Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tăng cường phòng, chống tham nhũng trong cộng đồng

Thứ tư, 17/08/2011 - 11:38

(Thanh tra) - Tăng cường đạo đức công vụ; nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật; làm quen và trao đổi với tấm gương điển hình được Nhà nước biểu dương thành tích trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng… Đó là những vấn đề được đặt ra trên diễn đàn trao đổi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm trong khuôn khổ Chương trình Sáng kiến Phòng, chống tham nhũng Việt Nam 2011.

Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng chủ trì diễn đàn

>> Chung khảo VACI 2011: Phát huy quyền giám sát của cộng đồng

Dám đấu tranh, không sợ mất chức, trù dập

Ông Phùng Chí Công, Chánh Văn phòng HĐND và UBND quận Ô Môn, TP Cần Thơ (được Nhà nước tuyên dương về thành tích chống tham nhũng) cho biết: "Tôi ý thức được tham nhũng luôn gắn liền với người có chức, có quyền và được cấu kết với nhau thành thế lực, thậm chí lại còn rất được lòng cấp trên. Từ kinh nghiệm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, năm 2008 tôi chính thức gửi đơn thư về 7 vụ cố ý sai phạm. Đến nay, đã xác minh 5 vụ, phát hiện sai phạm gần 2,6 tỷ đồng. Biết là khó khăn, nhưng tôi không sợ mất chức, không sợ trù dập".

“Khi phát hiện sai phạm, tôi trực tiếp phân tích, đề xuất cách xử lý đúng quy định. Tại các cuộc họp thường trực UBND, tôi thẳng thắn tranh luận, đưa ra quan điểm, kiến nghị giải quyết nghiêm minh đúng quy định. Nếu lãnh đạo quận phớt lờ, không xử lý sai phạm mà còn chủ trương đối phó, nhằm che giấu sai phạm, tôi sẽ tập hợp hồ sơ, chứng cứ để có đầy đủ cơ sở khẳng định sai phạm liên quan đến tham nhũng. Đồng thời, tiếp cận để báo chí vào cuộc tạo dư luận mạnh mẽ, ngăn chặn việc bưng bít, bao che và buộc phải tiến hành cho thanh tra, kiểm tra. Tôi cũng tranh thủ tối đa sự đồng tình ủng hộ của cán bộ đương chức và giải thích, vận động thuyết phục cán bộ hưu trí, nhân dân cùng lên tiếng yêu cầu giải quyết các vụ tham nhũng ở quận”, ông Phùng Chí Công chia sẻ.

Theo ông Phùng Chí Công, phòng, chống tham nhũng thành công cần phải nói và làm đúng quy định của pháp luật; bảo vệ tính mạng, tài sản của người chống tham nhũng; xử lý nghiêm những người có sai phạm; cải cách lại chế độ tiền lương nhằm bảo đảm cuộc sống ít nhất ở mức trung bình cho cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước. Bên cạnh đó, phải giáo dục đạo đức, lối sống thành tiêu chí bắt buộc của cán bộ, công chức, viên chức, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đều khẳng định: Hệ thống văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng của Việt Nam khá hoàn chỉnh, chặt chẽ và được các nước trong khu vực cũng như thế giới đánh giá tốt. Vấn đề là làm thế nào để những thông tin trong hoạt động phòng, chống tham nhũng đến được với người dân một cách nhanh nhất, chính xác và đẩy đủ trong khuôn khổ pháp luật đã cho phép.

Chủ động cung cấp thông tin phòng, chống tham nhũng

Bà Vũ Thy Huệ (Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng) cho biết, thời gian qua các cấp, các ngành đã quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tham nhũng. Báo chí cũng chủ động phối hợp, tiếp cận với các cơ quan để thu thập, đưa tin về công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vụ tham nhũng. Tuy nhiên, tại một số bộ, ngành, địa phương việc tuyên truyền chưa được duy trì thường xuyên. Người dân chỉ tiếp cận thông tin chủ yếu qua các phương tiện thông tin đại chúng. Ít có thông tin hướng dẫn thực hiện các giải pháp, kết quả và hiệu quả của việc thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng. Trong khi đó, Đề án đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình đào tạo, giáo dục, bồi dưỡng chậm được thực hiện.

Để đưa thông tin phòng, chống tham nhũng chính xác, kịp thời, bà Vũ Thy Huệ cho rằng, cần chủ động cung cấp thông tin, nhất là đối với một số vụ án lớn, phức tạp cho công luận để tạo sự đồng thuận xã hội. Các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng cần có sự phối hợp thường xuyên và chặt chẽ với các cơ quan có trách nhiệm để chủ động cung cấp thông tin, phục vụ công tác tuyên truyền. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm việc quản lý, cung cấp thông tin, vi phạm Luật Báo chí. Ngoài ra, cần khen thưởng và bảo vệ người làm tốt công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin, tố cáo tham nhũng.

Theo bà Đỗ Vân Nguyệt, Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng Live & Learn, sau hơn 1 năm thực hiện Đề án “Xã hội minh bạch và bền vững trong tay thế hệ trẻ”, đã có trên 800 lượt bạn trẻ tham gia các hoạt động như khảo sát, tổ chức các diễn đàn và tập huấn. Từ đó, giúp các em thay đổi một phần nhận thức về tham nhũng.

Trong 5 tháng đầu thử nghiệm, Đề án đã gặp không ít khó khăn, các bạn trẻ tham gia diễn đàn còn nghi ngờ, thậm chí cảm thấy chủ đề xa vời. Sau đó, với sự cố gắng của những người thực hiện, cùng sự phối hợp của các tổ chức như FPT, cậu lạc bộ tình nguyện, doanh nghiệp… Đề án đã được triển khai tại các câu lạc bộ, trường học để các bạn trẻ có thể chia sẻ từ các địa điểm khác nhau. “Tham gia các diễn đàn này, các em mới biết mình từng tham nhũng. Trong tương lai, các em nghĩ là mình có thể tham nhũng, nhưng sẽ cố gắng hạn chế đến mức tối thiểu”, bà Đỗ Vân Nguyệt nói.

Thông qua Diễn đàn, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan chức năng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ từ thực tiễn cũng như những ý tưởng sáng tạo của cộng đồng đề giải quyết vấn đề tham nhũng, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm