Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang xem xét, xử lý cán bộ liên quan vụ Việt Á và sai phạm ngành Y tế

Hương Giang

Thứ năm, 20/01/2022 - 22:08

(Thanh tra) - Vụ Việt Á và các vụ, việc liên quan đến lĩnh vực y tế là những vụ đặc biệt nghiêm trọng, đã được đưa vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Kit test COVID -19 của Công ty Việt Á

Tại cuộc họp báo do Ban Nội chính Trung ương tổ chức thông báo kết quả Phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực chiều ngày 20/1, báo chí đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến vụ Việt Á.

Xử lý vụ Việt Á: Cấp vụ không phải là cấp cuối cùng

Liệu Ban Chỉ đạo có làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành quản lý lĩnh vực liên quan như Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ hay không? Báo chí nêu.

Trả lời vấn đề này, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường nhấn mạnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo đã yêu cầu cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, kết luận và kết luận đó sớm được công bố.

Ông Cường cũng khẳng định, quan điểm xử lý “không có vùng cấm” dù ở cấp nào nếu điều tra ra. “Không chỉ dừng lại ở cấp vụ, cấp vụ không phải là cấp cuối cùng”, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường nói.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cũng cho biết, vụ án này còn liên quan nhiều đối tượng khác nên đang tiếp tục điều tra, làm rõ. Những vấn đề cụ thể đó các cơ quan chức năng đang tiếp tục vào cuộc.

“Trong cuộc họp, Tổng Bí thư có kết luận, thời gian qua, trong năm 2021, công tác phối hợp giữa các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thanh tra, kiểm toán phối hợp rất tốt, năm 2022 phải phối hợp tốt hơn nữa”, ông Cường thông tin.

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường. Ảnh: Đ.X

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết thêm, hiện Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang xem xét, xử lý cán bộ, tổ chức Đảng có liên quan trong sai phạm vụ Việt Á và nhiều sai phạm liên quan đến ngành Y tế.

Thanh tra Chính phủ vừa công bố quyết định thanh tra với nhiều nội dung, cơ quan điều tra cũng đang làm.

Theo ông Học, căn cứ thẩm quyền, quy định của pháp luật, của Đảng, các cơ quan vào cuộc làm sao xác định đúng sai phạm, xử lý nghiêm minh, kịp thời, bảo đảm không chồng chéo, không ảnh hưởng đến các hoạt động đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực cũng như không ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID -19 mà ngành Y tế đang đảm nhiệm.

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương cũng cho hay, những vụ án tham nhũng, tiêu cực liên quan đến cán bộ giữ cương vị lãnh đạo quản lý nên việc điều tra, truy tố, xét xử là “không đơn giản”.

“Có thực tế là các điều tra, truy tố, xét xử ở cấp tỉnh khó vì liên quan lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp tỉnh, do đó phải chuyển lên cấp bộ hoặc Ban Chỉ đạo để kiểm tra, xử lý. Vụ việc động chạm đến chức vụ, quyền hạn, có sự câu kết giữa các lực lượng với nhau thì việc xử lý càng khó hơn nữa", ông Học chia sẻ.

Vụ tiêu cực như thế nào thì đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi?

Trả lời câu hỏi “vụ việc tiêu cực như thế nào thì được đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo”, ông Học cho rằng, chống tiêu cực ở đây được xác định với những hành vi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên ở các cấp, các ngành thuộc đối tượng điều chỉnh của chức năng của Ban Chỉ đạo.

Tuy nhiên, không phải tất cả hành vi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống đều do Ban Chỉ đạo chỉ đạo mà cấp ủy, tổ chức Đảng nào quản lý cán bộ, đảng viên thì phải có trách nhiệm chỉ đạo xử lý cán bộ, đảng viên ở đó.

Ông Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương. Ảnh: Đ.X

Ông Học cho hay, thời gian qua, nhiều đảng viên vi phạm về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đã bị xử lý. Điển hình, bí thư cấp huyện ở Quảng Ninh vi phạm đạo đức, lối sống, ngay lập tức cấp ủy nơi đó đã chỉ đạo xử lý.

“Những hành vi suy thoái nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, niềm tin của Nhân dân mà thấy rằng, nếu để cấp ủy, tổ chức Đảng ở đó xử lý sẽ không đúng tầm thì Ban Chỉ đạo sẽ đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo”, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương lý giải.

Theo đó, gần đây, Thường trực Ban Chỉ đạo đã đưa 3 vụ việc tiêu cực vào diện chỉ đạo, xử lý.

Đầu tiên là vụ buôn lậu, đánh bạc ở An Giang, liên quan nhiều cán bộ, đảng viên cần điều tra làm rõ, xử lý.

Vụ thứ 2, liên quan đến kỳ thi tuyển công chức ở Phú Yên, vụ án đã được khởi tố điều tra nhưng thấy việc xử lý còn có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm nên đã đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Cuối cùng là vụ tha tù trước thời hạn của Phan Sào Nam đã cho thấy hành vi tiêu cực của nhiều cán bộ, đảng viên, cần phải được điều tra, xử lý.

“Lâu nay, việc tha tù trước thời hạn, tạo điều kiện cho các phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng là chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước. Nhưng lợi dụng chính sách này, các cơ quan chức năng đã thể hiện hành vi gian dối nghiêm trọng, người ta không lập công gì mà làm hồ sơ có lập công, có thành tích để đề nghị giảm án, tha tù trước thời hạn. Vấn đề đó phải được làm rõ”, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học nhấn mạnh.

Ông cũng khẳng định, công tác phòng chống tiêu cực sắp tới sẽ làm đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa. Ban Chỉ đạo đã giao Ban Nội chính Trung ương hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn việc áp dụng chức năng chống tiêu cực này một cách rõ hơn.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm