Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 17/09/2015 - 20:06
(Thanh tra) - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi đề nghị rà soát lại các quy định về giấy phép, thủ tục thông báo, tránh can thiệp quá sâu và tăng quyền tự chủ để cơ quan báo chí hoạt động sáng tạo, chủ động phù hợp với năng lực và chiến lược phát triển của họ…
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho biết, cơ quan thẩm tra tán thành sửa đổi Luật Báo chí hiện hành, nhưng dự thảo còn nhiều vấn đề cần tiếp tục làm rõ. Ảnh: Thảo Nguyên
Chiều 17/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi).
Các ý kiến nhất trí cho rằng, sau 15 năm thực hiện, luật hiện hành bộc lộ nhiều bất cập trong điều kiện báo chí phát triển hiện nay nên cần sửa đổi, sổ sung.
Bảo đảm quyền tư do ngôn luận, tự do báo chí
“Để triển khai thi hành Hiến pháp 2013, Luật Báo chí cần phải được sửa đổi, bổ sung toàn diện”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son nêu quan điểm của cơ quan soạn thảo và cho biết, dự thảo luật được sửa đổi bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; cơ chế thực thi bảo đảm không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Tán thành cần sửa đổi Luật Báo chí, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi đề
nghị Ban Soạn thảo cân nhắc chỉ nên quy định nguyên tắc chung về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân và cụ thể hóa các quyền này theo đúng tinh thần của Hiến pháp 2013.
“Hiến pháp quy định “công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí…”. Dự thảo luật lại phân biệt quyền tự do báo chí dành cho cơ quan báo chí và nhà báo, còn quyền tự do ngôn luận trên báo chí thì dành cho công dân. Mặt khác, tên Điều 11 Quyền tự do báo chí quá rộng, muốn bao quát toàn bộ nội dung quy định của Hiến pháp về quyền tự do báo chí nhưng lại không chỉ rõ quyền này của ai, còn nội dung cũng chưa thể hiện đầy đủ nội hàm của quyền này”, ông Thi chỉ rõ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng nhấn mạnh quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận trên báo chí là vấn đề lớn. Nếu hiểu đây là hai phạm trù khác nhau và gắn với chủ thể khác nhau là không đúng. Do đó, cần xác định rõ lại nội hàm để quy định cho đúng với tinh thần Hiến pháp cũng như công ước quốc tế.
Tăng quyền tự chủ, giảm bao cấp cho cơ quan báo chí
Dự thảo luật quy định đến 9 nội dung cấp giấy phép và 4 nội dung phải thông báo với sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí.
Nhiều ý kiến cho rằng, quy định như vậy làm tăng thủ tục hành chính, giảm tính chủ động của cơ quan báo chí, hạn chế quyền tự do báo chí. Theo ông Thi, cần rà soát lại tránh can thiệp quá sâu vào hoạt động của các cơ quan báo chí, tăng quyền tự chủ cho các cơ quan báo chí, tạo điều kiện để cơ quan báo chí hoạt động sáng tạo và chủ động phù hợp với năng lực và chiến lược phát triển của họ.
Qua giám sát cũng cho thấy, hiện nay có quá nhiều cơ quan báo chí do các cơ quan Nhà nước thành lập và cấp kinh phí hoạt động, làm tăng gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.
Trong khi đó, dự thảo luật không có những quy định nhằm khắc phục tình trạng trên mà lại duy trì cơ chế bao cấp. “Cần có những quy định theo hướng sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí của cơ quan, tổ chức hưởng ngân sách Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng báo chí và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước”, cơ quan thẩm tra đề xuất.
Cơ quan thẩm tra dự án luật cũng cho rằng quy định về những nội dung và hành vi bị cấm là hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, nên cần phải quy định cụ thể, minh bạch ngay trong luật.
Luật không nên điều chỉnh “trang tin điện tử”
Trong thời gian qua, loại hình báo điện tử phát triển mạnh mẽ với những đặc tính riêng như: khả năng tương tác cao, không bị giới hạn bởi không gian, thời gian; cập nhật tin, bài đến từng phút… đòi hỏi phải có phương thức quản lý phù hợp.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, dự thảo chưa “đón đầu” được xu hướng báo điện tử này. Vì vậy, cần nghiên cứu quy định cụ thể về loại hình này.
Ngoài ra, thực tế các trang tin điện tử tổng hợp đang tự ý sao chép, chỉnh sửa bài từ các báo điện tử. Cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí khó có thể ngăn chặn tình trạng này bởi số lượng các trang tin điện tử quá nhiều.
Dự thảo luật lần này mở rộng phạm vi điều chỉnh bao gồm cả trang tin điện tử tổng hợp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vô hình trung đã khuyến khích cách làm báo kiểu sao chép, hay nói cách khác là hợp pháp hóa việc xâm phạm bản quyền.
“Không nên quy định “trang tin điện tử tổng hợp” trong luật, mà có thể tham khảo cách quản lý của nhiều nước là điều chỉnh hoạt động của các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội bằng Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Sở hữu trí tuệ…”, ông Thi nêu quan điểm.
Chốt lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật để trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tới.
Thảo Nguyên
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 12/12, Bệnh viện Trung ương Huế đã tổ chức lễ kỷ niệm 130 năm thành lập. Tham dự có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế.
N. Phó
16:05 12/12/2024(Thanh tra) - Sáng 12/12, Tổng Bí thư Tô Lâm dự, phát biểu tại lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống; đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất của Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Hương Giang
15:07 12/12/2024Bùi Bình
13:17 12/12/2024Bùi Bình
12:33 12/12/2024Hải Hà
12:26 12/12/2024N. Phó
Thu Huyền
Hương Giang
Trần Quý
Ngọc Phó
Hải Hà
TK
T.Thanh
Phương Anh
Cảnh Nhật
Văn Thanh