Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thủ tướng gợi ý địa phương: "Vùng đất, vị trí đẹp phải ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh”

Hương Giang

Thứ năm, 09/05/2024 - 18:59

(Thanh tra) - Trong quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Hồng, Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi ý các địa phương dành những vùng đất, vị trí đẹp và có lợi thế cho sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi ý các địa phương dành vùng đất, vị trí đẹp cho sản xuất, kinh doanh. Ảnh: N.Bắc

Định hướng này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu khi phát biểu kết luận Hội nghị lần thứ 3 của Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng, sáng 9/5.

Vùng còn “3 cái thiếu”

Theo người đứng đầu Chính phủ, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng với tư duy mới, tầm nhìn mới, cách làm mới, niềm tin mới để tạo ra giá trị mới.

Các cơ quan tập trung xây dựng và hoàn thiện một số cơ chế, chính sách. Đáng chú ý, 7/20 dự án quan trọng của vùng đã được khởi công và đang hoàn thiện các thủ tục để khởi công tiếp 8 dự án theo đúng kế hoạch đề ra.

Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án đường bộ cao tốc Hải Phòng-Thái Bình-Nam Định-Ninh Bình với việc tạo xung lực mới, không gian phát triển mới, kết nối các miền di sản của vùng.

Khái quát nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội Vùng Đồng bằng sông Hồng, song Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng những kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vị trí, vai trò của vùng, đặc biệt là về văn hóa.

“Vùng có 3 cái thiếu: Thiếu quỹ đất, thiếu cơ chế đột phá và thiếu nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp”, Thủ tướng chỉ rõ.

Cùng với đó, vùng có 5 hạn chế lớn. Đó là: hạn chế về tính liên kết, về cả liên kết trong hạ tầng giao thông; liên kết chuỗi sản xuất, cụm liên kết ngành trong các hành lang phát triển; liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và FDI; hạn chế trong bảo đảm an ninh nguồn nước và an ninh năng lượng; hạn chế về quy mô, năng lực quản lý, cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp.

Ngoài ra còn có hạn chế trong ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hạn chế trong quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, phòng, chống biến đổi khí hậu…

12 “từ khóa” trong triển khai quy hoạch

Thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ 12 chữ mang tính chất “từ khóa” trong triển khai quy hoạch và phát triển, liên kết vùng, là: “Truyền thống, liên kết, bứt phá, bao trùm, toàn diện và bền vững”.

Thủ tướng yêu cầu tổ chức thực hiện quy hoạch vùng một cách thức chất, hiệu quả, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo về bản đồ quy hoạch Vùng đồng bằng sông Hồng. Ảnh: N.Bắc

Trong đó, ông lưu ý đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là tăng thu, tiết kiệm chi, thúc đẩy hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng chiến lược, lấy vốn đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội.

“Không hy sinh an sinh xã hội, không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần”, Thủ tướng quán triệt.

Lãnh đạo Chính phủ gợi ý các địa phương xây dựng cung triển lãm quy hoạch để nhà đầu tư, người dân, doanh nghiệp thuận tiện tìm hiểu và giám sát thực hiện quy hoạch…

“Những vùng đất, vị trí đẹp, có lợi thế phải ưu tiên dành cho sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân”, Thủ tướng nói.

Nhấn mạnh trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, Thủ tướng dẫn chứng trong giải phóng mặt bằng cho các dự án, nếu chỉ còn một hộ dân chưa di dời, bí thư, chủ tịch tỉnh cũng phải tới gặp gỡ, đối thoại trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng, hoàn thành trong quý II; tập trung cơ cấu lại các ngành kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực có thế mạnh; ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, có tính lan tỏa lớn, có tính kết nối quốc tế, liên vùng và hướng biển.

Ngoài ra theo Thủ tướng, cần tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực (nhất là nhân lực bán dẫn), thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Mục tiêu quan trọng là phải thu hút được những nhà đầu tư chiến lược, Thủ tướng nêu rõ.

4 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Hồng có hạ tầng tốt nhất cả nước

Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh là 4 địa phương Vùng đồng bằng sông Hồng được đánh giá có cơ sở hạ tầng tốt nhất cả nước. Trong đó, Quảng Ninh dẫn đầu cả nước, Hà Nội đứng thứ 4, Hải Phòng thứ 7, Bắc Ninh thứ 8.

Thông tin này được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đưa ra tại hội nghị.

Thông tin thêm về cơ sở hạ tầng, theo ông Dũng, trong 20 dự án quan trọng mang ý nghĩa liên kết vùng, có 7 dự án đã khởi công.

7 dự án này gồm: Đường Vành đai 4 vùng Thủ đô; đường Vành đai 5 vùng Thủ đô (đã triển khai một số đoạn qua các tỉnh: Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Thái Bình); cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B Quảng Ninh - Lạng Sơn, đoạn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; nâng cấp, mở rộng Nhà ga hành khách quốc tế T2 sân bay Nội Bài; Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội; Cải tạo, nâng cấp tĩnh không cầu Đuống trên tuyến đường thủy số 1 từ Hải Phòng - Quảng Ninh - Việt Trì; các bến cảng số 3, 4, 5, 6, 7, 8 tại cảng Lạch Huyện, Hải Phòng.

8 dự án đang triển khai các thủ tục đầu tư gồm: Đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình; Đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến; Tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (đoạn Hà Nội - Vinh); Tuyến đường sắt vành đai phía Đông từ Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng; Tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; Tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Đầu tư xây dựng Nhà ga T2 sân bay Cát Bi.

Các dự án còn lại đang được nghiên cứu, triển khai trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm, một số dự án quy mô lớn của vùng đã được Thủ tướng chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực ngân sách Trung ương để triển khai là đường Vành đai 4 vùng Thủ đô, đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (đoạn qua tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình)…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Hoàng Nam

22:10 22/11/2024
Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Minh Tân

17:29 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm