Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tại sao bộ trưởng cứ phải đưa mọi việc lên Thủ tướng?

Hương Giang

Thứ sáu, 06/12/2024 - 10:17

(Thanh tra) - Tại sao bộ trưởng cứ phải đưa mọi việc lên Thủ tướng? Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát giải thích, do bộ trưởng ký quyết định về một chiến lược nào đó nhưng “tiền, nhân lực, chính sách lại không đi theo”.

Tại hội thảo khoa học phân quyền, phân cấp trong cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận của Quốc hội nói, bộ trưởng quản lý ngành, lĩnh vực thì phải hoạch định chính sách, nhưng hiện nay mọi việc hầu như “dồn hết lên” Thủ tướng.

Nghỉ Tết bao nhiêu ngày, thi môn gì cũng báo cáo Thủ tướng

Theo ông Thuận, khi làm Hiến pháp năm 1992 và Luật Tổ chức Chính phủ, chúng ta còn phân định Chính phủ có 9 nội dung phải thảo luận tập thể quyết định theo đa số. Còn lại là quyền của bộ trưởng. Hiến pháp quy định bộ trưởng ban hành văn bản và quản lý theo ngành, lĩnh vực và có giá trị trên thực tế.

“Bây giờ có tình trạng nghỉ Tết bao nhiêu ngày bộ trưởng cũng báo cáo Thủ tướng, thi môn gì Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng báo cáo Thủ tướng, nghỉ hè thế nào cũng báo cáo Thủ tướng, thế bộ trưởng làm gì?”, ông Thuận nêu.

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận (trái) và nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát. Ảnh: Đ.X

Tại sao bộ trưởng cứ phải đưa mọi việc lên Thủ tướng? Ông Cao Đức Phát, nguyên Phó Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) nói, bộ trưởng dù ký quyết định về một chiến lược nào đó nhưng “tiền, nhân lực, chính sách lại không đi theo”.

Vì vậy, bộ trưởng đưa lên Thủ tướng ký thì mới giao trách nhiệm cho các bộ. Bộ Tài chính lo tiền, Bộ Kế hoạch Đầu tư phải đảm bảo nguồn lực… như vậy mới có hiệu lực.

 “Tôi làm Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, có dịch xảy ra cần vắc xin dập dịch, khi dịch lan ra thì Bộ trưởng NN&PTNT chịu trách nhiệm nhưng vắc xin lại nằm trong Quỹ dự trữ quốc gia do Bộ Tài chính quản lý. Tôi phải làm thủ tục đi qua nhiều tầng nấc để xin vắc xin, 2 - 3 tuần sau vắc xin về thì dịch đã lan rộng ra”, ông Phát kể.

Ông Phát cũng nêu thực tế phân quyền giữa các bộ hiện nay còn chồng chéo nhau.

“Một con bò thôi 3 bộ quản lý.  Bộ NN&PTNT quản lý con bò, Bộ Công Thương quản lý chế biến và giá, Bộ Y tế quản lý thức ăn (sữa bò) nhưng cuối cùng vẫn có vấn đề xảy ra”, nguyên Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Phân cấp, phân quyền triệt để mới xác định được trách nhiệm

Tình trạng chồng chéo, thiếu sự phân quyền rõ ràng trong nội bộ còn dẫn đến tình trạng xin - cho, gây nhiều vướng mắc.

TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, Hiến pháp năm 2013 đã quy định về phân công, phân cấp, phân quyền. Thế nhưng, tư duy, nhận thức về phân quyền, phân cấp giữa Trung ương và địa phương hiện còn chậm thay đổi phù hợp với yêu cầu của cơ chế thị trường, nhà nước pháp quyền, quản trị quốc gia và cách mạng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: Đ.X

Theo ông Anh Tuấn, việc phân quyền chưa có gì thay đổi, mới tập trung vào phân cấp và ủy quyền. Nhưng phân cấp và ủy quyền cũng mang tính hình thức, vẫn phải hỏi ý kiến, thỏa thuận, thống nhất trước khi quyết định.

“Ai cũng có quyền nhưng không ai chịu trách nhiệm cả”, ông Tuấn nói và nhấn mạnh thực trạng hiện nay đúng như Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định: "phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao".

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, nếu không phân cấp, phân quyền thì không thể tinh gọn được bộ máy và ngược lại. Theo ông, cần phải phân cấp, phân quyền triệt để.

“Chúng ta đã phân cấp, phân quyền nhưng không triệt để nên như anh Phát nói rất vướng, một bộ trưởng không quyết được gì. Bây giờ anh phải xin Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ…”, theo lời ông Dĩnh.

Tương tự ở địa phương, có khi một sở đã trình lên rồi nhưng phải xin ý kiến Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài chính và Văn phòng UBND…

Theo nhận định của ông Dĩnh, phân cấp, phân quyền không triệt để dẫn đến tình trạng “ỷ lại, hoặc có độ trễ”, tạo lên lực cản cho sự phát triển. “Chúng ta nói nhiều rồi vì lợi ích thôi, người ta giữ lại và trở thành cơ chế xin- cho”, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, "chỉ có phân cấp, phân quyền triệt để mới có thể xác định được trách nhiệm. Nếu cứ phải xin ý kiến thì trách nhiệm là chung tất cả, toàn bộ như nhau”.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cán bộ làm công tác Dân vận tỉnh Yên Bái: Cần đồng thuận và hưởng ứng chủ trương sắp xếp bộ máy

Cán bộ làm công tác Dân vận tỉnh Yên Bái: Cần đồng thuận và hưởng ứng chủ trương sắp xếp bộ máy

(Thanh tra) - Chiều ngày 18/1, tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dân vận, các ban chỉ đạo năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác dân vận năm 2025 do Ban Dân vận chủ trì. Hội nghị đã đánh giá những kết quả nổi bật của công tác dân vận trong năm qua, đồng thời, đề ra phương hướng, nhiệm vụ quan trọng cho năm tiếp theo.

Bùi Bình

22:02 18/01/2025

Tin mới nhất

Xem thêm