Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ tư, 03/04/2024 - 09:51
(Thanh tra) - Nhận định khó khăn, thách thức còn rất lớn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, áp lực lạm phát, tỷ giá là vấn đề cần quan tâm; trong khi quản lý thị trường vàng còn bất cập, hệ thống ngân hàng vẫn tiềm ẩn rủi ro.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương. Ảnh: N.Bắc
Sáng 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.
Trong phát biểu khai mạc, Thủ tướng đề nghị tập trung đánh giá tình hình tháng 3 và quý I có gì mới nổi lên; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và chính quyền địa phương; những kết quả đạt được.
Từ đó, nhận định tình hình tháng 4 và quý II; đề ra nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả.
Nhiều doanh nghiệp lớn cam kết đầu tư ngành bán dẫn vào Việt Nam
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2024, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tăng trưởng kinh tế, sản xuất kinh doanh tiếp tục phục hồi đồng đều ở cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
Các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá Việt Nam là điểm sáng trong bản đồ tự do kinh tế toàn cầu; cùng với Indonesia, Singapore là “tam giác vàng” khởi nghiệp của ASEAN.
Việt Nam cũng tăng 8 bậc từ vị trí 115 lên 107 trong bảng xếp hạng chỉ số phát triển con người của UNDP.
Báo cáo cho thấy, tăng trưởng GDP quý I ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, vượt kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ (5,2-5,6%), là mức tăng cao nhất trong quý I kể từ năm 2020 đến nay.
Một số địa phương tăng trưởng quý I cao như Bắc Giang (14,2%), Thanh Hóa (13,2%), Trà Vinh (13,9%), Khánh Hòa (12,4%), Quảng Ninh (8,9%), TPHCM (6,54%), Hải Phòng (9,3%), Hà Nội (5,5%)…
Trong những tháng đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký đạt gần 6,2 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó vốn FDI đăng ký mới đạt 4,8 tỷ USD, tăng 57,9% (2 tháng tăng 55,2%); vốn thực hiện đạt 4,6 tỷ USD, tăng 7,1%.
Nhiều doanh nghiệp lớn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trong các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo…
“Kết quả này là nhờ chúng ta đã nắm bắt, phản ứng kịp thời cơ hội từ xu thế đầu tư toàn cầu, những thuận lợi, thời cơ, vị thế mới của Việt Nam để tập trung xúc tiến đầu tư, nhất là thông qua hoạt động đối ngoại cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước”, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.
Về giải ngân vốn đầu tư công, ông Dũng cho biết quý I đạt 13,67% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (10,35%), số tuyệt đối cao hơn 16.500 tỷ đồng, đã đưa được lượng vốn lớn ra nền kinh tế để hỗ trợ cho tăng trưởng và phát triển.
Các doanh nghiệp, ngân hàng yếu kém, ngân hàng “0 đồng”, dự án chậm tiến độ tiếp tục được tập trung xử lý. Việc xử lý các Dự án Công ty TNHH Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), Dự án Gang thép Thái Nguyên (TISCO2), Gang thép Lào Cai (VTM) tiếp tục có chuyển biến.
Báo cáo cũng thấy, các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai, bảo đảm tiến độ công việc để thực hiện chính sách cải cách tiền lương từ ngày 01/07/2024.
Nhiều địa phương như TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định... đã tích cực, quyết liệt triển khai sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu
Chỉ ra khó khăn, thách thức, theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức.
Sản xuất công nghiệp phục hồi còn chậm. Sản xuất nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long gặp nhiều khó khăn do hạn mặn tăng cao và có thể tiếp tục kéo dài.
Trước tình hình nắng nóng, hạn hán, thiếu nước dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro đến sản xuất nông nghiệp, phòng chống cháy rừng, sản xuất điện, cân đối nguồn điện trong nước, ông Dũng cho rằng, “cần chủ động, sẵn sàng ứng phó kịp thời”.
Cũng trong những tháng đầu năm, tốc độ tăng cầu tiêu dùng trong nước thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và các năm trước dịch 2011-2019. “Sức mua giảm, người dân thắt chặt chi tiêu, cho thấy tâm lý thận trọng, chi tiêu tiết kiệm của doanh nghiệp, người dân trước những khó khăn của nền kinh tế hiện nay”, theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trong khi, một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính vẫn chậm được sửa đổi, còn phiền hà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Khó khăn, thách thức nữa là áp lực lạm phát, tỷ giá là vấn đề cần quan tâm; thị trường tài chính, tiền tệ, hệ thống ngân hàng còn tiềm ẩn rủi ro.
Vẫn theo báo cáo, quản lý thị trường vàng còn bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn khi đến ngày 1/4, chênh lệch giá giữa hai thị trường là khoảng 12,7 triệu đồng/lượng.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 1 là 4,79% (cuối năm 2022 là 2,03%, năm 2023 là 4,55%), làm tăng chi phí của hệ thống ngân hàng, ảnh hưởng đến khả năng giảm lãi suất cho vay, sức chống chịu trước các thách thức trên thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu và có thể tiềm ẩn rủi ro đến an toàn hệ thống.
Nhiều dự án cao tốc, đường giao thông trọng điểm, nhất là tại Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực phía Nam bị thiếu cát san lấp nền, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án. Việc cấp phép các mỏ cát mới, nâng công suất các mỏ cát đang khai thác còn chậm, gặp nhiều vướng mắc.
“Khó khăn, thách thức còn rất lớn, có những yếu tố mới đặt ra từ cả bên trong và bên ngoài nền kinh tế, tạo sức ép lên ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, tỷ giá, các cân đối lớn và công tác quản lý, điều hành thúc đẩy tăng trưởng thời gian tới”, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.
Vì thế, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện nhất quán, kiên mục tiêu, quan điểm, định hướng phát triển đã đề ra; nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để triển khai hiệu quả công việc được giao.
Cập nhật kịch bản tăng trưởng 2024
Cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết có 2 kịch bản được đưa ra.
Kịch bản 1: Tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến đạt 6% (cận dưới mục tiêu Quốc hội quyết nghị), 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,12%. Trong đó, tăng trưởng quý II là 5,85%, quý III và IV lần lượt là 6,22% và 6,28%, đạt mức cận dưới hoặc thấp hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ.
Kịch bản 2: Tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5% (cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị), 09 tháng cuối năm tăng khoảng 6,75%. Trong đó, tăng trưởng quý II là 6,32%, quý III và quý IV lần lượt là 6,79% và 7,08%. Tăng trưởng các quý cao hơn khoảng 0,1% so với cận trên kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lựa chọn kịch bản 2. Trong điều kiện tình hình thế giới, trong nước chuyển biến thuận lợi hơn, tiếp tục nghiên cứu, triển khai các chính sách hỗ trợ mới về tài khóa, tiền tệ... để phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Bùi Bình
19:37 13/12/2024(Thanh tra) - Ngày 13/12/2024, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức hội nghị tổng kết công tác quốc phòng địa phương, giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Trung Hà
16:40 13/12/2024T.Thanh
16:36 13/12/2024PV
16:33 13/12/2024Thu Huyền
16:03 13/12/2024Chính Bình
15:56 13/12/2024Nhóm PV
Văn Thanh
Ngọc Tuấn
Nhật Minh
Cao Sơn
Hương Trà
Lâm Ánh
Thu Huyền
Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình