Theo dõi Báo Thanh tra trên
Phương Anh
Thứ ba, 19/05/2020 - 16:09
(Thanh tra) - Ngày 19/5, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chủ trì hội nghị trực tuyến công bố chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và chỉ số hài lòng (SIPAS) năm 2019.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: PA
Hơn 84% người dân, tổ chức hài lòng về sự phục vụ
Năm 2019 là năm thứ 8 liên tiếp Bộ Nội vụ thực hiện công bố chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và là năm thứ 3 liên tiếp công bố chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước trên toàn quốc.
Theo Bộ Nội vụ, chỉ số SIPAS 2019 tiếp tục mang đến một bức tranh toàn diện, chi tiết về chất lượng cung ứng dịch vụ công thông qua ý kiến phản hồi về cảm nhận, mức độ hài lòng và sự mong đợi của người dân, tổ chức đối với việc cung ứng dịch vụ công, sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.
Kết quả đo lường năm 2019 cho thấy, hơn 84% người dân, tổ chức hài lòng về sự phục vụ nói chung của cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương, tăng gần 1,5% so với năm 2018.
Tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng về tiếp cận dịch vụ là 86,48%, về thủ tục hành chính là 86,54%, về công chức là 85,62%, về kết quả dịch vụ là 88,56% và về việc tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức là 73,66%.
Chỉ số SIPAS 2019 cũng nêu rõ, tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng về các yếu tố của quá trình cung ứng và kết quả dịch vụ công có sự tăng, giảm khác nhau, trong đó tiếp cận dịch vụ có số người dân, tổ chức hài lòng tăng nhiều nhất và tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị giảm nhiều nhất qua 3 năm.
Người dân, tổ chức hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước thuộc 3 cấp và 16 lĩnh vực dịch vụ ở các mức khác nhau. Trong 3 cấp hành chính, cấp huyện nhận được mức hài lòng cao nhất (85,53%), cấp tỉnh thấp nhất (83,35%); trong số 16 lĩnh vực dịch vụ, lĩnh vực giao thông, vận tải nhận được mức hài lòng cao nhất (88,45%) và lĩnh vực đất đai, môi trường thấp nhất (79,06%).
Trong khi đó, các chỉ số phản ánh cảm nhận của người dân, tổ chức về việc phải đi lại nhiều lần để giải quyết công việc, bị trễ hẹn, bị phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực đều ở mức thấp và có xu hướng giảm dần qua các năm kể từ năm 2017.
Tuy nhiên, chỉ số SIPAS 2019 cũng cho thấy, 63/63 tỉnh, thành để xảy ra tình trạng người dân, tổ chức đi lại nhiều lần, 62/63 tỉnh, thành xảy ra trễ hẹn trả kết quả dịch vụ; 62 tỉnh, thành trễ hẹn đều thực hiện không nghiêm quy định về thông báo, xin lỗi về việc trễ hẹn đối với người dân, tổ chức, trong đó có 1 tỉnh không thực hiện bất kỳ thông báo nào và 6 tỉnh không thực hiện bất kỳ xin lỗi nào; 62/63 tỉnh, thành có công chức gây phiền hà, sách nhiễu; 46/63 tỉnh, thành có công chức gợi ý người dân, tổ chức nộp thêm tiền ngoài phí/lệ phí.
Mặc dù các chỉ số phản ánh việc người dân, tổ chức tiếp cận thông tin về dịch vụ, quy định thủ tục hành chính, việc người dân, tổ chức nhận được thông báo, xin lỗi về sự trễ hẹn trả kết quả dịch vụ từ cơ quan có thẩm quyền... trong năm 2019 có tăng so với 2018, 2017, tuy nhiên vẫn ở mức thấp.
Theo báo cáo SIPAS 2019, 3 nội dung mà người dân, tổ chức mong đợi cơ quan hành chính Nhà nước cải thiện nhiều nhất là mở rộng các hình thức thông tin tiếp cận dịch vụ công (62,50% số người được hỏi); tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính (44% số người được hỏi) và rút ngắn thời gian cung ứng dịch vụ công (43,27%).
Thủ tục hành chính nhận được mức độ hài lòng cao thứ 2 trong 5 yếu tố được đánh giá. Tuy vậy, yếu tố này lại được người dân, tổ chức mong đợi cải thiện nhiều nhất năm 2017.
Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ biểu dương sự nỗ lực của các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trong triển khai xác định chỉ số PAR INDEX và SIPAS năm 2019.
“Kết quả 2 chỉ số năm 2019 cho thấy, công tác cải cách hành chính đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm với nhiều nghị quyết, chỉ thị về cải cách hành chính đã được ban hành, chỉ đạo quyết liệt, các bộ, ngành, địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đã chỉ động tham mưu cho Chính phủ triển khai nhiều giải pháp, mô hình cải cách hành chính mới và sáng tạo để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, góp phần to lớn vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong triển khai công tác cải cách hành chính, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ rõ, hiện vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém trong công tác này cần khắc phục ngay.
Một số bộ, ngành, địa phương chưa coi công tác cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, lãnh đạo chưa thể hiện vai trò trách nhiệm đúng mực trong thúc đẩy cải cách.
Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết vẫn tồn tại nhiều năm chưa giải quyết dứt điểm; cải cách thủ tục hành chính cũng còn nhiều tồn tại trong thực hiện các nội dung công bố, công khai thủ tục hành chính và công khai kết quả giải quyết hồ sơ hành chính; một số nơi chưa thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về tổ chức bộ máy…
Thời gian tới, cùng với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả các lĩnh vực, nội dung cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công, phục vụ người dân, tổ chức của các cơ cơ quan hành chính Nhà nước các cấp.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử theo hướng thực chất, hiệu quả hơn; tổ chức vận hành cổng dịch vụ công các cấp và Cổng Dịch vụ công quốc gia thiết thực, phù hợp với người dân, tổ chức ở địa phương.
Chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá, xử lý nghiêm túc, kịp thời việc xây dựng, quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu về thủ tục hành chính và dịch vụ công tại các cấp chính quyền địa phương để đảm bảo dữ liệu được cập nhật kịp thời, đúng quy định và có thông tin đầy đủ, chính xác.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý các bộ, ngành, địa phương tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đặc biệt, tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện nghiêm Kết luận số 71-KL/TW của Ban Bí thư về xử lý sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức.
“Sau hội nghị này, các bộ, ngành, địa phương bắt tay ngay vào triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của năm 2020 tạo tiền đề và sức bật cho một giai đoạn phát triển mới của đất nước”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sau 2 ngày 13-14/12, Đại hội lần thứ VIII Hội Nhà báo thành phố bầu ra Ban Chấp hành gồm 9 đồng chí và bầu Nhà báo Nguyễn Anh Tú là Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2024-2029.
Kim Thành
19:37 14/12/2024(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.
Trần Kiên
19:34 14/12/2024Hương Giang
16:17 14/12/2024Trần Quý
14:00 14/12/2024Bùi Bình
19:37 13/12/2024Trung Hà
16:40 13/12/2024Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền