Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ hai, 18/04/2022 - 11:18
(Thanh tra) - Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đề nghị giai đoạn hiện nay chưa nên đặt vấn đề quy định sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo hướng cho phép kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy. Ảnh: Đ.X
Sáng ngày 18/4, tiếp tục phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, dự luật bảo đảm tính thống nhất với các luật và điều ước quốc tế có liên quan, trong đó bổ sung 2 điều, sửa đổi 15 điều, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số cụm từ tại một số điều.
Một trong nhóm sửa đổi, bổ sung là về kiểm tra, kiểm soát tần số vô tuyến điện, xử lý nhiễu có hại, đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số, quỹ đạo vệ tinh và sử dụng tần số phục vụ mục đích quốc phòng an ninh.
Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, dự thảo luật bổ sung quy định cho phép cơ quan quản lý chuyên ngành, thanh tra chuyên ngành về tần số được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính.
Bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Thông tin Truyền thông và của tổ chức được cấp giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh trong việc kiểm tra các đăng ký tần số và quỹ đạo vệ tinh của nước ngoài có khả năng ảnh hưởng đến hệ thống vệ tinh của Việt Nam.
Dự thảo bổ sung quy định trường hợp cần thiết giao thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ quyết định việc sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh để kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội theo nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông.
Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến tán thành bổ sung chính sách sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo hướng cho phép kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội trong trường hợp cần thiết, nhưng có nhiều ý kiến đề nghị cần cân nhắc.
“Đây là chính sách mới so với quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện hiện hành”, ông Huy cho biết quan điểm của Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường.
Theo tờ trình và hồ sơ dự án luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thì chỉ nêu ra 4 chính sách.
“Chính sách “sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo hướng cho phép kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội trong trường hợp cần thiết” mới được Bộ Công an đề xuất bổ sung trong quá trình xây dựng luật. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Quốc phòng là không đồng ý với chính sách này”, ông Huy cho hay.
Cơ quan thẩm tra cho rằng, việc sử dụng tần số phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo hướng kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội phải được phân định rõ ràng theo các mục đích sử dụng khác nhau.
Nhưng sử dụng cùng một tần số, cùng một băng tần phân bổ với hai nhiệm vụ khác nhau là “không tách bạch rõ ràng về mục đích, khó kiểm tra, giám sát việc sử dụng ngân sách nhà nước dành cho từng loại nhiệm vụ và tài chính doanh nghiệp”.
“Việc sử dụng tần số, băng tần cho mục đích quốc phòng, an ninh được ưu tiên, bảo mật đặc biệt. Còn việc sử dụng tần số, băng tần cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội theo cơ chế công khai, minh bạch, cạnh tranh. Do đó, việc gộp sử dụng tần số, băng tần cho hai mục đích này là rất khó khăn, phức tạp trong việc thực hiện và có thể dẫn đến hệ quả không mong muốn”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường nói.
Từ nhiều lý do, Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đề nghị giai đoạn hiện nay chưa nên đặt vấn đề quy định sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo hướng cho phép kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội vào trong dự án luật.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu thừa nhận chính sách này “trong khi xây dựng cơ chế, chính sách chưa có nội dung cụ thể này”. Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng, chính sách là rất lớn, định hướng xây dựng dự thảo.
“Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho phép dù chính sách thông qua rồi nhưng quá trình xây dựng dự thảo nếu phát sinh nội dung mới, thì cơ quan chủ trì phải đánh giá tác động chính sách và không bắt buộc Bộ Tư pháp phải thẩm định lại chính sách. Trong hồ sơ, Bộ Thông tin Truyền thông đã có đánh giá tác động bổ sung về vấn đề liên quan đảm bảo an ninh quốc phòng”, Thứ trưởng Hiếu nêu ý kiến.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sau 2 ngày 13-14/12, Đại hội lần thứ VIII Hội Nhà báo thành phố bầu ra Ban Chấp hành gồm 9 đồng chí và bầu Nhà báo Nguyễn Anh Tú là Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2024-2029.
Kim Thành
19:37 14/12/2024(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.
Trần Kiên
19:34 14/12/2024Hương Giang
16:17 14/12/2024Trần Quý
14:00 14/12/2024Bùi Bình
19:37 13/12/2024Trung Hà
16:40 13/12/2024Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền