Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 14/03/2017 - 11:36
(Thanh tra) - Sau gần 30 năm, những ký ức đau thương trong cuộc thảm sát trên đảo Gạc Ma vào năm 1988 vẫn hiện rõ trong tâm trí của chiến sĩ Trương Văn Hiền và Nguyễn Văn Chương - 2 người may mắn sống sót trong vụ xả súng của Trung Quốc làm 64 chiến sĩ tử vong.
Anh Trương Văn Hiền bên tấm ảnh chụp chung với những đồng đội sống sót sau trận Gạc Ma. Ảnh: QA
Ký ức không bao giờ quên
Đó là câu nói của anh Trương Văn Hiền (SN 1968, trú tại thôn 3, xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Với anh, từng khoảnh khắc xảy ra trong ngày 14/3/1988 như vừa chỉ mới hôm qua.
Trò chuyện với chúng tôi, anh xúc động: Tháng 3/1986, anh tham gia quân đội và được vào huấn luyện ở Lữ đoàn 147 Quảng Ninh. Sau 3 tháng huấn luyện, anh được đầu quân về Quân chủng Hải quân, thuộc Tiểu đoàn 6 Hải đồ, chuyên thực hiện nhiệm vụ đo đạc địa chất. Đến năm 1988, anh được đơn vị điều động khảo sát, đo đạc biển ở Trường Sa.
Chiều 11/3/1988, anh nhận được lệnh lên tàu HQ 604 xuất phát từ Cam Ranh ra đảo Gạc Ma.
"Lênh đênh trên biển 3 ngày đêm, 6 giờ sáng 14/3/1988, tàu chở các anh em chiến sĩ cập bến đảo Gạc Ma. Lúc này, anh em tập trung vận chuyển vật liệu vào xây dựng đảo thì phát hiện có tàu Trung Quốc áp sát, tranh chấp. Chỉ khoảng 30 phút sau, hàng loạt tiếng súng vang lên, các chiến sĩ trên tàu gục xuống trước mặt tôi. Lúc này, mọi thứ rơi vào hỗn loạn. Chỉ trong vòng khoảng 10 phút, 50 - 60 chiến sĩ trên tàu đều hi sinh. Tiếp đó, Trung Quốc xả đạn pháo vào tàu khiến tàu chìm. Bản thân tôi lúc đó tay trái bị gãy, 2 xương sườn bên phải cũng gãy, bị pháo Trung Quốc bắn cháy một bên mặt. Tàu chìm, tôi chìm dần xuống biển. May thay, lúc này đồng chí Dương Văn Dũng bơi lại gần đẩy tôi nằm lên tấm ván, cởi áo cột tôi vào ván và thả cho trôi lênh đênh trên biển. Thời khắc đó, tôi nghĩ mình cầm chắc cái chết.
Trôi dạt trên biển đến 17 giờ chiều cùng ngày, tôi được một tàu Trung Quốc vớt lên. Họ bịt mắt, trói tôi lại. Sau hơn chục ngày được điều trị tại một bệnh viện ở Trung Quốc, họ đưa tôi tới biệt giam tại bán đảo Lôi Châu.
Năm đầu tiên bị biệt giam, tôi liên tục bị lính Trung Quốc tra tấn, bắt khai thông tin quân sự, lao động khổ sai...
Năm thứ 3 bị giam cầm, tôi mới biết còn có 8 đồng đội cũng bị giam cầm như tôi. Đến cuối năm 1991, Trung Quốc tiến hành trao trả tù binh, toàn bộ 9 người chúng tôi được trở về quê nhà trong niềm hạnh phúc vô bờ bến. Kết thúc chuỗi ngày chỉ được phát một cái bánh mì nhỏ bằng nắm tay và uống nước cầm hơi. Lúc đó, chúng tôi chỉ biết lăn dài những giọt nước mắt đong đầy hàng ngàn cảm xúc không nói thành lời”, anh Hiền bồi hồi chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Chương nhớ lại những khoảnh khắc trong ngày 14/3/1988. Ảnh: QA
Cùng tâm trạng với anh Hiền, nguyên Thượng úy Nguyễn Văn Chương (SN 1958, trú tại thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông, Đắk Lắk) kể lại: Năm 1978, anh Chương vào bộ đội. Những năm đầu trong Hải quân, anh cùng đơn vị đóng chủ yếu ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Đến năm 1987, anh Chương cùng đơn vị được lệnh vào Cam Ranh chuẩn bị đi Trường Sa xây đảo.
"Thời điểm đó, tôi cùng 84 chiến sĩ đi trên tàu HQ-604 ra đảo chở theo vật liệu để xây dựng. Chiều 13/3/1988, khi tàu đến nơi, tôi phát hiện tàu hải quân Trung Quốc bao quanh. Lúc này, nhận được lệnh của chỉ huy yêu cầu anh em giữ bình tĩnh chuyển vật liệu và nhanh chóng cắm cờ Tổ quốc lên đảo.
Thế nhưng, đến sáng 14/3, khi chúng tôi đang vận chuyển vật tư thì thấy tàu Trung Quốc áp sát, chỉ trong mấy chục phút, tàu HQ-604 bị bắn chìm, 64 chiến sĩ hy sinh. Lúc này, nước biển dâng mỗi lúc một cao, thoáng chốc đã lên tới bụng. Do đó, tôi cùng các đồng chí sống sót sau cuộc xả súng cố gắng dùng thuyền gỗ, lấy tay chèo đến đảo Cô Lin để được ứng cứu.
Tiếc rằng, lúc đó chúng tôi chỉ đưa được 2 thi thể của đồng chí Nguyễn Văn Phương và Nguyễn Văn Tứ về chôn cất. Hai ngày sau chúng tôi cố gắng tiếp cận Gạc Ma để trục vớt thi thể những đồng đội hy sinh. Tuy nhiên, các thợ lặn vừa tiếp cận được tàu thì giặc Trung Quốc tiếp tục áp sát nên đành phải rời đi. Không vớt được đồng đội, tôi buồn lắm", anh Chương nói trong buồn bã.
Tâm nguyện của 2 người lính
Sau những tháng ngày bi tráng tại chiến trường Gạc Ma, 2 người lính lại trở về với cuộc sống thường nhật. Tất bật với guồng quay của cuộc sống, thấm thoát gần 30 năm đã trôi qua, nhưng với các anh, mong ước lớn nhất đến cuối cuộc đời là được một lần quay trở lại Gạc Ma, cùng thắp lên nén hương cho các đồng đội đã ngã xuống tại đây.
“Nhờ có ban liên lạc, năm 2016, những người lính sống sót trong trận chiến Gạc Ma có dịp gặp mặt sau bao nhiêu năm xa cách. Chúng tôi vỡ òa trong hạnh phúc. Chúng tôi đều có ước nguyện chung, đó là được một lần cùng nhau ra thăm lại Gạc Ma, thắp cho 64 đồng đội đã hi sinh một nén nhang, có như vậy chúng tôi có nhắm mắt xuôi tay cũng không còn luyến tiếc”, anh Chương cho biết.
Bản thân từng bị thương nặng sau cuộc thảm sát, sức khỏe của anh Hiền ngày một giảm sút. Vợ anh bị thoát vị đĩa đệm, 2 con còn nhỏ, mỗi tháng anh nhận được gần 800 nghìn tiền trợ cấp tù đày. “Tôi hi vọng mình sẽ được giám định lại thương tật và được hưởng chế độ trợ cấp. Bởi hiện nay sức khỏe tôi rất yếu, không làm được gì giúp gia đình”, anh Hiền chia sẻ.
Quỳnh Anh
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sau 2 ngày 13-14/12, Đại hội lần thứ VIII Hội Nhà báo thành phố bầu ra Ban Chấp hành gồm 9 đồng chí và bầu Nhà báo Nguyễn Anh Tú là Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2024-2029.
Kim Thành
19:37 14/12/2024(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.
Trần Kiên
19:34 14/12/2024Hương Giang
16:17 14/12/2024Trần Quý
14:00 14/12/2024Bùi Bình
19:37 13/12/2024Trung Hà
16:40 13/12/2024Ngọc Giàu
T.Lương
Đông Hà
Cảnh Nhật
Thu Huyền
Đông Hà
Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân