Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tái khởi động nền kinh tế ứng phó với COVID-19

Thứ hai, 04/05/2020 - 19:06

(Thanh tra) - Ngày 9/5 tới đây sẽ diễn ra hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch COVID-19.

Tại cuộc họp cho ý kiến về công tác chuẩn bị hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ phải “giữ cho mặt trận thứ 2 về kinh tế không bị đứt gãy, giữ được việc làm cho người lao động và có sự tăng trưởng cần thiết là yêu cầu cấp bách hiện nay”. Ảnh: Quang Hiếu

Hội nghị sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến tại Hà Nội, các bộ, cơ quan, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương và truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức tốt hội nghị, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm. Sau hội nghị sẽ có “sản phẩm đầu ra” thể hiện bằng chương trình hành động của Chính phủ để triển khai các nhiệm vụ liên quan.

Lắng nghe doanh nghiệp nói

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm thực hiện mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch COVID-19.

Để chuẩn bị cho hội nghị, trước đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp lắng nghe ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp theo ngành hàng như lương thực, gỗ và lâm sản… các hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc… lãnh đạo các doanh nghiệp trong các lĩnh vực giáo dục, hàng không, du lịch…

“Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ lắng nghe, tổng hợp các ý kiến của doanh nghiệp. Trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh thời gian qua, niềm tin của người dân và doanh nghiệp rất lớn, chúng ta lấy niềm tin đó là cơ sở vươn lên mạnh mẽ. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đặt vấn đề sẽ phải tái cơ cấu lại như thế nào thời gian tới”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Văn phòng Chính phủ đã tiến hành tổng hợp ý kiến của doanh nghiệp qua nhiều kênh khác nhau. Đồng thời, liên tục theo dõi công luận, các ý kiến phản hồi để trả lời, giải thích, tham mưu xử lý. “Mục tiêu là làm sao để chính sách đi vào cuộc sống như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói không thể chấp nhận được “con virus trì trệ”", ông Dũng nhấn mạnh.

Tái khởi động chuẩn bị đón cơ hội kinh doanh mới

Báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch Đầu tư) cho thấy, những tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. “Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước có 37,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước, đáng chú ý là số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 22,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 33,6%”, Tổng cục Thống kê cho hay.

Bên cạnh đó, có gần 14 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 5,1 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; dịch vụ lưu trú và ăn uống; dịch vụ việc làm, du lịch…

Điều đáng mừng là trong tháng 4, cả nước còn có 3.810 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 11,3% so với tháng trước và tăng 40,4% so với cùng kỳ năm 2019. Tín hiệu này cho thấy, một bộ phận doanh nghiệp đang tái khởi động để chuẩn bị đón cơ hội kinh doanh mới khi dịch COVID-19 được kiểm soát.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Phạm Quang Vinh, sự bùng phát của dịch COVID-19 trên toàn cầu không chỉ tạo ra cuộc khủng hoảng y tế mà còn là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đối với kinh tế và thị trường lao động toàn cầu.

Tại Việt Nam, dịch COVID-19 đã gây tác động lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh và việc làm của  người lao động; đặc biệt, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ghi nhận mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua. Do vậy, ông Vinh cho rằng, để vượt qua giai đoạn khó khăn này, Chính phủ, doanh nghiệp và người lao động hơn bao giờ hết cần chung tay kiểm soát dịch bệnh đồng thời từng bước ổn định và phát triển kinh tế.

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thành lập thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa

Thành lập thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa

(Thanh tra) - Chiều 23/11, với 413/422 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Di sản văn hóa sửa đổi, trong đó có quy định về thành lập thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa.

Hương Giang

16:19 23/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm