại. Bài học từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... cho thấy làn sóng thứ hai xâm nhập, tồn tại và phát triển trong một cộng đồng không được biết tới cho đến khi bùng phát.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, chúng ta vui mừng vì kết quả phòng, chống dịch COVID-19 đến hôm nay. Nhưng không được quên chúng ta mới chỉ thắng từng "trận đánh", từng "chiến dịch", vẫn chưa thắng hoàn toàn cả "cuộc chiến".

Lãnh đạo Chính phủ đề nghị mọi người dân vui mừng nhưng đúng mức vì nguy cơ dịch bệnh vẫn còn. Chúng ta cố gắng đưa cuộc sống trở lại bình thường trong điều kiện vẫn còn nguy cơ dịch bệnh rình rập.

Vì sức khoẻ của bản thân mình, vì cộng đồng, theo Phó Thủ tướng, mỗi người dân, các lực lượng phòng, chống dịch phải tiếp tục thực hiện thật tốt các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, hướng dẫn của ngành Y tế.

Dù không còn cách ly xã hội nhưng mỗi người hãy hạn chế tối đa đi ra ngoài, hạn chế tối đa tiếp xúc. Nếu phải ra ngoài thì luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn, rửa tay thường xuyên, sạch sẽ. Điều này không hề thừa bởi nguy cơ dịch bệnh vẫn còn xung quanh chúng ta.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, tại Việt Nam ghi nhận 268 trường hợp mắc COVID -19. Không ghi nhận trường hợp mắc mới kể từ ngày 17/4.

224 trường hợp đã khỏi bệnh (chiếm 83% tổng số bệnh nhân); 44 bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại 7 cơ sở khám, chữa bệnh. 3 bệnh nhân diễn biến nặng (số 20,91,161) đã có tiến triển trong những ngày gần đây, 21 trường hợp âm tính từ 1 lần trở lên (trong đó có 9 trường hợp âm tính từ 2 lần trở lên).

Liên quan đến ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội: Ghi nhận 13 ca, không ghi nhận ca mắc mới; đã thực hiện 14.242 mẫu xét nghiệm, kết quả tất cả đều âm tính.

Còn trường hợp bệnh nhân số 268 ghi nhận tại Đồng Văn, tỉnh Hà Giang: Thực hiện 415 mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR đối với các trường hợp tiếp xúc gần (F1, F2), kết quả đều âm tính. Ngày 23/4, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành quyết định dỡ cách ly thị trấn Đồng Văn và thôn Tả Kha thuộc thị trấn Phố Bảng (huyện Đồng Văn).

Về vật tư y tế thiết yếu phòng, chống dịch, đến nay, đã ký hợp đồng 46,15 triệu chiếc khẩu trang y tế (đã cấp cho các đơn vị 4,81 triệu); 368.500 khẩu trang N95 (đã cấp cho các đơn vị 27.600 cái), 220.900 bộ trang phục phòng, chống dịch cấp độ 1-2 (đã cấp cho các đơn vị 86.650 cái), 126.500 bộ trang phục chống dịch cấp độ 3 (đã cấp cho các đơn vị 26.500 bộ), 90.000 bộ trang phục chống dịch cấp độ 4 (đã cấp cho các đơn vị 2.800 bộ).

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm