Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tách bạch thẩm quyền thu hồi đất với thẩm quyền quyết định giá đất

Thứ sáu, 22/03/2013 - 14:12

(Thanh tra) - Đó là một trong những khuyến nghị được đưa ra tại hội thảo xem xét, bình luận báo cáo tổng hợp kết quả tham vấn ý kiến nhân dân và góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, do Viện Nghiên cứu Lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) phối hợp với Oxfam tổ chức sáng ngày 22/3.

Cần bảo đảm quyền của người nghèo và các nhóm yếu thế

Theo Viện Nghiên cứu Lập pháp, các cuộc tham vấn cộng đồng góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được thực hiện với 1.300 người là các nông dân nghèo, đại diện các nhóm yếu thế khác như người dân tộc thiểu số, phụ nữ…. tại 22 xã thuộc 11 huyện của 4 tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Quảng Bình và Long An.

Nội dung tham vấn xoay quanh các vấn đề chính được người dân quan tâm nhiều nhất gồm: Jệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chế độ sử dụng đất đối với đất nông nghiệp do nông dân sử dụng, quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ và chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, giao đất, quản lý đất đai của các nông, lâm trường; các quy định của pháp luật về định giá đất…

Kết quả tham vấn người dân cho thấy họ không được thông tin đầy đủ về các quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.

Cộng đồng dân tộc thiểu số thiếu cả đất ở, đất sản xuất và mất sinh kế dẫn đến thiếu đói, trong khi các nông, lâm trường quốc doanh chiếm giữ một diện tích đất lớn.

Về giá đất, các ý kiến được tham vấn đều cho rằng giá đất do Nhà nước quyết định thiếu thống nhất và không hợp lý, dẫn đến những thiệt hại nghiêm trọng cho người bị thu hồi đất. Việc duy trì cơ chế một cơ quan Nhà nước vừa có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất lại vừa có thẩm quyền quyết định giá đất là bất hợp lý, luôn chứa đựng nguy cơ tham nhũng và nguy cơ gây khiếu kiện của người dân rất cao.
 

Toàn cảnh hội thảo


Theo báo cáo tổng hợp kết quả tham vấn, quá trình thực hiện thu hồi đất thiếu minh bạch, người dân không biết gì về các nhà đầu tư được cơ quan giao đất, cho thuê đất cũng như không được biết về phương án bồi thường, hỗ trợ, về nơi ở mới, trong khi tái định cư có tác động rất lớn đến cuộc sống hiện tại của họ.

Điều khiến người dân bất bình nhất là việc được bồi thường, hỗ trợ rất ít nhưng nhà đầu tư lại được lợi rất lớn khi chuyển nhượng đất được giao cho người khác trên thị trường.

Thiết lập cơ chế trưng dụng, trưng mua và thỏa thuận quyền sử dụng đất

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, báo cáo đã đưa ra những khuyến nghị góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Đó là, cần xây dựng một cơ chế cụ thể, chi tiết để bảo đảm sự tham gia cũng như sự đồng thuận của người dân trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; người dân có quyền giảm sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các cơ quan Nhà nước.

Đất của nông, lâm trường quốc doanh hiện đang giao khoán cho các hộ gia đình, cá nhân ở địa phương cần chuyển về Nhà nước để giao đất trực tiếp cho các hộ gia đình, cá nhân đang nhận khoán của nông, lâm trường. Nếu nông, lâm trường quốc doanh sử dụng đất không đạt năng suất, sản lượng trung bình thì thu hồi và giao cho các hộ gia đình, cá nhân thiếu đất sản xuất ở địa phương.

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội, cho rằng, Nhà nước cần bảo đảm quỹ đất nông nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng ổn định, lâu dài và tách bạch rõ thẩm quyền thu hồi đất với thẩm quyền quyết định về giá đất.

PGS.TS Tuyến đưa ra khuyến nghị, việc định giá phải bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, có sự tham gia của người dân. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời và chính xác các thông tin về giá đất. Cơ quan định giá đất và phê duyệt giá đất cần phải độc lập với cơ quan ra quyết định về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Về việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, theo PGS.TS Tuyến, Dự thảo Luật Đất đai sửa đồi cần quy định rõ 3 cơ chế là: Cơ chế Nhà nước trưng dụng quyền sử dụng đất được áp dụng cho các dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích cộng đồng không gắn với lợi nhuận của nhà đầu tư; cơ chế Nhà nước trưng mua quyền sử dụng đất được áp dụng cho các dự án vì lợi ích cộng đồng có gắn với lợi nhuận của nhà đầu tư; cơ chế thỏa thuận trên cơ sở đồng thuận giữa nhà đầu tư và cộng đồng những người đang sử dụng đất được áp dụng đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với lợi nhuận của nhà đầu tư.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu tham dự bày tỏ sự đồng tình và đánh giá cao kết quả tham vấn ý kiến nhân dân vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Đại diện Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế cho rằng nếu xây dựng được 3 cơ chế liên quan đến việc thu hồi đất như khuyến nghị đưa ra thì sẽ bảo đảm sự minh bạch, giảm tình trạng khiến kiện, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai hiện nay.

Theo TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp, những phát hiện qua hoạt động tham vấn cộng đồng sẽ là căn cứ xác thực hơn, đưa ra những khuyến nghị tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi theo hướng cụ thể hơn, rõ ràng hơn nữa nhằm đáp ứng tốt hơn những yêu cầu của đời sống người dân, đặc biệt là nông dân nghèo cùng các nhóm yêu thế khác, đồng thời đóng góp cho sự phát triển của đất nước.


Bài, ảnh: Hồng Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm