Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tăng trưởng kinh tế cao nhất kể từ năm 2011 vẫn không được “lơ là, chủ quan”

Thứ hai, 01/10/2018 - 19:55

(Thanh tra)- Ngày 1/10, chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, kết quả đạt được tháng 9 và 9 tháng rất toàn diện. Song, vẫn còn những tồn tại, bất cập, khó khăn, thách thức hiện hữu…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Xuất siêu đạt kỷ lục đáng mừng

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư, tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng tiếp tục xu hướng khả quan. GDP 9 tháng tăng 6,98%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011 trở về đây.

Lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 3,57%. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 179 tỷ USD, tăng 15,4%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng (17,5%) cao hơn khu vực FDI (14,6%).

Đáng chú ý, có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD. Xuất siêu đạt 5,39 tỷ USD, là kỷ lục đáng mừng. Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước và bằng 34% GDP.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng 9 tháng năm nay cao nhất trong giai đoạn 2012-2018, khẳng định cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã phát huy hiệu quả. Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng và là động lực chính của tăng trưởng kinh tế với mức tăng cao 12,65%.

Cũng trong 9 tháng, cả nước có trên 96.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 963,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8% về số doanh nghiệp và tăng 6,7% về số vốn. Còn có gần 23.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 8,5% so với cùng kỳ.

Việt Nam còn dẫn đầu thế giới về Chỉ số tinh thần khởi nghiệp, với 92% người được hỏi sẽ cân nhắc khởi nghiệp; 88% sẵn sàng chấp nhận rủi ro thất bại khi khởi nghiệp so trung bình thế giới ở mức 47%. Các lĩnh vực về văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đều có chuyển biến tốt.

“Đi qua 3/4 chặng đường năm 2018, trên cơ sở kết quả 9 tháng, ước cả năm 2018, chúng ta dự kiến sẽ đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao, trong đó có 8/12 chỉ tiêu vượt, 4/12 chỉ tiêu đạt”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết.

Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng cho hay, từ nay đến cuối năm các tổ chức quốc tế dự báo triển vọng kinh tế của Việt Nam tiếp tục khả quan, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 dự kiến dao động trong khoảng 6,6-6,9%.

Chỉ số CPI vẫn bảo đảm mục tiêu đề ra nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện để điều hành giá và có dư địa điều chỉnh giá mặt hàng do Nhà nước quản lý.

Sức ép lạm phát còn rất lớn

Tuy vậy, vẫn còn những tồn tại, bất cập, khó khăn, thách thức hiện hữu. Như CPI tháng 9/2018 tăng 0,59% so với tháng trước, chủ yếu do giá dịch vụ giáo dục tăng 5,7%, đặc biệt là giá xăng dầu tăng. Sức ép lạm phát còn rất lớn do tác động của nhiều yếu tố, nhất là biến động tỷ giá, lãi suất…

“Đây là vấn đề cần theo dõi chặt chẽ để xử lý kịp thời, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát đề ra”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý.

Tình trạng nông sản nhập khẩu mạo danh sản phẩm trong nước diễn biến phức tạp. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,8% so với cùng thời điểm năm trước. Giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn ở nhiều bộ, ngành và địa phương còn chậm.

Hoạt động của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Cải cách hành chính có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, chưa cải cách thực chất. Buôn lậu, gian lận thương mại, trật tự an toàn xã hội, khiếu kiện đông người ở một số địa bàn cũng diễn biến phức tạp…

Do đó, để duy trì mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2018 đạt cao, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không được “lơ là, chủ quan”, tổ chức thực hiện phải quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đã đề ra. Giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong các mặt công tác của bộ, ngành, địa phương.

Các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực, tiếp tục các giải pháp cắt giảm điều kiện kinh doanh doanh, cắt giảm chi phí, cải cách hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và tạo niềm tin thu hút mạnh hơn nữa đầu tư ở các lĩnh vực; chủ động phòng, chống thiên tai, bão, lũ và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội…

Phải xóa độc quyền trong xuất bản sách giáo khoa

Tại phiên họp, báo cáo về vấn đề độc quyền xuất bản sách giáo khoa (SGK), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho biết, theo quy định của Luật Giáo dục và Luật Xuất bản hiện hành thì Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam là đơn vị duy nhất được giao xuất bản SGK.

Từ cuối năm 2017 đến nay, Bộ này đã phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông cấp phép thêm 5 NXB được tham gia xuất bản SGK và sẽ tiếp tục xem xét mở rộng cấp phép.

“SGK là mặt hàng thuộc diện quản lý giá của Nhà nước và được trợ giá, có tỷ lệ chiết khấu khi phát hành từ 20-25% thấp hơn mức trung bình so với tỷ lệ chiết khấu các loại sách khác là từ 35-40%”, ông Nhạ nói.

Cũng theo Bộ trưởng Nhạ, hiện tỷ lệ tái sử dụng SGK là khoảng 35%. Bộ đã có văn bản yêu cầu giáo viên hướng dẫn học sinh không làm bài tập trực tiếp vào SGK để nhắc nhở, rèn các em ý thức giữ gìn đồ vật, tài sản. Nhưng thực tế, nhiều phụ huynh muốn con em mình viết trực tiếp vào SGK.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, có độc quyền của NXB Giáo dục Việt Nam, tình trạng này đã được phân tích khi xây dựng Đề án đổi mới Chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Và tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phải xóa độc quyền.

Lãnh đạo Chính phủ còn chỉ ra, thực tế là nhiều trường bằng cách này hay cách khác “ép” học sinh, phụ huynh mua sách tham khảo để hưởng hoa hồng. Đây là một trong những biểu hiện rõ của tiêu cực trong giáo dục.

Từ năm 2014, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GD&ĐT phải tập trung chấn chỉnh tình trạng “ép” may đồng phục, “ép” mua sách. Bộ cũng đã có các văn bản chỉ đạo nhưng về sách chưa có chuyển biến rõ.

Cho nên, theo Phó Thủ tướng, Bộ cần chỉ đạo quyết liệt hơn, xử nghiêm những nơi vi phạm. “Các ý kiến phát biểu, chất vấn của một số Đại biểu Quốc hội về vấn đề SGK trong một số phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội gần đây là xác đáng. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cần có văn bản báo cáo, giải trình rõ”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chốt lại.


Vụ "bảo kê" tại chợ Long Biên: Thứ trưởng Công an nói "không thể chấp nhận"

Chiều tối ngày 1/10, tại buổi họp báo Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cho biết, “vụ việc xảy ra ở chợ Long Biên có thể nói là khó chấp nhận, không thể chấp nhận”. Ông đề nghị, nếu báo chí có thông tin chính xác về việc bảo kê của cơ quan, trong đó có công an thì cung cấp cho cơ quan công an.

“Hiện nay Công an TP Hà Nội đang vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm và với một yêu cầu theo chỉ đạo của Bộ Công an là khẩn trương điều tra, xác minh, kết luận vụ án để đưa ra xử lý theo quy định của pháp luật một cách sớm nhất”, Thứ trưởng Công an nhấn mạnh.

Trong ngày 1/10, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an TP Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 223/ PC 02-Đ3, để điều tra vụ việc có dấu hiệu tội phạm “Cưỡng đoạt tài sản” xảy ra tại chợ Long Biên. Vụ án đang được Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an TP Hà Nội phối hợp với Công an quận Ba Đình điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.


Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Đầu tháng 1/2025, Hà Nội hoàn thành sắp xếp bộ máy

Đầu tháng 1/2025, Hà Nội hoàn thành sắp xếp bộ máy

(Thanh tra) - Với quyết tâm chính trị cao nhất, Hà Nội phải hoàn thành việc tổng kết sắp xếp bộ máy theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Tổng Bí thư Tô Lâm vào đầu tháng 1/2025.

Hải Hà

17:54 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm