Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 12/09/2017 - 06:25
(Thanh tra)- Thảo luận Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (HCKTĐB) ngày 11/9, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, cần có cơ chế, chính sách rất đặc thù của từng đơn vị để Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) phát triển nhưng phải kiểm soát được quyền lực.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp UBTVQH. Ảnh: TN
Lo ngại lạm quyền
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đề nghị xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt theo hướng không xác định có cấp chính quyền địa phương (không tổ chức HĐND và UBND).
Tại các đơn vị này, tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình Trưởng Đơn vị HCKTĐB. Theo Bộ trưởng, điều này thể hiện được sự đột phá; bảo đảm tổ chức bộ máy và nhân sự tinh gọn, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, rõ trách nhiệm và đề cao vai trò cá nhân, đặc biệt là của Trưởng Đơn vị HCKTĐB với tính chất là người đứng đầu đơn vị HCKTĐB.
Thẩm tra sơ bộ, nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc thêm về tính hợp hiến. “Việc tập trung nhiều quyền lực (116 thẩm quyền trên 13 lĩnh vực) cho chức danh Trưởng Đơn vị HCKTĐB nhưng không có cơ chế giám sát quyền lực ngang cấp, tại chỗ mà thực hiện giám sát từ trên xuống sẽ không tránh khỏi hình thức, dễ dẫn tới tình trạng lạm quyền, mất dân chủ”, báo cáo nêu rõ.
Hơn nữa, theo Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Nguyễn Khắc Định, nếu dự thảo Luật chỉ quy định vượt trội về giao thẩm quyền mà không vượt trội về cơ chế giám sát, không làm rõ được phương thức thực thi quyền lực của người giữ chức danh này là không bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, cũng như chưa thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và quy định của Hiến pháp về kiểm soát quyền lực.
Không đột phá thì không còn tính “đặc biệt”
Nêu quan điểm đồng tình với phương án của Chính phủ, nhưng theo Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt, cần quy định rõ, Trưởng Đơn vị được làm gì, không được làm gì, trách nhiệm ra sao, tránh tình trạng giám sát yếu dẫn đến “một mình che cả bầu trời”.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, Bộ máy ở các đơn vị HCKTĐB cần phải rất gọn nhẹ. Một người có thể được trao quyền rất lớn nhưng việc kiểm soát quyền lực cũng phải đặc biệt để anh hành động vì lợi ích quốc gia chứ không lồng lợi ích cá nhân như Tổng Bí thư nói là “nhốt” quyền lực trong "lồng" luật pháp.
Cũng theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, đây là dự án Luật quan trọng, chủ trương đúng đắn nhưng phải rất cân nhắc, thận trọng; thảo luận thật kỹ, không chỉ ở 2 kỳ họp, mà có thể là 3 kỳ họp của Quốc hội.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, quy định trong luật này phải có tính đột phá, vượt trội thì mới “đặc biệt”, mới tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, bộ máy đủ quyền lực để thực hiện nhiệm vụ. Cho nên, cần tiếp tục lấy ý kiến, nghiên cứu quy định liên quan đến mô hình tổ chức chính quyền.
Không áp chung chính sách ưu đãi
Liên quan đến chính sách đặc thù nhằm thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội tại các đơn vị HCKTĐB, theo dự thảo có 9 nhóm, cụ thể là: chính sách về môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng; dịch vụ hỗ trợ đầu tư; ưu đãi đầu tư; đất đai; lao động; giải quyết tranh chấp; thu hút ngoại kiều; xuất nhập cảnh.
Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, các cơ chế, chính sách đặc thù đã thể hiện tính vượt trội. Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc, rà soát từng nhóm chính sách để bảo đảm hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích của các nhà đầu tư, bảo đảm phù hợp với định hướng phát triển của từng vùng, không ảnh hưởng đến văn hóa, môi trường và thiên nhiên…
“Thu hút đầu tư đặc biệt đối với 3 đơn vị HCKTĐB không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh nói chung trên cả nước; xác định cạnh tranh chủ yếu với các nước trong khu vực và quốc tế”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nói và lưu ý, với chính sách liên quan đến đất đai, tài nguyên thiên nhiên cần bảo đảm nguyên tắc hiến định.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, cả 3 đơn vị Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đều đã có sự phát triển nhất định. Đặc biệt, khi chưa cần có ưu đãi, Phú Quốc đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư và đã rất phát triển. Cho nên, không thể áp dụng chung những chính sách ưu đãi cho cả 3 đơn vị. Các chính sách ưu đãi về thuế hay quyền sử dụng đất cần phải rà soát lại.
Đồng tình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, chính sách áp dụng ở Phú Quốc không thể giống với chính sách áp dụng cho Vân Đồn, càng không thể giống với chính sách áp dụng cho Bắc Vân Phong.
Tiếp thu ý kiến, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong đều là “các khu đất tốt”, nhưng có sự khác nhau. Nếu áp dụng chung chính sách ưu đãi về thuế, đất đai ở cả 3 đơn vị này thì không hợp lý. Ông “hứa” sẽ lưu ý vấn đề này để hoàn thiện dự án luật.
Chiều cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, Thể thao với sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng.
Thảo Nguyên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sau 2 ngày 13-14/12, Đại hội lần thứ VIII Hội Nhà báo thành phố bầu ra Ban Chấp hành gồm 9 đồng chí và bầu Nhà báo Nguyễn Anh Tú là Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2024-2029.
Kim Thành
19:37 14/12/2024(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.
Trần Kiên
19:34 14/12/2024Hương Giang
16:17 14/12/2024Trần Quý
14:00 14/12/2024Bùi Bình
19:37 13/12/2024Trung Hà
16:40 13/12/2024Ngọc Giàu
T.Lương
Đông Hà
Cảnh Nhật
Thu Huyền
Đông Hà
Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân