Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sẽ trình Quốc hội 2 phương án về Quỹ Bình ổn giá

Thứ năm, 15/12/2011 - 23:17

(Thanh tra)- Ngày 15/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về hai dự án Luật Giá; Luật Lao động (sửa đổi).

Về Dự án Luật Giá, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, qua thảo luận tại kỳ họp Quốc hội (QH) vừa qua, hầu hết các vấn đề được thống nhất như tính cụ thể của Dự thảo luật; về phạm vi điều chỉnh và tên gọi; về hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá; về hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá và về phạm vi thẩm định giá của Nhà nước. Tuy nhiên, có hai vấn đề còn ý kiến khác nhau đó là: Quỹ bình ổn giá và thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp bình ổn.

Tiếp thu ý kiến của Đại biểu QH về Quỹ bình ổn giá (khoản 3 Điều 17), Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) đã đưa ra hai phương án.

Phương án 1:
Quỹ Bình ổn giá là quỹ được hình thành nhằm mục tiêu hỗ trợ cho việc bình ổn giá trong trường hợp cần thiết. Quỹ được hình thành trên cơ sở các nguồn lực tài chính khác nhau, trong đó  có trường hợp hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách Nhà nước; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng bảo đảm chỉ sử sụng quỹ trong trường hợp cần thiết.

Phương án 2:
Việc hình thành Quỹ Bình ổn giá là cần thiết nhằm tạo nguồn lực tài chính cho việc chủ động xử lý đối với những trường hợp giá cả biến động bất thường. Trên thực tế hiện nay mới chỉ thực hiện mô hình Quỹ bình ổn giá xăng dầu, nguồn trích từ xăng dầu. Còn trong những trường hợp giá cả có biến động bất thường, một số địa phương trích từ ngân sách dự phòng để bình ổn giá thông qua nhiều hình thức khác nhau. Việc yêu cầu các doanh nghiệp trích lợi nhuận để lập quỹ cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Việc trích lập quỹ thông qua giá hàng hóa, dịch vụ cần cân nhắc thận trọng tránh làm tăng giá sản phẩm, tác động tiêu cực đến thị trường và người tiêu dùng.

Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu đặt vấn đề việc xây dựng Luật giá rất quan trọng, tuy nhiên việc đặt ra Quỹ Bình ổn giá sẽ theo hai khuynh hướng: Quay trở lại thời bao cấp hay theo xu thế thị trường? Bình ổn giá với mục tiêu là ổn định đời sống của người dân hay ổn định sản xuất trong cơ chế kinh tế thị trường. Do đó, nếu Nhà nước quy định giá thì cần cân nhắc, tính toán thật kỹ.

Phát biểu về vấn đề trên, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình với việc Uỷ ban TCNS khi đưa Bình ổn giá vào Luật để bảo đảm tính công khai minh bạch. Tuy nhiên, có một số mặt hàng đưa vào Luật cần phải được rà soát, xem xét lại như sản phẩm thuốc lá điếu sản xuất trong nước; xăng dầu thành phẩm; dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa; vận chuyển bẳng đường sắt có nên đưa vào danh mục Nhà nước định giá không? Hay như trong danh mục hàng hóa, dịch vụ thì cước vận chuyển hành khách bằng đường sắt loại ghế cứng có nên vào danh mục bình ổn giá?

Giải đáp băn khoăn về Quỹ bình ổn giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết: Khi nói Quỹ Bình ổn giá là phải nằm ngoài ngân sách, nếu như hình thành quỹ từ nguồn dự phòng ngân sách là không nên. Việc hình thành quỹ, có thể trích từ lợi nhuận chiết khấu của doanh nghiệp hoặc có nguồn tài trợ bù đắp chứ không nên dùng ngân sách (trường hợp có thiên tai địch họa - thì mới dùng nguồn ngân sách). Ban soạn thảo Dự án Luật Giá sẽ tiếp tục rà soát một số giá mặt hàng như giá điện, giá than có đưa vào bình ổn không… “Thị trường tôn trọng giá của doanh nghiệp. Trong dự luật chưa có quỹ bình ổn bù đắp giá, muốn thực hiện phải có lộ trình” Bộ trưởng Huệ cho biết.

Thảo luận về nội dung này, Uỷ ban Thường vụ QH cơ bản thống nhất về nguyên tắc báo cáo của Ủy ban TCNS. Đồng thời, đề nghị trình ra Quốc hội cả 2 phương án về Quỹ bình ổn giá để xin ý kiến.

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH đã thảo luận về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau như tiền lương và mức lương tối thiểu, hợp đồng lao động, thời giờ làm thêm, thỏa ước lao động tập thể, tuổi nghỉ hưu, thời gian nghỉ thai sản…của Dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Trong đó, việc giải quyết tranh chấp lao động và cơ chế giải quyết tranh chấp lao động tập thể được các đại biểu đặc biệt quan tâm.

Qua tiếp thu, chỉnh lý trên cơ sở những ý kiến của đại biểu QH kỳ họp vừa qua cho rằng, việc sửa đổi các quy định liên quan đến giải quyết tranh chấp lao động và đình công trong dự án Bộ Luật chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, tính khả thi không cao. Theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, dự thảo Bô luật cần bổ sung thêm một số nội dung như: Chỉ quy định cho phép đình công về lợi ích và khẳng định vai trò đại diện cho người lao động; bổ sung cơ chế trung gian hòa giải (chuyên nghiệp) thay cho Hội đồng hòa giải cơ sở và hòa giải viên lao động và giảm thiểu cơ chế can thiệp hành chính trong giải quyết tranh chấp. Đối với nơi nào chưa có tổ chức công đoàn, chưa ký kết thỏa ước lao động tập thể thì ngoài việc thực hiện các tiêu chuẩn lao động theo pháp luật cần khuyến khích doanh nghiệp lựa chon các thỏa ước lao động tập thể tiến bộ có sẵn hoặc thỏa ước lao động tập thể ngành để thực hiện và Công đoàn cấp trên có vai trò hỗ trợ cho tập thể người lao động trong giải quyết tranh chấp lao động.

Ánh Tuyết

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm