Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tổng Bí thư Tô Lâm: Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”

Thái Hải

Thứ năm, 07/11/2024 - 19:33

(Thanh tra) - Nhân Ngày Pháp luật Việt Nam, ngày 7/11, Tổng Bí thư Tô Lâm làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, phương hướng đến hết nhiệm kỳ.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu. Ảnh: TTXVN

Phải tháo gỡ các “điểm nghẽn” pháp lý

Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết, từ đầu nhiệm kỳ, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, có nhiều đổi mới và quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo Bộ, ngành Tư pháp để có đóng góp tích cực trong xây dựng và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng; hoàn thành tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao.

Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư Tô Lâm ghi nhận, đánh giá cao những thành tích, kết quả mà ngành Tư pháp đạt được trong những năm qua. Đến nay, nước ta đã hình thành hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ, công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, cơ bản điều chỉnh tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội; tạo nền tảng pháp lý để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước. Đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật và tư pháp từng bước trưởng thành, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đặc biệt, Bộ, ngành Tư pháp đã chủ động, tích cực tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoàn thiện tư duy, nhận thức lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đóng góp trong việc ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp và Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ những tồn tại, hạn chế của Ngành, nhất là trong công tác hoàn thiện thể chế, trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện pháp luật; một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế nhưng tính khả thi không cao. Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi. Dấu hiệu bị tác động, “lợi ích nhóm” trong quá trình xây dựng, thẩm định các văn bản pháp luật là đáng lo ngại, gây ra thiệt hại, thậm chí tạo khúc quanh đối với phát triển...

Tổng Bí thư nêu rõ, công tác xây dựng pháp luật có vai trò, vị trí, tầm quan trọng đặc biệt, có ý nghĩa then chốt để nắm bắt cơ hội, khơi thông, huy động mạnh mẽ nguồn lực cho phát triển, chăm lo cho Nhân dân.

Để đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, sớm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chiến lược mà Đảng đã đề ra, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị trong thời gian tới, Bộ, ngành Tư pháp cần đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp, trong đó, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật cần phải trên tinh thần là dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.

Về yêu cầu đối với chương trình xây dựng luật, pháp luật do Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp chỉ đạo đề xuất hằng năm, phải trên cơ sở thực tiễn phát triển của Việt Nam, những điểm nghẽn, nút thắt có nguyên nhân từ quy định của pháp luật cần tháo gỡ; những vấn đề mới, thực tiễn phát triển nóng bỏng chưa có quy định của pháp luật điều chỉnh; những chủ trương mới của Đảng chưa được thể chế hóa để xây dựng, đề xuất chương trình.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: TTXVN

Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh phải thật sự sống động, thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, phản ánh hơi thở thực tiễn, bám sát thực tiễn, giải quyết vấn đề thực tiễn; phải tháo gỡ các “điểm nghẽn” pháp lý, khẩn trương đưa các nguồn lực xã hội bị đình trệ, lãng phí hoạt động trở lại; tạo cơ sở pháp lý hình thành các động lực tăng trưởng mới, các quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất mới, các ngành công nghiệp mới.

Đồng thời, tập trung xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới; xu hướng mới (cách mạng 4.0, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…); thực hiện cơ chế “sửa một luật, điều chỉnh nhiều luật” để khắc phục ngay tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo của các luật; hình thành cơ chế đột phá thu hút nhân tài trong và ngoài nước.

Đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật

Trong thẩm định pháp luật, xây dựng văn bản pháp luật, Tổng Bí thư yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra lợi ích nhóm, tác động pháp luật, để lọt, đánh giá không toàn diện yếu tố an ninh gây tác động tiêu cực đến lợi ích chung, lợi ích quốc gia.

Đồng thời phải đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật, với 3 bảo đảm: Bảo đảm dân chủ, minh bạch, kịp thời, khả thi, hiệu quả, dễ áp dụng trên thực tế, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao “năng suất và chất lượng” xây dựng pháp luật; bảo đảm đánh giá tác động chính sách thực chất; bảo đảm thực hiện cơ chế tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của các đối tượng chịu tác động là người dân, doanh nghiệp, không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong thiết kế các quy định pháp luật…

Ngoài ra, phát huy cao độ tính đảng trong xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật; tập trung hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, gắn với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và cải cách tối đa thủ tục hành chính.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật với 4 nhiệm vụ, cụ thể là đổi mới công tác phổ biến giáo dục pháp luật và tập trung xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, trước hết là trong cán bộ, đảng viên và cán bộ, đảng viên ngành Tư pháp; thường xuyên đánh giá hiệu quả pháp luật sau ban hành; chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những điểm nghẽn có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật.

Các nhiệm vụ tiếp theo là hoàn thiện quy định giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật theo hướng ban hành các nguyên tắc, tiêu chí, cơ sở giải thích, áp dụng pháp luật để bảo đảm sức sống của pháp luật thay vì thường xuyên thay đổi pháp luật; đề cao hơn nữa trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong đổi mới hoạt động của hệ thống cơ quan thi hành án dân sự, hành chính theo hướng rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động hành nghề luật sư; bảo đảm công chứng, hòa giải, trọng tài, thừa phát lại, giám định tư pháp phải thiết thực, hiệu quả, vì lợi ích cao nhất của đất nước, của người dân.

Tổng Bí thư lưu ý việc phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật; nâng cao trách nhiệm tham gia hội nhập quốc tế, trách nhiệm xây dựng luật pháp quốc tế, bảo vệ quyền lợi của Việt Nam.

Trên cơ sở các kiến nghị, đề xuất của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp và ý kiến phát biểu, Tổng Bí thư nhất trí xem xét đưa vào chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2025 nội dung nghiên cứu xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về “đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”.

Tổng Bí thư tin tưởng, với truyền thống gần 80 năm xây dựng và trưởng thành, với tâm huyết, khát khao, trí tuệ, Bộ, ngành Tư pháp nhất định sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Bộ Công thương: Điện hạt nhân dứt khoát phải có

Bộ trưởng Bộ Công thương: Điện hạt nhân dứt khoát phải có

(Thanh tra) - Chính sách phát triển điện hạt nhân là một trong các quy định khiến đại biểu Quốc hội băn khoăn khi góp ý Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi, chiều 7/11. Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, “điện hạt nhân và những nguồn năng lượng mới trong tương lai dứt khoát phải có”.

Hương Giang

20:53 07/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm