Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thủ tướng gợi mở 5 vấn đề tại Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII

Thứ năm, 10/03/2022 - 17:20

(Thanh tra) - Với chủ đề "Phát huy truyền thống, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, vì hạnh phúc của phụ nữ, vì sự phồn vinh của đất nước", Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027 khai mạc ngày 10/3 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phụ nữ Việt Nam đã vượt qua mọi nghịch cảnh, rào cản, định kiến, khó khăn, trở ngại, có những đóng góp, cống hiến to lớn, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc non sông gấm vóc Việt Nam. Ảnh: VGP

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII diễn ra trong bối cảnh sau hơn 35 năm đổi mới, vị thế, uy tín, tiềm lực của đất nước đã được nâng lên, tạo ra thế và lực mới cho chị em phụ nữ. Cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu và những vấn đề an ninh phi truyền thống; khủng hoảng kinh tế toàn cầu; xung đột vũ trang; tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa tăng nhanh; già hóa dân số; bất bình đẳng giới... sẽ tác động mạnh mẽ đến đời sống, việc làm, phong trào của phụ nữ, cũng như các yếu tố và hoạt động của Hội...

Để thực hiện được các mục tiêu phát triển đất nước trong thời gian tới, cần phải phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có vai trò rất quan trọng của phụ nữ.

Trong giai đoạn tới, để Hội có thể khẳng định, nâng cao vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ, trở thành tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, chủ động tham gia giải quyết các vấn đề của phụ nữ, vận động xã hội thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong khu vực và quốc tế, Thủ tướng nhấn mạnh, gợi mở thêm 5 vấn đề để Đại hội thảo luận, xem xét, quyết định.

Ảnh: TTXVN

Một là, phụ nữ và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần nắm vững, quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; có những giải pháp, biện pháp cụ thể, mạnh mẽ, khả thi để đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, vận động các tầng lớp phụ nữ thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phát huy vai trò, tiềm năng, thế mạnh của phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực, địa bàn; đồng thời làm tốt hơn nữa việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ. Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển, hội nhập với những giá trị thời đại gắn với giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam: Yêu nước, đoàn kết, trung hậu, đảm đang, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, sáng tạo và phát triển toàn diện.

Gắn kết chặt chẽ các phong trào, cuộc vận động, hoạt động của Hội với các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của đất nước ta. Bảo đảm lợi ích của tổ chức hội, hội viên, phụ nữ gắn với lợi ích quốc gia, dân tộc. Chủ động đề xuất với cấp có thẩm quyền để Hội tham gia giải quyết những vấn đề thiết thực được xã hội và phụ nữ quan tâm như: Xây dựng các thiết chế nhà ở, nhà trẻ và tổ chức hoạt động phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần cho lao động nữ tại các khu công nghiệp; hỗ trợ phụ nữ cao tuổi, phụ nữ đơn thân, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, trẻ em mồ côi...

Hai là, các cấp Hội cần tiếp tục kiện toàn tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để trở thành tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả vì sự phát triển toàn diện của phụ nữ và sự hùng cường, phồn vinh, thịnh vượng của đất nước. Tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế là tổ chức tiên phong vì bình đẳng giới và sự phát triển của phụ nữ Việt Nam, có tầm ảnh hưởng trong khu vực và trên trường quốc tế.

Cần đa dạng hóa nội dung hoạt động, hướng mạnh về cơ sở; nắm vững tình hình và xử lý tốt các vấn đề phát sinh từ cơ sở, tham gia thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở; đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai hoạt động. Tích cực tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách về công tác phụ nữ, công tác cán bộ nữ; luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, trước mắt là các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, gắn với các vấn đề thiết thực cho phụ nữ, nhất là các nhóm phụ nữ đặc thù, yếu thế. Hội cần mở rộng tính liên hiệp, tập hợp rộng rãi các đối tượng là phụ nữ; đa dạng hóa các hình thức tập hợp để thu hút đông đảo các tầng lớp, đối tượng phụ nữ tham gia Hội, nhất là phụ nữ ở lứa tuổi thanh niên, trong các khu công nghiệp, phụ nữ ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng dân tộc, tôn giáo.

Phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ, nhất là những người có tầm ảnh hưởng, có khả năng truyền cảm hứng, lôi cuốn, dẫn dắt phong trào như: Nữ lãnh đạo, quản lý, trí thức, văn nghệ sĩ, doanh nhân, phụ nữ tài năng trên các lĩnh vực kinh tế, khoa học, nghệ thuật, văn hóa, thể thao, đối ngoại và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo… Có hình thức phù hợp động viên phụ nữ Việt Nam định cư ở nước ngoài đoàn kết, phát triển, hướng về Tổ quốc thân yêu. Tổ chức Hội cần đẩy mạnh phân cấp, phân công nhiệm vụ theo hướng "Trung ương định hướng chiến lược, tỉnh vận dụng sáng tạo, huyện đồng hành cơ sở, xã nắm chắc hội viên, chi thấu hiểu phụ nữ".

Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội, nhất là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, uy tín, tư duy đổi mới, có kỹ năng vận động phụ nữ, gương mẫu đi đầu và là hình ảnh tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Phát huy vai trò người đứng đầu của tổ chức Hội khi tham gia cấp ủy, cơ quan dân cử và các thiết chế đại diện khác. Nâng cao năng lực, kỹ năng và bản lĩnh của cán bộ Hội trong giám sát, phản biện xã hội. Đề cao trách nhiệm của các cấp Hội, đặc biệt là cấp cơ sở, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của các chi Hội, tổ phụ nữ ở các cấp. Kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, lựa chọn giới thiệu cán bộ nữ, cán bộ Hội có đủ tiêu chuẩn tham gia cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Ba là, Hội cần tổ chức thật nghiêm túc công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong hội viên, phụ nữ; khơi dậy ý chí, khát vọng, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam. Vận động phụ nữ rèn luyện phẩm chất đạo đức "Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang" gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiếp tục nâng cao nhận thức chính trị, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm công dân; bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp công tác để cán bộ, hội viên, phụ nữ thực hiện có hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội. Khắc phục biểu hiện an phận, thực dụng, suy thoái đạo đức, lối sống... của một bộ phận phụ nữ. Cần phải làm cho mỗi cán bộ Hội ở các cấp và mỗi người phụ nữ Việt Nam thực sự trở thành một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, tích cực, chủ động tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc.

Bốn là, phát huy vai trò của tổ chức Hội và các tầng lớp phụ nữ trong xây dựng, vun đắp giá trị gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: No ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em. Thực hiện tốt Chiến lược Phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030. Các cấp Hội tiếp tục tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ phụ nữ thực hiện các chính sách về hôn nhân - gia đình, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ bà mẹ - trẻ em, bảo vệ môi trường..., bảo vệ thuần phong, mỹ tục, truyền thống, giá trị tốt đẹp của đất nước, con người và phụ nữ Việt Nam. Kịp thời phát hiện, lên tiếng, bênh vực, bảo vệ, giúp đỡ, kiến nghị giải pháp để giải quyết các vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới.

Năm làđề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, bộ, ngành, đoàn thể cần quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu công tác phụ nữ trong tình hình mới. Tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn cũng như xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể để tạo bước chuyển biến rõ rệt về chất lượng, hiệu quả công tác phụ nữ ở từng ngành, từng cấp, địa phương, đơn vị. Hoàn thiện các chính sách có lồng ghép giới theo quy định của Luật Bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ có cơ hội được tiếp cận, thụ hưởng đầy đủ các chính sách an sinh xã hội mà Đảng và Nhà nước ta đã xác định. Tiếp tục quan tâm hỗ trợ xây dựng, củng cố tổ chức, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cấp Hội. Có cơ chế, chính sách huy động mọi nguồn lực xã hội để hỗ trợ, đồng hành cùng các phong trào, hoạt động của các cấp Hội Phụ nữ; hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, tiếp tục giao một số nhiệm vụ và bảo đảm nguồn lực để Hội Phụ nữ tham gia thực hiện một số mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, một số nhiệm vụ trong 03 chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án của Chính phủ phù hợp với khả năng, thế mạnh của tổ chức Hội ở từng cấp.

Các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức xã hội, cơ quan thông tin đại chúng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm về giới và thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trên phạm vi cả nước. Tiếp tục thúc đẩy bình đẳng giới, coi đó là một tiêu chí của tiến bộ, văn minh, thực hiện tốt các cam kết quốc tế về phụ nữ và phát triển mà Việt Nam tham gia, nhất là Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững. Xây dựng xã hội tốt đẹp trên nền tảng tôn trọng, tôn vinh, chăm lo, bảo vệ phụ nữ; phong cách ứng xử văn minh, văn hóa đối với phụ nữ; phát huy vai trò, tiềm năng, thế mạnh của phụ nữ. Chú trọng tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng những tập thể, cá nhân phụ nữ điển hình tiên tiến. Kiên quyết phê phán, đấu tranh với tư tưởng, thái độ coi thường phụ nữ, các hành vi phân biệt đối xử, xúc phạm nhân phẩm, xâm hại phụ nữ, trẻ em.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Hoàng Nam

22:10 22/11/2024
Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Minh Tân

17:29 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm