Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tình trạng chậm ban hành văn bản quy định thi hành quá lớn

Thứ ba, 22/10/2013 - 13:10

(Thanh tra) - Báo cáo của Chính phủ tại phiên họp Quốc hội (QH) sáng nay (22/10) cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, Chính phủ đã xây dựng, trình QH xem xét, thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ khoá XIII và 3 Chương trình hằng năm (2012, 2013, 2014 - sau khi điều chỉnh, bổ sung) gồm 144 dự án, trong đó Chính phủ được giao trình 133 dự án (chiếm tỷ lệ 92,36%). Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thi hành luật, pháp lệnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Các luật, pháp lệnh cơ bản đáp ứng được yêu cầu

Trong Báo cáo về tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh của QH, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) được ban hành từ đầu nhiệm kỳ QH khóa XIII đến hết tháng 7/2013, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên chỉ đạo, điều hành, chủ động triển khai nhiều biện pháp tổ chức thực hiện. Do vậy, mặc dù khối lượng công việc nhiều, với yêu cầu đặt ra ngày càng cao, công tác xây dựng và thi hành pháp luật đã có những chuyển biến tích cực

Tính đến hết tháng 7/2013, QH, UBTVQH khóa XIII đã thông qua 46 văn bản, trong đó, Chính phủ trình 44 văn bản. Đến ngày 15/10, có 37/46 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, 9 luật, pháp lệnh chuẩn bị có hiệu lực. Nhìn chung, cùng với quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, trong hai năm đầu nhiệm kỳ khóa XIII, các luật, pháp lệnh được ban hành đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội, với trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, một trong ba đột phá chiến lược.

Nội dung xuyên suốt trong các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ là “tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật”, phát huy vai trò của pháp luật với tư cách là một công cụ hữu hiệu để quản lý nhà nước và xã hội. Trên cơ sở đó, các Bộ, ngành đã ban hành Chương trình hành động 5 năm và kế hoạch, chương trình công tác hằng năm để tập trung chỉ đạo, phân công rõ trách nhiệm, tăng cường nguồn lực để tổ chức thực hiện.

Đặc biệt, để đảm bảo gắn kết giữa công tác xây dựng và thi hành pháp luật, thống nhất đầu mối giúp Chính phủ theo dõi, đôn đốc việc triển khai thi hành luật, pháp lệnh và tăng cường nguồn lực thực hiện nhiệm vụ xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, Chính phủ đã ban hành các nghị định về công tác pháp chế, theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm soát thủ tục hành chính; đồng thời, quyết định chuyển trách nhiệm theo dõi tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh và nhiệm vụ, tổ chức làm công tác kiểm soát thủ tục hành chính từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ Tư pháp.

Đối với một số dự án luật, pháp lệnh có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, điều chỉnh các vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp hoặc có nhiều nội dung cần quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành hoặc ban hành Chỉ thị để chỉ đạo, giao trách nhiệm tổ chức thực hiện cho từng Bộ, ngành, địa phương.

Sau khi luật, pháp lệnh được ban hành, các Bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo việc thống kê các thủ tục hành chính được quy định trong luật, pháp lệnh, công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và Cổng thông tin điện tử của Bộ, ngành, địa phương. Tính từ năm 2011 đến nay, Bộ, ngành, địa phương đã ban hành 4.348 quyết định công bố thủ tục hành chính, thực hiện công khai 47.166 thủ tục hành chính được quy định trong luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Báo cáo cũng chỉ rõ việc triển khai thi hành luật, pháp lệnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể như một số Bộ, ngành chưa chủ động, kịp thời tổ chức triển khai thi hành luật, pháp lệnh đã được thông qua. Điều đáng lưu ý là một số nội dung của luật, pháp lệnh đã được quy định cụ thể, có thể thực hiện ngay nhưng vẫn chưa được tổ chức thực hiện do có “tâm lý” chờ văn bản hướng dẫn. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong một số trường hợp chưa được thực hiện đầy đủ, còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, nguồn lực triển khai thi hành luật, pháp lệnh, mặc dù đã có cố gắng để tăng cường, nhưng chưa ngang tầm nhiệm vụ, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác xây dựng và thi hành pháp luật

Văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn còn chậm với khối lượng không nhỏ

Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật đánh giá, so với những năm trước đây, số lượng văn bản quy định chi tiết được ban hành đúng thời hạn được tăng lên; chất lượng văn bản quy định chi tiết đã được nâng lên. Về cơ bản, việc ban hành văn bản thực hiện đúng thẩm quyền, hình thức và tuân thủ trình tự, thủ tục ban hành; tính khả thi và công khai minh bạch cũng được nâng lên. Tuy nhiên, công tác ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh vẫn còn những tồn tại.

Trong số 46 văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được QH, UBTVQH thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến hết tháng 7/2013 thì có 37 luật, pháp lệnh, nghị quyết đã có hiệu lực thi hành (cần phải ban hành 200 văn bản quy định chi tiết 280 nội dung được giao) và 9 luật, pháp lệnh chuẩn bị có hiệu lực thi hành (cần phải ban hành 42 văn bản quy định chi tiết). Tuy nhiên, đến 15/10, đối với 37 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ mới ban hành được 98/200 văn bản (49%) quy định chi tiết 148/280 nội dung được giao; còn lại 102/200 văn bản (51%) quy định chi tiết 132/280 nội dung chưa được ban hành.

Đáng chú ý là trong số các văn bản chưa được ban hành thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thì có đến 31 văn bản quy định chi tiết Luật Xử lý vi phạm hành chính, 12 văn bản quy định chi tiết Bộ luật lao động mà đây lại là văn bản Luật có vai trò quan trọng, tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội, đến các cơ quan, tổ chức và mọi người dân.

Có những luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, nhưng vẫn còn nhiều văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành, như Luật Cơ yếu có hiệu lực từ 1/1/2012 nhưng còn 3/6 văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành (50%), Luật Quảng cáo có hiệu lực ngày 1/1/2013 nhưng cả 3/3 văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành (100%), Luật Xuất bản có hiệu lực ngày 1/7/2013 nhưng cả 3/3 văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành (100%); Luật Điện lực có hiệu lực ngày 1/7/2013 nhưng cả 10/10 văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành (100%)...

Tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành quá lớn làm cho nhiều quy định của luật, pháp lệnh, nghị quyết chưa được thực thi, vi phạm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, làm mất ý nghĩa thực tiễn của các văn bản pháp luật do QH, UBTVQH ban hành. Đây là vấn đề cần được xem xét một cách toàn diện, nghiêm túc để sớm khắc phục.

Quỳnh Trang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm