Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tăng khoảng 5% lương cơ sở cho công chức, viên chức

Thứ tư, 11/11/2015 - 13:00

(Thanh tra) - Quốc hội quyết định từ ngày 1/5/2016, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng (tăng khoảng 5%) đối với cán bộ, công chức, viên chức…

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết. Ảnh: Thảo Nguyên

Sáng nay (11/11), với tỷ lệ hơn 80%, Quốc hội biểu quyết thông qua dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016.  

Chốt tổng thu, chi ngân sách

Nghị quyết nêu rõ, tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là hơn 1,014 triệu tỷ đồng. Nếu tính cả 4.700 tỷ đồng thu chuyển nguồn ngân sách địa phương từ năm 2015 sang năm 2016 thì tổng số thu ngân sách Nhà nước là hơn 1,019 triệu tỷ đồng. 

Tổng số chi cân đối ngân sách Nhà nước hơn 1,273 triệu tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách Nhà nước là 254.000 tỷ đồng, tương đương 4,95% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Năm 2016 sẽ phát hành 60.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để đầu tư các dự án, công trình sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ đã được Quốc hội quyết định. 

Quốc hội giao Chính phủ, đẩy mạnh giám sát, công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách Nhà nước, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí. Tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế, chống thất thu, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn thuế, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, gian lận, trốn thuế. Hạn chế tối đa việc ban hành các chính sách mới làm giảm thu ngân sách Nhà nước...

Từ ngày 1/5/2016 sẽ tăng lương

Thực hiện điều chỉnh tiền lương đối với người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động dưới hai triệu đồng/tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác trước năm 1995 để lương hưu của các đối tượng này đạt mức lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1/1/2016. 

Nghị quyết cũng nêu rõ, từ ngày 1/5/2016, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng (tăng khoảng 5%) đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, bảo đảm thu nhập của đối tượng có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức đang hưởng.

Riêng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công, tiếp tục giữ mức đã tăng 8% như đã thực hiện năm 2015. 

Quốc hội giao các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở dự toán ngân sách Nhà nước được giao tự cân đối để bố trí nguồn tăng lương. Ngân sách Trung ương hỗ trợ một phần tiền lương tăng thêm cho một số địa phương nghèo, ngân sách khó khăn theo quy định của Chính phủ.

Dành 10 nghìn tỷ bù hụt thu ngân sách

Quốc hội đồng ý bổ sung 30.000 tỷ đồng vốn ODA ước giải ngân tăng so với kế hoạch vào dự toán chi đầu tư phát triển năm 2015. Sử dụng 40.000 tỷ đồng tiền bán cổ phần sở hữu của Nhà nước tại một số doanh nghiệp để đầu tư phát triển. 

Trường hợp ngân sách Trung ương năm 2015 bị hụt thu, cho phép sử dụng không quá 10.000 tỷ đồng tiền bán cổ phần sở hữu của Nhà nước nhưng chỉ để cân đối, đáp ứng nhiệm vụ chi đầu tư phát triển. Sử dụng 30.000 tỷ đồng đưa vào dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 để tăng chi đầu tư phát triển.

Năm 2016, sẽ thực hiện đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu Chính phủ phát hành trong năm 2015 và năm 2016, trong đó, chỉ phát hành trái phiếu Chính phủ có thời hạn từ 3 năm đến dưới 5 năm với tỷ lệ không quá 30% tổng khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành, 70% đảm bảo từ 5 năm trở lên theo quy định tại Nghị quyết số 78/2014/QH13 ngày 10/11/2014 của Quốc hội.

Cùng với đó, thực hiện phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế để cơ cấu lại nợ trong nước của Chính phủ, trên cơ sở so sánh, phân tích, đảm bảo có lợi cho quốc gia và chỉ thực hiện trong năm 2015 và năm 2016, với tổng mức phát hành tối đa là 3.000 triệu đô la Mỹ. 

Quốc hội cũng giao phải rà soát quy mô, thiết kế, hiệu quả và phân bổ 14.259 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên để đầu tư cho các dự án tiếp theo. 

Trước khi Quốc hội thông qua nghị quyết, một số ý kiến Đại biểu Quốc hội cho rằng, lãng phí trong sử dụng ngân sách Nhà nước còn lớn, chi dàn trải và còn cơ chế xin - cho. Hiệu quả sử dụng ngân sách còn thấp, nhiều tiêu cực, thất thoát .

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình và cho rằng, mặc dù công tác quản lý thu, chi ngân sách đã có những tiến bộ nhất định, song vi phạm vẫn xảy ra ở mức độ khác nhau. Qua kết quả hoạt động của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, Kiểm toán Nhà nước cho thấy, có nhiều sai phạm về quản lý tài chính - ngân sách nên thời gian qua đã được phát hiện, xử lý và thu hồi, giảm thanh toán do chi sai chế độ theo kiến nghị kiểm toán Nhà nước năm 2009 là 317 tỷ đồng; năm 2010 là 658 tỷ đồng; năm 2011 là 708 tỷ đồng; năm 2012 là 2.252 tỷ đồng; năm 2013 là 5.304,2 tỷ đồng.

Tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp cần thiết để nâng cao hơn hiệu quả thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Phòng, chống tham nhũng, nhằm tăng cường hơn nữa việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật tài chính; quản lý chặt chẽ chi ngân sách, cương quyết chống lãng phí, tiêu cực, xử lý các sai phạm nhằm thực hiện kỷ luật tài chính, khắc phục triệt để các tồn tại, yếu kém như ý kiến các vị Đại biểu Quốc hội đã nêu.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Không nên có tâm lý buông xuôi, ỷ lại các cơ quan mới sau sắp xếp bộ máy

Không nên có tâm lý buông xuôi, ỷ lại các cơ quan mới sau sắp xếp bộ máy

(Thanh tra) - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan đang được giao chủ trì soạn thảo, thẩm tra dự án luật, dự thảo nghị quyết mà trong diện dự kiến sắp xếp bộ máy cần phát huy trách nhiệm, thực hiện các nhiệm vụ được giao đến ngày cuối cùng hoạt động.

Hương Giang

18:54 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm