Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tiếp tục tranh luận về tố cáo qua email, điện thoại

Thứ sáu, 18/08/2017 - 06:21

(Thanh tra)- Có nên mở rộng hình thức tố cáo qua điện thoại, fax, thư điện tử; giải quyết tố cáo nặc danh, mạo danh thế nào... tiếp tục là nội dung có nhiều ý kiến trái chiều tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) chiều ngày 17/8.

Tổng Thanh tra Phan Văn Sáu trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của ĐBQH về dự án Luật. Ảnh: TN

Đề nghị xin ý kiến Bộ Chính trị

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của ĐBQH về dự án Luật, Tổng Thanh tra Phan Văn Sáu cho biết, Chính phủ đề nghị giữ nguyên quy định 2 hình thức tố cáo như trong dự thảo Luật là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp, không mở rộng hình thức tố cáo qua điện thoại, fax, thư điện tử.

“Quy định như vậy nhằm tránh tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ, gây khó khăn cho các cơ quan Nhà nước trong quá trình giải quyết; khó khăn trong việc xác định trách nhiệm những người lợi dụng quyền tố cáo để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác. Hơn nữa, tố cáo cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ rất phức tạp, cần phải được tiếp nhận và xử lý chặt chẽ theo quy định”, Tổng Thanh tra nói.

Dù không xem xét, giải quyết, nhưng những hành vi vi phạm pháp luật được phản ánh qua điện thoại, fax, hộp thư điện tử vẫn cần phải được các cơ quan Nhà nước tiếp nhận, xử lý phục vụ yêu cầu công tác quản lý, công tác thanh tra, kiểm tra. Do vậy, tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 20, dự thảo Luật đã có quy định riêng về việc tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về hành vi vi phạm pháp luật qua điện thoại, email, fax.

Chính phủ cũng đề nghị không quy định việc xem xét giải quyết tố cáo nặc danh, mạo danh, không rõ họ tên địa chỉ người tố cáo. Trường hợp đơn tố cáo nặc danh, mạo danh mà có nội dung, thông tin rõ về người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, bằng chứng cụ thể, có cơ sở thẩm tra, xác minh thì người tiếp nhận đơn tố cáo trình người đứng đầu cơ quan quản lý cùng cấp xem xét, quyết định để phục vụ cho công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra.

Tuy nhiên, theo Tổng Thanh tra, hình thức tố cáo, tố cáo nặc danh là vấn đề phức tạp có nhiều quan điểm trái chiều, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp để Đảng đoàn Quốc hội báo cáo Bộ Chính trị.

Thế giới có nước nào nhiều tố cáo như Việt Nam không?

“Chắc chắn phải xin ý kiến Bộ Chính trị”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm và cho biết, đã từng đọc những đơn tố cáo không rõ tên, địa chỉ, nhưng nội dung rất rõ, kèm theo bằng chứng rất rõ thì cũng đủ cơ sở để xem xét.

“Không phải đi vào để xử lý nhưng để biết được tình hình để tăng cường công tác quản lý và qua công tác quản lý thì xem có hành vi vi phạm hay không chứ không phải làm ngơ trước những đơn thư nặc danh mà có nội dung”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển băn khoăn, không hiểu trên thế giới có nước nào nhiều tố cáo, khiếu nại như Việt Nam không? Cách họ giải quyết, xử lý vấn đề này như thế nào? “Tôi từng ở địa phương thì biết rồi, nếu ban hành luật không cẩn thận thì tình hình không diễn biễn theo chiều hướng tốt mà thậm chí còn tạo ra phức tạp”, ông Hiển lưu ý.

“Về hình thức tố cáo đúng là chúng ta đang đứng trước hai con đường. Trong xu thế công nghệ thông tin, có khi người ta ngồi ở nhà xử lý tất cả các vấn đề. Nếu giữ hai hình thức tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp, không chấp nhận qua điện thoại, fax, thư điện tử thì cũng phải cân nhắc. Phải chăng vẫn chấp nhận những đơn thư theo hình thức này nếu có đẩy đủ địa chỉ, căn cứ pháp lý”, ông Hiển nêu quan điểm.

Còn về tố cáo nặc danh, mạo danh, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cương quyết cho rằng, không giải quyết vì hiện nay tố cáo có tên, địa chỉ mà vẫn có đến 80% là tố cáo sai.

Mạo dạnh bằng Internet hết sức khủng khiếp

“Trong bối cảnh hiện nay chỉ giữ 2 hình thức tố cáo”, ông Mai Trực, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương lý giải, thực tế, khi có đơn chúng tôi phải gặp trực tiếp người tố cáo để đối chất, giải thích pháp luật để cho thấy điều gì không phù hợp thì rút, rồi chốt lại nội dung tố cáo mới giải quyết. Chứ nếu chỉ một chiều, cả đoàn đi xác minh theo nội dung tố cáo thì “tốn kém kinh khủng”.

Theo ông Trực, “ngay số điện thoại vẫn có chuyện mạo danh của người khác. Ngay thư điện tử họ vẫn dùng mạo danh hình ảnh của người khác”. Cho nên, trong bối cảnh hiện nay, nếu chấp nhận mở rộng hình thức tố cáo qua điện thoại, fax, thư điện tử thì không ổn.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, đã tố cáo thì dứt khoát phải chịu trách nhiệm thể hiện bằng đơn, nếu người tố cáo không viết được thì bằng lời nói và cơ quan có trách nhiệm ghi lại bằng biên bản.

“Bây giờ mạo dạnh bằng Internet hết sức khủng khiếp. Cho nên, phải tính toán, cân nhắc để bảo đảm tính chính xác, tính chịu trách nhiệm”, Thứ trưởng Công an cũng cho hay, các nước trên thế giới nói rất nhiều về an ninh mạng, tội phạm mạng, bảo đảm quyền riêng tư…

Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Ủy ban Pháp luật cho rằng, về hình thức tố cáo còn chưa rõ ràng, vẫn chưa đáp ứng được mục đích, yêu cầu sửa đổi Luật; bởi vì, vấn đề căn bản, mấu chốt là xác định được nội dung tố cáo có căn cứ, chính xác, rõ địa chỉ, họ tên người tố cáo là điều kiện đủ để thụ lý giải quyết.

“Việc tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại thực chất cũng chỉ là các phương thức thể hiện khác nhau của 2 hình thức tố cáo mà dự thảo Luật đã quy định là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Vì vậy, đề nghị dự thảo Luật chỉnh lý theo hướng: quy định hình thức tố cáo bằng đơn và các hình thức tố cáo khác theo quy định của pháp luật (hình thức khác có thể bao gồm thư điện tử, fax, điện thoại mà các luật khác đã quy định)”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho hay.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, Ban soạn thảo phối hợp với Ủy ban Pháp luật tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo luật để trình ra Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 và thông qua tại Kỳ họp thứ 5.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm