Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tài sản không giải trình được: Tiếp tục là tâm điểm “nóng” ở nghị trường Quốc hội

Thứ năm, 25/10/2018 - 19:49

(Thanh tra)- Ngày 25/10, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN - sửa đổi). Việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc tiếp tục là tâm điểm “nóng”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga .Ảnh: Quang Khánh

Không có cơ chế xử lý đã gây nghi ngờ trong dư luận

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay, pháp luật hiện hành chưa có quy định để xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc. “Trong khi đó, không loại trừ tài sản, thu nhập này có nguồn gốc bất hợp pháp”, bà Nga nói.

Thực tiễn xử lý các trường hợp vi phạm nghĩa vụ kê khai và giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm thời gian qua cho thấy, một số cán bộ, công chức, viên chức có tài sản giá trị rất lớn và giải trình không hợp lý về nguồn gốc nhưng cũng chưa có cơ chế để xử lý đối với tài sản này đã gây nghi ngờ trong dư luận.

Để tạo bước tiến mới và nâng cao hiệu quả trong công tác PCTN, phù hợp với xu thế chung của quốc tế, UBTVQH đề nghị, quy định trong dự thảo Luật việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc.

Về phương án xử lý, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, nhiều ý kiến đại biểu (ĐB) QH tán thành với phương án là thu thuế thu nhập cá nhân.

Một số ý kiến tán thành với phương án là xử phạt hành chính đối với hành vi kê khai không trung thực, không minh bạch trong giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập.

Trong khi đó, nhiều ý kiến đề nghị thu hồi tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc thông qua thủ tục xem xét, giải quyết tại tòa án.

“Qua cân nhắc kỹ ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, UBTVQH đề nghị lựa chọn phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc qua thủ tục tố tụng tại Tòa án (TA) vì đây là phương án có nhiều ưu điểm hơn so với hai phương án còn lại”, bà Nga cho biết.

Tuy nhiên, do còn có nhiều ý kiến khác nhau, nên UBTVQH đề nghị QH cho ý kiến về 2 phương án: xử lý tại TA và thu thuế.

Giải quyết tại Tòa minh bạch, thu thuế lại nhanh

Cho ý kiến, theo ĐB Đỗ Văn Bình (TP Hải Phòng), phương án xem xét, giải quyết tại TA sẽ đảm bảo tính khách quan, dân chủ, minh bạch khi thực hiện thủ tục có tranh tụng công khai để xem xét quyết định tính hợp lý về nguồn gốc tài sản của người có nghĩa vụ kê khai.

ĐBQH Đỗ Văn Bình (Hải Phòng)

“Việc thu hồi 100% tài sản thu nhập cho Nhà nước khi người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về tài sản thu nhập tăng thêm khẳng định thái độ quyết liệt, mạnh mẽ nghiêm khắc của Nhà nước trong công tác PCTN. Điều này không chỉ đảm bảo việc thu hồi tài sản tham nhũng cho Nhà nước mà còn tác động mạnh mẽ đến hiệu quả của công tác PCTN”, ông Bình nêu.

Cũng theo ĐB Bình, chọn phương án này còn góp phần khẳng định năng lực, trách nhiệm, việc thực thi nhiệm vụ, chất lượng xác minh của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.

Trong khi đó, ĐB Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) đề nghị, chọn phương án thu thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp người có nghĩa vụ kê khai không đồng tình với quyết định thu thuế thì có thể khiếu kiện ra TA để giải quyết.

“Phương án này thì xử lý được thực hiện nhanh, kịp thời, không tạo ra tâm lý nặng nề đối với người có nghĩa vụ kê khai so với việc xử lý thông qua con đường Tòa án”, ông Hòa nói.

ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) lưu ý, “những người đã có đủ mưu mô để tham nhũng, moi được tiền từ Nhà nước vào túi mình thì cũng thừa mưu mô, thủ đoạn để che giấu những tài sản đó”.

Theo ĐB đoàn Hà Nội, trường hợp tài sản không kê khai là cố tình che giấu, cố tình gian dối thì phải xử lý thật nghiêm khắc, thậm chí là tịch thu và xử lý kể cả hành chính. “Tôi nghĩ rằng, việc này không thể nói là oan trái”, ông Cường nói.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội)

Với tài sản mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình hợp lý về nguồn gốc, ĐB đoàn Hà Nội đề nghị, nếu cơ quan quản lý nghi ngờ có dấu hiệu bất minh thì phải chuyển cơ quan điều tra. Còn không phát hiện ra dấu hiệu bất minh thì chuyển qua cơ quan thuế để thu thuế.

“Chúng ta không sợ thuế trùng thuế vì bản thân người có tài sản cũng không chứng minh được là mình đã nộp thuế. Nếu chứng minh được mình đã nộp thuế rồi thì đương nhiên người ta đã chứng minh được tính minh bạch của nguồn gốc tài sản”, ĐB Cường nói, phương án thu thuế tương đối khả thi, phù hợp với điều kiện nước ta hiện nay.

Tranh luận…

“Cả 2 phương án đều không đảm bảo”, theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre), nếu quy định TA giải quyết kiến nghị của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thì coi như “đang hình sự hóa trá hình vấn đề thu hồi tài sản. Như vậy sẽ rất không ổn về mặt khoa học pháp lý”. Còn sử dụng công cụ thuế thì rất khó giải thích với cử tri, nhân dân.

“Luật này chủ yếu là phòng chứ không phải là đi xử lý các vấn đề nghiệp vụ. Các biện pháp nghiệp vụ của chúng ta hiện đầy đủ, có hành chính, tổ chức cán bộ và hình sự. Tôi đề nghị giữ theo quy định hiện hành, điều đó đảm bảo tính nghiêm khắc của pháp luật hơn là sử dụng một trong hai biện pháp”, ông Nhưỡng nêu.

“Nói như ĐB Nhưỡng thì chúng ta không có lối thoát”, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) giơ biển tranh luận và nêu quan điểm, chọn phương án thu thuế vì “phải dùng giải pháp kinh tế để xử lý những vấn đề kinh tế”. Tuy nhiên, theo ông Hồng, không chỉ áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt mà áp dụng các quy định về thuế và phải phân loại từng loại tài sản, có lộ trình để xử lý.

ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương)

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội) cũng tranh luận lại, thu thuế với tài sản tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc thì chưa hợp lý.

Theo bà Mai, thuế thu nhập cá nhân xét không phải là công cụ trực tiếp trong công tác PCTN và cũng không mang ý nghĩa răn đe hay ngăn chặn quyết liệt đối với hành vi tham nhũng.  Căn cứ để tính thuế cũng hoàn toàn chưa thực sự vững chắc và cũng không phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

“Nếu cứ coi tài sản thu nhập giải trình chưa hợp lý là đối tượng chịu thuế thì với đặc thù của kinh tế tiền mặt như hiện nay sẽ rất nhiều tài sản sẽ được coi là giải trình chưa hợp lý và sẽ là đối tượng chịu thuế. Công cụ để chúng ta tổ chức thực hiện là chưa sẵn sàng, bao gồm yếu tố con người và kỹ thuật. Vì vậy, tính khả thi chưa cao”, bà Mai nhấn mạnh.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nêu, xử lý thu nhập, tài sản tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc là vấn đề có rất nhiều ý kiến khác nhau. Vì vậy, sẽ gửi phiếu xin ý kiến các ĐBQH.

“Đề nghị các vị ĐBQH cân nhắc thật kỹ, gửi lại cho UBTVQH để tập hợp, nghiên cứu và giải trình báo cáo với QH quyết định”, ông Lưu nói.

Phó Chủ tịch QH giao Ủy ban Tư pháp, phối hợp với Thanh tra Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu ý kiến các vị ĐBQH tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện, làm báo cáo giải trình của UBTVQH trình lại QH xem xét thông qua tại cuối kỳ họp này.

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm