Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 22/03/2021 - 14:54
(Thanh tra) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân giao Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia xin ý kiến các cơ quan có liên quan để hướng dẫn chi tiết việc công bố bản kê khai tài sản của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp bảo đảm đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, công tác tổ chức bầu cử trong phạm vi cả nước đã và đang được triển khai đúng pháp luật, bảo đảm tiến độ đề ra, chưa phát sinh vấn đề ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Ảnh: Đ.X
Ngày 22/3, Hội đồng Bầu cử quốc gia họp phiên thứ tư dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân.
Đấu tranh với thế lực thù địch chống phá cuộc bầu cử
Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, công tác chuẩn bị nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã được tiến hành thận trọng, bảo đảm đúng quy trình lựa chọn, giới thiệu người ứng cử.
“Quá trình hiệp thương đã cân đối hợp lý cơ cấu, kết hợp cơ cấu định hướng thành phần đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, chú ý thành phần đại biểu là nữ, trẻ tuổi, ngoài Đảng, dân tộc thiểu số, có trình độ chuyên môn cao và đại diện cho các thành phần xã hội”, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.
Công tác chuẩn bị để bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho cuộc bầu cử đã được triển khai nghiêm túc, đồng bộ.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, lực lượng Công an đã thực hiện các kế hoạch, chương trình đề ra, không để xảy ra bất ngờ trong mọi tình huống, kể cả vùng biên giới, hải đảo, các vùng trọng điểm về an ninh trật tự. Đồng thời, đấu tranh với các thế lực thù địch, phản động, đưa các thông tin không chính xác để chống phá cuộc bầu cử.
Hiện lực lượng Công an đang nắm bắt tình hình và chưa có khó khăn gì. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị, Bộ Y tế có các phương án, kịch bản xử lý trong bối cảnh dịch bệnh COVID -19.
Chung quan điểm, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính lưu ý, cần có các kịch bản trong thời gian bầu cử phát sinh tình hình dịch COVID -19. Theo đó, cần phát hiện sớm, khoanh vùng, xử lý tích cực, hiệu quả. Các cơ quan chức năng cũng phải dùng nhiều biện pháp để quyết liệt đấu tranh với các thông tin sai trái, xuất hiện trên mạng xã hội của các thế lực thù địch, phản động về bầu cử.
Đừng để hội nghị hiệp thương là hình thức
Theo kế hoạch, tới đây, sẽ tiến hành Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn để ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp.
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, để Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 thành công cần hết sức cẩn thận, tỉ mỉ trong việc lập biểu bảng danh sách, tránh nhầm lẫn tên tuổi, chức vụ, trình độ, quá trình công tác. Đồng thời, cung cấp thông tin tương đối đầy đủ để cho đại biểu dự họp theo quy định của pháp luật.
“Làm sao đừng để hội nghị hiệp thương của Đoàn Chủ tịch, của Mặt trận là hình thức. Đây là vấn đề đặt ra để chúng ta phát huy thực sự dân chủ”, ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Theo ông Trần Thanh Mẫn, dự kiến Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 ở Trung ương diễn ra trong 1 ngày. Ông đề nghị, các cơ quan chuyên môn của Quốc hội phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam để tổ chức tốt.
“Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai trong buổi sáng đã có 26 lượt ý kiến phát biểu. Nói chung các vị trong Đoàn Chủ tịch hết sức trách nhiệm và muốn đóng góp để làm sao cuộc bầu cử diễn ra thành công, tốt đẹp, chất lượng của đại biểu Quốc hội được nâng lên”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nói.
Hiện số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến công tác bầu cử chưa nhiều. Chủ tịch MTTQ Việt Nam lưu ý, sau Hội nghị Hiệp thương lần thứ 3 mới tiếp tục có đơn thư gửi đến Hội đồng Bầu cử các cấp để xem xét. Mặt trận sẽ triển khai các đoàn kiểm tra, giám sát công tác bầu cử tại địa phương.
Thống nhất nguyên tắc phân bổ người ứng cử đại biểu Quốc hội
Tại phiên họp, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã thảo luận và quyết định thông qua: Nghị quyết hướng dẫn xử lý trường hợp khuyết người ứng cử đại biểu HĐND vì lý do bất khả kháng; Nghị quyết nguyên tắc phân bổ người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV ở Trung ương về ứng cử tại địa phương.
Các thành viên Hội đồng Bầu cử quốc gia cũng thống nhất thời gian tới sẽ tập trung phối hợp với các cơ quan hữu quan triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như: Tổ chức tốt việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử; công bố danh sách chính thức những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử đúng thời hạn quy định; rà soát danh sách cử tri; niêm yết danh sách những người ứng cử; tổ chức để người ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc cử tri thực hiện vận động bầu cử, báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động nếu trúng cử….
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, công tác tổ chức bầu cử trong phạm vi cả nước đã và đang được triển khai đúng pháp luật, bảo đảm tiến độ đề ra, chưa phát sinh vấn đề ảnh hưởng đến cuộc bầu cử.
Đề cập đến các nhiệm vụ tiếp tục triển khai trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần quan tâm xây dựng kịch bản về phòng, chống dịch bệnh COVID -19, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho người dân thực hiện quyền bầu cử, kể cả những người thuộc đối tượng phải cách ly.
Cùng với đó, có “đối sách” phòng, chống các hoạt động xuyên tạc, phá hoại bầu cử, gây rối an ninh trật tự; quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời, công khai, minh bạch.
Chủ tịch Quốc hội giao Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia xin ý kiến các cơ quan có liên quan để hướng dẫn chi tiết việc công bố bản kê khai tài sản của ứng cử viên bảo đảm đúng quy định.
“Việc hướng dẫn công khai bản kê khai tài sản như thế nào phải hướng dẫn cho kỹ, nếu không sẽ vi phạm Hiến pháp về quyền tài sản của mỗi cá nhân”, bà Ngân lưu ý.
Chủ tịch Quốc hội đề nghi, sau phiên họp này, các cơ quan của Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan tích cực, chủ động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. “Việc nào cần hướng dẫn thì phải hướng dẫn sớm để thống nhất thực hiện”, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia nói thêm.
76 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội
Tính đến ngày 19/3/2021, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp đã tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội và ứng cử đại biểu HĐND các cấp.
Theo đó, tổng số người ứng cử đại biểu Quốc hội là 1.084 người, trong đó có 205 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu, 803 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương giới thiệu, 76 người tự ứng cử, đạt tỷ lệ bình quân 2,17 lần so với tổng số đại biểu Quốc hội được bầu.
Về bầu cử đại biểu HĐND, Ủy ban bầu cử các tỉnh, TP đã nhận được 7.495 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, trong đó, có 7.448 hồ sơ của người ứng cử được các cơ quan nhà nước, tổ chức giới thiệu và 47 hồ sơ tự ứng cử.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Từ 1/12/2024, tỉnh Bắc Ninh giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã, Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu, phải có phương án sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí và không để tham ô, tham nhũng, trục lợi cá nhân đối với trụ sở công, tài sản công dôi dư.
(Thanh tra) - Sáng 22/11, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã chủ trì Lễ công bố quyết định về công tác cán bộ.
Vũ Linh
14:58 22/11/2024Hương Giang
11:45 22/11/2024Hương Giang
10:49 22/11/2024Hương Giang
09:25 22/11/2024Hương Giang
17:00 21/11/2024T.Thanh
Vũ Linh
Bài và ảnh: Nguyễn Nhị
PV
Chu Tuấn - Quang Dân
Nhật Minh
N. Phê - L. Bình
Trần Quý
Thái Hải
Văn Thanh