Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quốc hội khai mạc kỳ họp 6, lấy phiếu tín nhiệm, chất vấn thành viên Chính phủ thực hiện lời hứa

Hương Giang

Thứ hai, 23/10/2023 - 06:00

(Thanh tra) - Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc sáng 23/10. Với 22 ngày làm việc, Quốc hội sẽ bàn và quyết nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, từ xem xét thông qua Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), lấy phiếu tín nhiệm, cải cách tiền lương đến chất vấn thực hiện lời hứa của thành viên Chính phủ.

Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết tại phiên bế mạc kỳ họp 5. Ảnh: P.Thắng

Kỳ họp 6 được tiến hành theo 2 đợt. Đợt 1 diễn ra từ ngày 23/10 đến ngày 10/11/2023. Đợt 2 diễn ra từ ngày 20 đến hết ngày 28/11/2023.

Trước khi họp phiên khai mạc, 7 giờ 15 phút, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau phiên họp trù bị, Quốc hội chính thức khai mạc kỳ họp 6 vào lúc 9 giờ sáng cùng ngày. Phiên khai mạc được Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1), Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Lấy phiếu tín nhiệm 44 lãnh đạo

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho hay, đây là kỳ họp đánh dấu mốc giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong đánh giá việc thực hiện các kế hoạch 5 năm, cũng như hằng năm.

“Kỳ họp có khối lượng công việc lớn, xem xét, quyết định những nội dung quan trọng về xây dựng pháp luật, giám sát, cũng như quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước”, ông Cường nói.

Một trong những nội dung quan trọng là Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh thông tin, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm 44/49 chức danh.

Có 5 trường hợp sẽ không lấy phiếu tín nhiệm lần này do mới được Quốc hội bầu, phê chuẩn trong năm 2023, gồm: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, 2 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh.

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn nhận định, lấy phiếu tín nhiệm là một kênh giám sát quan trọng của Quốc hội.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách với cán bộ, theo ông Sơn.

Đặc biệt, Quốc hội sẽ chất vấn các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trong thực hiện lời hứa.

“Quốc hội sẽ tập trung xem xét việc thực hiện các cam kết của các bộ trưởng, trưởng ngành, cũng như việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay. Do vậy, nội dung chất vấn rất rộng, bao quát nhiều vấn đề, khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội”, ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh.

Lương mới không thấp hơn mức lương hiện hưởng

Cũng tại kỳ họp 6, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách; xem xét các báo cáo công tác tư pháp, các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2023…

Khi bàn về kinh tế - xã hội, ngân sách, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về lộ trình thực hiện cải cách tiền lương.

Liên quan đến vấn đề này, trong buổi họp báo thông tin về kỳ họp, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Xã hội Đinh Ngọc Quý cho hay, sau 2024, tức từ 2025 thực hiện tăng có lộ trình 5-7% lộ trình tăng lương đảm bảo mức lương phù hợp tiệm cận khu vực 1 của tư nhân.

Trước đó, tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng trước kỳ họp 6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cải cách tiền lương là vấn đề đại sự của đất nước, là việc không thể không làm.

Theo ông Vương Đình Huệ, với việc thực hiện nhiều giải pháp “thắt lưng buộc bụng”, tiết kiệm 10% chi thường xuyên từ nguồn tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế… đến nay đã tiết kiệm được 500.000 tỷ đồng để chuẩn bị cải cách tiền lương trong các năm 2024 - 2026.

“Tinh thần cải cách chính sách tiền lương theo nguyên tắc mức lương mới không thấp hơn mức lương hiện hưởng”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cải cách tiền lương không đơn thuần chỉ tăng lương, mà gắn với nâng cao chất lượng và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức. Do đó, yêu cầu đặt ra phải rà soát, sắp xếp lại cán bộ công chức cẩn trọng. Những người làm việc nửa vời, cầm chừng, đùn đẩy né tránh cần phải có biện pháp xử lý. Những người trình độ, năng lực yếu kém cũng cần phải kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy.

Xem xét thông qua 9 luật, 1 nghị quyết

Với công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật, trong đó có Dự án Luật Đất đai sửa đổi.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được đặc biệt quan tâm, Quốc hội đã cho ý kiến tại 2 kỳ họp trước đó (kỳ họp 4, kỳ họp 5).  Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, Dự thảo Luật Đất đai sửa có 16 chương và 265 điều (bỏ 4 điều, bổ sung 6 điều so với dự thảo luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5).

8 dự án luật khác sẽ được xem xét thông qua gồm: Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 8 dự án luật, gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm