Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thủ tướng: Bộ Công an xử nghiêm người lợi dụng dịch COVID - 19 và việc quyên góp của nhân dân để trục lợi

Hương Giang

Thứ ba, 07/09/2021 - 21:49

(Thanh tra) - Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ công an xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng chính sách phòng, chống dịch COVID-19 và việc quyên góp, ủng hộ của nhân dân để trục lợi, các vi phạm liên quan đến sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: N.Bắc

Ngày 7/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành công điện về bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ và xử lý vi phạm trong phòng, chống dịch COVID-19.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 về bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm, phòng chống cháy nổ và phòng chống dịch COVID-19.

Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh thực hiện các kế hoạch, phương án bảo đảm an ninh trật tự trong thời gian dịch bệnh, bảo đảm chủ động trong mọi tình huống.

Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, tập trung trấn áp tội phạm có tổ chức liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm chống người thi hành công vụ, nhất là chống lại các lực lượng chức năng tham gia phòng, chống dịch COVID-19.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng chính sách phòng, chống dịch COVID-19 và việc quyên góp, ủng hộ của nhân dân để trục lợi, các vi phạm liên quan đến sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19...

Nhiệm vụ là kịp thời rà soát, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi tung tin giả, xuyên tạc, không đúng sự thật trên không gian mạng liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ Công an, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở khám, chữa bệnh, khu cách ly tập trung, cơ sở sản xuất được sử dụng làm nơi cách ly; đặc biệt là phòng chống cháy, nổ trong sản xuất, bảo quản, vận chuyển và sử dụng khí oxy phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19.

Trước đó, trong những ngày gần đây, chuyện cá nhân làm từ thiện lại “nóng lên” với những hoài nghi và thắc mắc về việc tiếp nhận, minh bạch tiền ủng hộ.

Bên hành lang buổi họp Chính phủ thường kỳ tối ngày 6/9, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho rằng, việc minh bạch số tiền quyên góp được không khó. Ví dụ nhận bao nhiêu, chi bao nhiêu, là con số số học, nên hoàn toàn có thể làm được. Vì vậy, ông mong những người đứng ra kêu gọi thì cố gắng minh bạch.

Theo ông Xô, đến thời điểm này, các cục nghiệp vụ của Bộ Công an chưa nhận được tố cáo nào về việc chiếm đoạt tài sản, tiền, hàng từ hoạt động quyên góp, ủng hộ từ thiện và công an các địa phương cũng chưa có báo cáo, tổng hợp về nội dung này.

“Nếu ai có chứng cứ, tài liệu gửi cho cơ quan điều tra tại địa phương hoặc các cục nghiệp vụ của Bộ Công an thì chúng tôi sẽ vào cuộc”, Trung tướng khẳng định và cho biết thêm, dù chưa có thông tin tố giác nhưng công an luôn chủ động nắm thông tin, để đảm bảo an ninh trật tự xã hội.

Tại phiên họp của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng trong ngày 6/9, báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật của Chính phủ có đề cập đến tội phạm gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ.

Theo báo cáo, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, năm 2021, số vụ chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng đã được kéo giảm so với năm 2020.

Cụ thể, năm 2021, số vụ chống người thi hành công vụ đã giảm hơn 9%, số vụ chống lực lượng công an giảm hơn 14%. Tuy nhiên, theo đánh giá, dù đã giảm nhưng vẫn ở “mức cao”.

Tội phạm gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, trong đó có lực lượng công an tăng đột biến trong năm 2020. Nguyên nhân là do các quy định về phòng, chống COVID-19, nhất là trong các khu vực thực hiện giãn cách xã hội khiến cho một bộ phận người dân có tâm lý chống đối.

Cạnh đó, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước chưa cao; một bộ phận người dân thiếu hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật còn kém, bị các đối tượng chống đối lợi dụng kích động…

Cũng trong năm 2021, các đối tượng phản động lưu vong, đối tượng chống đối trong nước gia tăng các hoạt động chống phá, nhất là nhằm vào các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước.

An ninh mạng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn, nhất là hoạt động tấn công, phát tán mã độc, phần mềm gián điệp mạng nhằm vào hệ thống cổng, trang thông tin điện tử của các cơ quan Nhà nước.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm