Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tổng Thanh tra Chính phủ làm việc với tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang

Phương Hiếu - Giang Thân

Thứ sáu, 20/10/2023 - 16:56

(Thanh tra) - Ngày 20/10, tại Hà Nội, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, Trưởng Đoàn Công tác của Chính phủ đã chủ trì hội nghị trực tuyến làm việc với tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang về tình hình, kết quả sản xuất, kinh doanh, giải ngân nguồn vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất - nhập khẩu trên địa bàn các tỉnh.

Toàn cảnh hội nghị trực tuyến tại đầu cầu Thanh tra Chính phủ. Ảnh: PH

Dự tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn; tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tuấn cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của hai tỉnh.

Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang đã báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, kết quả sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trong 10 tháng năm 2023.

Đối với tỉnh Hà Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cho biết, 9 tháng đầu năm GDP của tỉnh ước đạt 20.051,1 tỷ đồng, tăng 1,65% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng điện giảm 20,29% so với cùng kỳ. So với cả nước, tỉnh Hà Giang xếp thứ 55/63 tỉnh/thành phố; so với 14 tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, Hà Giang xếp thứ 10/14 tỉnh trong khu vực.

Hoạt động du lịch tăng trưởng mạnh, lượng khách đến Hà Giang đạt 2.158,400 lượt người, tăng 35% so với cùng kỳ, doanh thu du lịch đạt 5.072 tỷ đồng, tăng 58,6%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu du lịch đạt 12.034,7 triệu đồng, tăng 16,06% so với cùng kỳ. Doanh thu vận tải và dịch vụ kho bãi ước đạt 608,9 tỷ đồng, tăng 19,01% so với cùng kỳ.

Về hoạt động đầu tư xây dựng, giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các dự án trọng điểm: Tổng kế hoạch vốn năm 2023 Trung ương giao là trên 6.200 tỷ đồng; trong đó cân đối ngân sách địa phương là hơn 1.200 tỷ đồng. Tính đến ngày 15/10, toàn tỉnh đã giải ngân được gần 3.400 tỷ đồng, đạt khoảng 45% kế hoạch…

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang trình bày báo cáo kết quả  9 tháng đầu năm. Ảnh: PH

Trên cơ sở kết quả đạt được và những khó khăn, vướng mắc, Hà Giang đề xuất Chính phủ xem xét cho chủ trương đầu tư dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, đoạn Tân Quang đến Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; điều chỉnh giảm đối với kế hoạch vốn đầu tư trung hạn nguồn vốn ngân sách Nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1535 do vượt khả năng thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 của địa phương; đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét từ năm 2024 chỉ giao kế hoạch vốn sự nghiệp thực hiện từng chương trình mục tiêu quốc gia, không giao dự toán chi tiết đến từng dự án và nguồn vốn, Iĩnh vực cụ thể; hàng năm được chuyển nguồn vốn sự nghiệp thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia sang ngân sách năm sau để tiếp tục thực hiện và giải ngân; cho phép các địa phương được điều chỉnh nguồn vốn đầu tư phát triển kéo dài thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia từ các dự án chưa có khả năng giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân; xem xét bổ sung cho tỉnh Hà Giang thêm nguồn vốn trong dự toán ngân sách năm 2024, 2025 để tỉnh thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu của chương trình được giao.

Tại tỉnh Tuyên Quang, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tuấn, đến quý III/2023, kinh tế đạt mức tăng trưởng 7,06%, đứng thứ 2/14 tỉnh Trung du miền núi phía Bắc. Trong 10 tháng, sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) ước đạt 17.419 tỷ đồng, đạt 84,1% kế hoạch, tăng 18,4% so với cùng kỳ. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; xây dựng nông thôn mới có nhiều kết quả tích cực. Toàn tỉnh trồng được 11.570 ha rừng, đạt 114,6% kế hoạch…

Về giải ngân vốn đầu tư công, tổng kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 của tỉnh Tuyên Quang trên 6.900 tỷ đồng. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 18/10/2023 đạt 36,09% kế hoạch.

Đối với dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tỉnh phấn đấu hoàn thành toàn bộ trong năm 2023 để đưa vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại đầu cầu tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: PH

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang có 27 gói thầu, đến nay đã thực hiện xong 17 gói thầu, còn lại 10 gói thầu đã phát hành hồ sơ mời thầu, dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng xong trong tháng 10/2023. Dự kiến trong tháng 10/2023 tỉnh tổ chức lễ khởi công xây dựng.

Tỉnh Tuyên Quang kiến nghị Chính phủ giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 cho 2 dự án của tỉnh gồm: Dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; tuyến đường từ thị trấn Sơn Dương đi xã Tân Trào. Giao bổ sung kế hoạch vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách Trung ương năm 2023, gồm: Dự án Chương trình Phát triển khu vực nông thôn tỉnh Tuyên Quang; Dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8)…

Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ với những khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế của 2 địa phương. Đồng thời, trao đổi làm rõ kết quả nổi bật kinh tế - xã hội 9 tháng, làm rõ nguyên nhân những lĩnh vực, chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt và làm rõ kết quả đạt được từ sau cuộc làm việc của Tổng Thanh tra Chính phủ tại 2 tỉnh vào ngày 10 - 11/5/2023.

Phát biểu kết luận hội nghị, thay mặt Đoàn Công tác của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ đã chia sẻ về những khó khăn, thách thức, diễn biến khó lường, nhất là biến động về giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào; áp lực lạm phát, chi phí sản xuất tăng cao; công tác tổ chức triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia còn gặp nhiều vướng mắc.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong biểu dương, ghi nhận những cố gắng nỗ lực của tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời đánh giá cao việc triển khai các giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong triển khai nhiệm vụ của các cấp, các ngành tỉnh Hà Giang. Đặc biệt là việc triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, bám sát quan điểm điều hành và các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế- xã hội để triển khai tổ chức thực hiện toàn diện, hiệu quả.

Bên cạnh kết quả đạt được, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đề nghị Tuyên Quang và Hà Giang sớm có giải pháp khắc phục đối với những chỉ tiêu đạt thấp so với bình quân chung của cả nước như tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn đầu tư công, một số dự án trọng điểm triển khai chậm, kết quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia...

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PH

Đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND  tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quyết liệt để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn theo đúng tinh thần, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, tập trung triển khai tốt một số nhiệm vụ như: Đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cả trong đầu tư công và đầu tư ngoài ngân sách, nhằm thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn, nhất là các dự án trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Sớm thực hiện các giải pháp đẩy mạnh thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia.

Về các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang, Tổng Thanh tra Chính phủ ghi nhận đưa vào nội dung báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để sớm có chỉ đạo các bộ, ngành chức năng xem xét, giải quyết theo đúng thẩm quyền.

Tổng Thanh tra đề nghị hai tỉnh hoàn thiện báo cáo, trong đó bổ sung, cập nhật những nội dung theo kết quả làm việc ngày hôm nay, gửi về Thanh tra Chính phủ trong ngày 22/10/2023 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Cũng tại buổi làm việc, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết thời gian tới sẽ tổ chức thanh tra trên phạm vi cả nước về thực trạng thực thi nhiệm vụ công vụ trong thực hiện đầu tư phát triển do tình trạng đùn đẩy trách nhiệm đang diễn ra làm chậm quá trình phát triển kinh tế của cả nước.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bắc Ninh: Tránh lãng phí tài sản công sau sáp nhập các xã

Bắc Ninh: Tránh lãng phí tài sản công sau sáp nhập các xã

(Thanh tra) - Từ 1/12/2024, tỉnh Bắc Ninh giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã, Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu, phải có phương án sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí và không để tham ô, tham nhũng, trục lợi cá nhân đối với trụ sở công, tài sản công dôi dư.

14:59 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm