Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Uỷ ban Kinh tế Quốc hội kiến nghị xử lý trách nhiệm trong tham mưu xuất khẩu gạo

Hương Giang

Thứ ba, 21/04/2020 - 20:00

(Thanh tra) - Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực thi công vụ, tham mưu các quyết định có ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, người dân nhưng đã không đánh giá kỹ tác động.

Ảnh minh hoạ. Nguồn Internet

Nghiên cứu hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại

Báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 21/4, theo Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, quá trình thực thi điều hành xuất khẩu gạo tồn tại nhiều bất cập, gây khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp, nông dân.

Cơ quan này dẫn chứng việc Tổng cục Hải quan mở tờ khai hệ thống thông quan hàng tự động lúc 0h ngày 12/4 mà không thông báo minh bạch khiến doanh nghiệp bức xúc. Một số đơn vị bị ảnh hưởng bởi những hợp đồng đã ký nhưng không mở được tờ khai để xuất khẩu.

Số khác lại gặp tình huống đã có số tờ khai, phân vào luồng đỏ nhưng đến ngày 13/4 lại thấy ngày đăng ký tờ khai lùi về ngày 10/4. Cá biệt, có hiện tượng doanh nghiệp "ghi danh giữ chỗ" khi chưa tập kết đủ hàng tại cảng dù đã có tờ khai.

Theo Thường trực Uỷ ban Kinh tế, việc phân bổ hạn ngạch thông qua đăng ký hải quan trừ lùi chưa gắn với nghĩa vụ thu mua lúa gạo trong dân, cũng như quy mô, năng lực giao dịch hiệu quả của các doanh nghiệp.

Với lượng hàng tồn kho do các hợp đồng đã ký kết, doanh nghiệp phải chịu chi phí lãi vay ngân hàng, bao bì...

Trước thực tế điều hành xuất khẩu gạo giật cục khiến doanh nghiệp thiệt hại, Thường trực Uỷ ban Kinh tế kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực thi công vụ, tham mưu các quyết định có ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, người dân nhưng đã không đánh giá kỹ tác động.

“Đề nghị nghiên cứu giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại trong giai đoạn vừa qua như phải bồi thường hợp đồng hoặc tăng chi phí lãi vay, chi phí cho việc lưu kho, bãi do bị ảnh hưởng bởi việc tạm dừng xuất khẩu gạo”, báo cáo nêu rõ.

Cũng theo cơ quan này, cần khẩn trương có biện pháp cho thông quan ngay đối với các lô hàng gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp đã được kê khai và đang nằm tại cảng trước ngày 24/3/2020, khắc phục thiệt hại cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối phó với dịch Covid-19.

Sau khi giải quyết hết số lượng gạo tồn đọng này mà vẫn còn chỉ tiêu xuất khẩu thì mới mở tờ khai tiếp để không gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Làm rõ có dấu hiệu tiêu cực, lợi ích nhóm hay không?

Uỷ ban Kinh tế đề nghị làm rõ việc Tổng cục Hải quan mở hệ thống thông quan hàng tự động lúc 0h ngày 12/4 có dấu hiệu tiêu cực, lợi ích nhóm hay không và tuân thủ theo đúng Luật Quản lý Ngoại thương hay chưa.

Bởi theo quy định tại Điều 18 Luật Quản lý Ngoại thương, việc áp dụng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu phải đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan về số lượng, khối lượng, phương thức phân giao hạn ngạch xuất, nhập khẩu.

"Biện pháp điều hành xuất khẩu gạo phải theo quy luật thị trường, có lộ trình hợp lý, công khai, minh bạch để không gây khó khăn, bức xúc cho người dân và doanh nghiệp", Uỷ ban Kinh tế lưu ý.

Trường hợp tạm dừng xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia thì cần có giải pháp tổng thể, tránh gây thiệt hại đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Trong bối cảnh Covid-19, nhu cầu lương thực, thực phẩm thế giới tăng mạnh và một số quốc gia tăng dự trữ gạo, theo Uỷ ban Kinh tế, các cơ quan điều hành xuất khẩu gạo cần phân tích, đánh giá, dự báo kỹ sản lượng gạo của Việt Nam trong năm 2020, nhất là hai vụ sản xuất lúa chính Đông Xuân và Hè Thu.

Từ đó tính toán lượng gạo dự trữ quốc gia cho phù hợp với tình hình Covid-19, đặc điểm thế mạnh về nông nghiệp của Việt Nam.

Qua vấn đề xuất khẩu gạo, đề nghị Chính phủ rà soát các mặt hàng, lĩnh vực khác bị tác động của Covid-19 làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, để chủ động trong chỉ đạo điều hành thời gian tới.

Trong một diễn biến có liên quan đến vụ xuất khẩu gạo, tại cuộc họp chiều ngày 20/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, quá trình thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương là chưa chặt chẽ, hài hoà. Bên cạnh đó, việc mua dự trữ gạo không đạt mục tiêu và tiến hành rất chậm.

“Tôi yêu cầu Bộ Công Thuơng và Bộ Tài chính nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc phối hợp triển khai nhiệm vụ được Chính phủ giao”, Phó Thủ tướng nghiêm khắc phê bình.

Trước mắt, ông yêu cầu cho xuất khẩu gạo nếp trở lại, ứng trước 100.000 tấn từ hạn ngạch xuất khẩu tháng 5 để xuất số gạo tồn ở cảng của các doanh nghiệp bị "hụt" mở tờ khai.

Bộ Công Thương phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rà soát, đánh giá tổng thể cung cầu thị trường trong nước để điều hành xuất khẩu đảm bảo không để xảy ra thiếu hụt.

Bộ Tài chính chịu trách nhiệm mua đủ lượng dự trữ quốc gia. 

Cũng liên quan đến vấn đề này, chiều qua (20/4), Thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ thanh tra đột xuất và báo cáo Chính phủ trong tháng 6/2020.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét điều tra, xác minh làm rõ các thông tin có tiêu cực trong điều hành xuất khẩu gạo.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Lạng Sơn: Việc sắp xếp tổ chức bộ máy là nhiệm vụ chính trị quan trọng

Lạng Sơn: Việc sắp xếp tổ chức bộ máy là nhiệm vụ chính trị quan trọng

(Thanh tra) - Ngày 13/12, Ban Chỉ đạo của tỉnh Lạng Sơn về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết 18. Ông Hoàng Văn Nghiệm, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Chính Bình

15:56 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm