Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ sáu, 22/10/2021 - 15:37
(Thanh tra) - Ngày 22/10, sau khi nghe Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế ở hội trường, Quốc hội về tổ thảo luận nội dung này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Đ.X
Trình bày dự thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, các cơ chế, chính sách của 4 địa phương trình Quốc hội đều được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng đảm bảo tương quan với các cơ chế, chính sách mà Quốc hội đã cho áp dụng tại 3 TP lớn: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Cơ chế đặc thù nhằm phát huy được tiềm năng, thế mạnh, có tác động lan tỏa vùng miền nhưng cũng phù hợp khả năng cân đối ngân sách, tăng phân cấp phân quyền, tính tự chủ.
Phân cấp phải gắn với trách nhiệm
4 tỉnh, thành sẽ được hưởng cơ chế về chính sách dư nợ vay. Trong đó, tỉnh Thừa Thiên Huế, Nghệ An được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; còn Hải Phòng, Thanh Hóa được vay không vượt quá 60%.
Các tỉnh, thành được thực hiện thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí và ngân sách sẽ được hưởng 100% số thu tăng thêm. Đơn cử, với Thừa Thiên Huế, phí tham quan di tích sẽ được thu đầy đủ vào ngân sách Nhà nước nhưng địa phương sẽ được bố trí đầu tư tương ứng số thu phí này để thực hiện đầu tư trùng tu di tích lịch sử - văn hóa.
Đáng chú ý, dự thảo nghị quyết cho phép TP Hải Phòng và 2 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An hưởng cơ chế về quản lý đất đai, quản lý sử dụng rừng như chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ trên cơ sở lấy ý kiến người dân.
Cụ thể, HĐND tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Nghệ An được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng với quy mô dưới 50 ha; rừng sản xuất dưới 1.000 ha.
Còn TP Hải Phòng được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha.
Cơ bản đồng tình việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các đia phương trên, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường, cho hay, cơ quan thẩm tra lưu ý cần cân nhắc nâng mức trần tổng dư nợ vay, bởi hiện nay các địa phương trên chưa vay được hết mức trần theo quy định.
Đặc biệt, về phân cấp quản lý đất đai, cơ quan thẩm tra đề nghị việc chuyển đổi phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, mang lại hiệu quả thiết thực, không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội, môi trường và phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, ổn định đời sống người dân.
“Việc phân cấp phải gắn với trách nhiệm cụ thể của các cá nhân, tổ chức, trách nhiệm của người phân cấp và được phân cấp để đảm bảo công khai, minh bạch, tránh tiêu cực, thất thoát, lãng phí”, ông Cường nhấn mạnh.
Cần cơ chế tăng thu nhập để thu hút người tài
Phát biểu ý kiến tại tổ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, cơ chế chính sách đặc thù phải thực sự cố gắng đổi mới tư duy, năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm mới gọi là đột phá.
“Đột phá mà cái gì cũng chờ Trung ương, đợi Trung ương thì khó. Đột phá chủ động nhưng phải trong khuôn khổ của pháp luật”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Ông Trần Thanh Mẫn nhắc đến việc vừa qua một số địa phương làm không đúng, có những sai phạm liên quan đến dự án, đất đai nên đã có hàng loạt cán bộ thuộc diện Trung ương và tỉnh quản lý bị xử lý kỷ luật.
Vì vậy, phải làm sao tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; tăng cường giám sát của Quốc hội, HĐND, Mặt trận và các tổ chức chính trị, xã hội.
Ủng hộ cơ chế đặc thù về quản lý đất đai, những đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) băn khoăn về tác động của chính sách này trong thời gian dài chứ không chỉ trong 5 năm thí điểm.
Theo ông, dự thảo nêu chuyển đổi sử dụng đất, nhưng mới nhìn ở góc độ thủ tục hành chính, còn tác động đến môi trường, môi sinh ra sao thì chưa có đánh giá.
“Việc chuyển đổi đất rừng sau này không thực hiện nữa thì kết quả và hiệu quả sử dụng đất thế nào. Bởi đây là những tỉnh có đất rừng lớn, không chỉ quốc phòng an ninh mà là môi trường sống hàng triệu đồng bào”, đại biểu Long đặt vấn đề.
Trong khi đó, đại biểu Đồng Ngọc Ba (Bình Định) nhấn mạnh, quan trọng là làm sao từng địa phương có cơ chế tốt để đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh, giảm bớt được thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh.
Ông Ba cho rằng, cần quan tâm đến bộ máy, có cơ chế tăng thu nhập để thu hút người tài vì đó mới là dư địa bền vững và có thể nhân rộng cho cả nước.
Giải thích vì sao 4 tỉnh, thành cần thí điểm cơ chế đặc thù
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Hải Phòng là một trong tam giác phát triển phía bắc gồm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, một trong những cực tăng trưởng phía Bắc.
Thời gian gần đây, Hải Phòng phát triển bứt phá mạnh mẽ cả về tăng trưởng GDP, thu ngân sách, kết cấu hạ tầng, nông thôn mới như 9 tháng đầu năm nay mặc dù cả nước tăng trưởng thấp nhưng Hải Phòng vẫn tăng trưởng 12,23%.
“Hải Phòng phấn đấu là một trong những TP hoàn thành sớm nhất mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành đô thị có tầm cỡ, vị trí trong khu vực”, Chủ tịch Quốc hội cho hay.
Đối với tỉnh Thừa Thiên - Huế, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Bộ Chính trị có quyết sách mới xây dựng tỉnh này thành TP di sản trực thuộc Trung ương.
TP di sản với cốt lõi là Cố đô Huế nên tiêu chí về dân số không nhất thiết giống như các TP trực thuộc Trung ương khác. Vì vậy, phải có cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ cho sự phát triển của TP di sản.
Với Thanh Hóa, Chủ tịch Quốc hội kể lại: “Bác Hồ vào thăm nơi đây nhiều lần, đều nói “đất rộng, người rộng, người đông, của cải nhiều, chỉ thiếu sự sắp đặt và thu xếp”. Cụ nói điều này từ năm 1951 trên đường đi xuống Sầm Sơn”.
Do đó, Thanh Hóa phấn đấu trở thành một trong tứ giác phát triển phía Bắc gồm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa. Bên cạnh đó, có khu động lực kinh tế là Nghi Sơn, nhưng miền Tây Thanh Hóa rất khó khăn.
Tương tự Thanh Hóa, diện tích của Nghệ An lớn nhất, dân số đứng thứ 4 cả nước. Vì vậy, việc xây dựng cơ chế đặc thù cho 4 địa phương này là để có lực phát triển mới hơn.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Minh Tân
17:29 22/11/2024(Thanh tra) - Ông Nguyễn Việt Phương, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì được điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Hải Hà
17:28 22/11/2024Hương Giang
17:27 22/11/2024Vũ Linh
14:58 22/11/2024Hương Giang
11:45 22/11/2024Thái Hải
Trần Trung
Lê Hữu Chính
Minh Tân
Hải Hà
Hương Giang
Nguyễn Điểm
Lâm Ánh
Phương Anh
Hoàng Nam
Thu Huyền