Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 20/08/2019 - 19:54
(Thanh tra) - Ngày 20/8, tại Bình Định, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung.
Hội nghị có sự tham dự của các nhà đầu tư lớn trong nước và đại diện một số tập đoàn nước ngoài, các nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế, lãnh đạo 14 tỉnh, thành phố miền Trung và đại diện 2 tỉnh Tây Nguyên với trên 700 đại biểu.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các bộ, ngành, địa phương tập trung vào các định hướng lớn trong giai đoạn tới, thẳng thắn chỉ ra các nút thắt để tìm ra giải phát sát thực, hiệu quả hơn, đưa ra được những phân tích, giải pháp, ý tưởng và đề xuất cụ thể.
Gợi mở một số góc nhìn để các đại biểu cùng suy nghĩ, Thủ tướng đặt vấn đề, quy mô kinh tế của Vùng miền Trung đạt gần 1 triệu tỷ đồng, chiếm gần 20% GDP cả nước, nhưng so với tiềm năng, cần thiết phải đưa tỉ trọng này cao hơn nữa.
Năm 2018, trong khi GDP của 28 tỉnh giáp biển đóng góp 73,8% GDP cả nước, thì 14 tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung chỉ đóng góp được gần 20% tổng GDP, chỉ chiếm 1/4 tổng GDP của 28 tỉnh có biển. Tiềm năng du lịch là thế mạnh, nhưng doanh thu từ du lịch chưa được 20% cả nước. Từ những số liệu này, Thủ tướng đặt câu hỏi: Những động lực thúc đẩy toàn vùng phát triển trên cả 3 khía cạnh: Thể chế, chính sách động lực (ví dụ phân cấp kinh tế, liên kết vùng); ngành động lực (công nghiệp, nông nghiệp, kinh tế biển, du lịch); nhân tố động lực (tài nguyên tự nhiên, con người, khoa học-công nghệ) là gì? Giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy những ngành động lực phát triển cả về năng suất và chất lượng?
Vấn đề thứ hai là nguồn lực vốn con người của miền Trung. Theo Thủ tướng, người miền Trung dù đi đâu, làm gì vẫn vẹn nguyên cốt cách, tố chất và tính cách (bộc trực, cần cù, chăm chỉ và quyết liệt). Rất nhiều nhân tài trong các lĩnh vực, đặc biệt nhiều nhà kinh doanh giỏi, nhiều tỷ phú Việt Nam xuất thân từ dải đất miền Trung này. Đây là tài sản rất quan trọng đối với các tỉnh miền Trung. Một vấn đề khác là làm sao để thu hút được người giỏi, người tài, người giàu đến miền Trung sinh sống và làm việc?
Thứ ba, Thủ tướng chỉ ra, miền Trung chiếm 28,9% diện tích cả nước, có đến 14 tỉnh, thành phố nhưng do điều kiện địa lý nên dễ bị tổn thương về mặt tự nhiên và xã hội, đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Vì vậy sự hợp tác, đối phó với những thách thức này như thế nào? Liên kết vùng là bài toán sống còn đối với tất cả các địa phương trong vùng. Chúng ta đã bàn nhiều về liên kết vùng, nhưng đến nay vẫn chưa có lời giải ưng ý, nhất là bài toán liên kết về hạ tầng, đào tạo nhân lực, phân công lao động, phân công sản xuất,... để tối ưu hóa phương án đầu tư. Thủ tướng nêu rõ, cần xác định những chương trình mục tiêu phát triển ở quy mô vùng như du lịch vùng, nhân lực vùng, thị trường lao động chung, bảo vệ môi trường vùng,...
Thứ tư, theo Thủ tướng, cùng với biển bạc, các tỉnh miền Trung còn có nguồn tài nguyên lớn là rừng. Trong giai đoạn tới, cần phát huy lợi thế rừng vàng-biển bạc như thế nào? Cần điều chỉnh những chính sách đã ban hành về kinh tế rừng, kinh tế biển thế nào để thúc đẩy sự phát triển của miền Trung?
Vấn đề thứ năm mà Thủ tướng đặt ra là ưu tiên chiến lược phát triển. Mức tăng trưởng công nghiệp-xây dựng bình quân giai đoạn 2016-2018 toàn vùng đạt 10,36%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước (8,1%). Trong khi đó, ngành dịch vụ của vùng hiện có tốc độ tăng trưởng rất cao, chiếm tỉ trọng lên đến 41,59% quy mô kinh tế vùng, trong đó ngành du lịch đang là động lực tăng trưởng của các tỉnh miền Trung. Theo Thủ tướng, cần tránh mâu thuẫn trong lựa chọn ưu tiên chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn tới. Làm sao để “hai chân không dẫm vào nhau”, bước đi nhanh và không vấp ngã. Cần chú ý xử lý những vướng mắc từ công tác quy hoạch.
Ngoài những vấn đề gợi mở trên đây, Thủ tướng cũng đề cập đến nhiều vấn đề khác như phát triển kinh tế tư nhân, tăng tốc đô thị hóa, đào tạo lao động, di dân, vấn đề quy hoạch, cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, khởi nghiệp và sáng tạo cùng nhiều vấn đề hạ tầng xã hội khác.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yếu tố con người có tính chất quyết định. Thủ tướng đề nghị các địa phương miền Trung quán triệt tinh thần: Đứng trước vận hội mới của đất nước trong 10-15 năm tới, miền Trung cần thể hiện khát vọng, vươn lên mạnh mẽ, quyết tâm để sớm trở thành địa bàn có trình độ kinh tế-xã hội phát triển cao, bền vững của đất nước. Phải vận dụng chiến lược kinh tế biển vào miền Trung, tập trung vào 5 trụ cột kinh tế.
Về ngư nghiệp, phải tập trung nuôi trồng và đánh bắt và chế biến thủy hải sản, một thế mạnh không phải nơi nào cũng có. Thứ hai là du lịch, đặc biệt là du lịch biển, đảo và khai thác thế mạnh của du lịch vùng Tây của các tỉnh miền Trung. Thứ ba là cảng biển và các dịch vụ logistics. Thứ tư là phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến gắn liền với lợi thế cảng biển. Thứ năm là năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và nghiên cứu các dạng năng lượng khác.
Nhấn mạnh việc liên kết vùng và thể chế phát triển vùng, Thủ tướng cho rằng vấn đề quy hoạch chiến lược phát triển miền Trung cần rõ hơn, sớm có thể chế thuận lợi cho phát triển khu vực.
Xây dựng môi trường kinh doanh có tính cạnh tranh hơn, miền Trung phải thực sự là "đất lành, chim đậu", tạo điều kiện cho sự phát triển. Từng địa phương phải quan tâm tới ứng phó với biến đổi khí hậu.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng đảm bảo chất lượng theo hướng tích hợp các quy hoạch quy định tại Luật Quy hoạch. Đề xuất nguồn lực để xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng cấp bách, nhất là hệ thống đường ven biển, đường lên Tây Nguyên và các công trình trọng điểm của vùng, các dự án khắc phục khô hạn, bảo vệ nguồn nước ngọt, đảm bảo phát triển bền vững.
Bộ Tài chính nghiên cứu một số cơ chế, chính sách tài chính, thuế, phí để phân cấp quản lý cho các tỉnh, thành trong vùng phù hợp với trình độ phát triển, đặc điểm kinh tế và cơ sở thuế của từng địa phương.
Bộ Giao thông vận tải cần lập kế hoạch phát triển sân bay lớn trên tinh thần nêu rõ “cái gì Nhà nước phải đầu tư dứt điểm, cái gì tư nhân đầu tư” để tạo điều kiện cho du lịch phát triển.
Đối với Bộ Công Thương, ưu tiên phát triển mạng lưới trung tâm logistics của vùng là nơi có lợi thế về vị trí địa lý, gần nguồn cung cấp hàng hóa như khu công nghiệp, hệ thống cảng, gần khách hàng tiêu thụ.
Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu hỗ trợ xây dựng các trung tâm ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong trường đại học, doanh nghiệp, khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trong vùng, để từ đó là hạt nhân của hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong vùng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực biển chất lượng cao.
Thủ tướng đề nghị các tỉnh, thành phố của vùng phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra năm 2019. Lãnh đạo các địa phương tiếp tục khơi dậy khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn vùng và từng địa phương, doanh nghiệp, người dân. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, thực hiện tốt các hoạt động điều phối và liên kết. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phải đảm bảo tính hiệu quả kinh tế, khả năng lan tỏa. Kiểm soát và khắc phục ô nhiễm môi trường, ngăn chặn từ sớm các nguồn gây ô nhiễm.
Song song với phát triển kinh tế phải coi trọng cải thiện phúc lợi của người dân, bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo quyền bình đẳng của người dân trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, tạo điều kiện để mọi người dân có điều kiện phát triển toàn diện; bảo vệ và nâng đỡ nhóm yếu thế, thiếu cơ hội; giảm khoảng cách chênh lệch giàu nghèo; đặc biệt quan tâm giải quyết tốt các vấn đề xã hội đang nổi lên ví dụ như tín dụng đen, bạo lực xã hội.
“Chúng ta phải hết sức chú trọng xây dựng tổ chức bộ máy trong sạch, vững mạnh từ cơ sở, nói không với tiêu cực, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân”, Thủ tướng nói. “Tôi mong muốn và tin tưởng rằng, phát huy kết quả đạt được, với truyền thống đoàn kết, sự quyết tâm và hợp tác chặt chẽ, tích cực giữa các địa phương trong vùng và ban, bộ ngành Trung ương, miền Trung rồi đây sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, thực hiện thành công sứ mệnh lan tỏa, tạo động lực phát triển cho cả nước trong giai đoạn mới”, Thủ tướng phát biểu.
Tại Hội nghị, Thủ tướng đã chứng kiến lãnh đạo tỉnh Bình Định trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 15 dự án. Thủ tướng cũng trao tặng cờ Tổ quốc, dụng cụ sơ cấp cứu cho 20 ngư dân tiêu biểu của Bình Định trong chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” do Báo Người Lao động tổ chức. Theo đó, chương trình sẽ trao 10.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân Bình Định./.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sau 2 ngày 13-14/12, Đại hội lần thứ VIII Hội Nhà báo thành phố bầu ra Ban Chấp hành gồm 9 đồng chí và bầu Nhà báo Nguyễn Anh Tú là Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2024-2029.
Kim Thành
19:37 14/12/2024(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.
Trần Kiên
19:34 14/12/2024Hương Giang
16:17 14/12/2024Trần Quý
14:00 14/12/2024Bùi Bình
19:37 13/12/2024Trung Hà
16:40 13/12/2024Ngọc Giàu
T.Lương
Đông Hà
Cảnh Nhật
Thu Huyền
Đông Hà
Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân