Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ bảy, 29/05/2021 - 18:01
(Thanh tra) - Trước tình hình biến chủng virus lần này rất nguy hiểm, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, lúc này “phải tổng tiến công toàn diện, toàn lực, thần tốc, mạnh mẽ, hiệu quả hơn” để khoanh vùng, dập dịch, ổn định tình hình.
“Đặc điểm biến chủng virus lần này rất nguy hiểm, phức tạp hơn, gây thiệt hại hơn và khó kiểm soát hơn”, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý. Ảnh: Đ.X
Sáng ngày 29/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, trước những diễn biến mới đòi hỏi giải pháp tích cực hơn, toàn diện hơn, phù hợp hơn, hiệu quả hơn theo tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Biến chủng virus lần này rất nguy hiểm
Kết luận hội nghị, người đứng đầu Chính phủ đánh giá, tổng thể, chúng ta vẫn kiểm soát được tình hình dịch bệnh, nhưng cục bộ một số địa phương đang có rất nhiều khó khăn, diễn biến ngày càng phức tạp, khó kiểm soát, như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh và một phần nào đó của Hà Nội.
“Đặc điểm biến chủng virus lần này rất nguy hiểm, phức tạp hơn, gây thiệt hại hơn và khó kiểm soát hơn”, Thủ tướng lưu ý. Trong khi đó, xuất hiện lây nhiễm từ cộng đồng sang khu công nghiệp và ngược lại; xuất hiện lây nhiễm từ hoạt động đông người, hoạt động tôn giáo.
Đề cập đến nguyên nhân, theo Thủ tướng, có khách quan, chủ quan, nhưng chủ quan là chính.
“Một số địa phương, cơ quan, đơn vị khi chưa có dịch thì lơ là mất cảnh giác, chủ quan. Một số địa phương, cơ quan, đơn vị cũng không nắm chắc tình hình, không đánh giá đúng tình hình, không đưa ra biện pháp phù hợp, giải quyết ngay từ đầu, từ sớm, từ xa. Một bộ phận nhân dân lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu nghiêm túc thực hiện các quy định của phòng chống dịch nên tạo ra sự lây lan rất nhanh”, Thủ tướng nêu rõ.
Từ thực tế phòng, chống dịch những ngày vừa qua, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, có nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra. Đó là, nắm chắc tình hình kịp thời lãnh đạo chỉ đạo đúng hướng quyết liệt và hiệu quả.
Đồng thời, tổ chức nghiêm túc, thực hiện các quy định nhưng vận dụng sáng tạo linh hoạt vào điều kiện cụ thể để huy động mọi nguồn lực, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đặc điểm dịch tễ của đợt dịch này có một số vấn đề khác, như đa ổ dịch, đa hình thái và đa chủng.
Lý giải cụ thể, theo ông Long, đa ổ dịch tức là cùng một thời điểm xuất hiện nhiều ổ dịch khác nhau tại các địa phương.
Đa hình thái nghĩa là có hình thái nổi trội lây nhiễm trong khu công nghiệp, sau đó lây nhiễm từ khu công nghiệp vào khu dân cư và ngược lại.
Còn đa chủng, Bộ trưởng Y tế giải thích hiện có 2 chủng phổ biến là chủng của Ấn Độ và chủng của Anh, trong đó chủng của Ấn Độ phổ biến nhất, trong khi chủng của Anh chỉ có ở Đà Nẵng và một số địa phương.
“Chúng tôi đã phát hiện ra một chủng mới có sự lai tạo giữa chủng của Ấn Độ và Anh. Nghĩa là trên chủng Ấn Độ xuất hiện đột biến gen của Anh, cái này rất nguy hiểm, tới đây chúng tôi sẽ công bố trên bản đồ gen của thế giới”, ông Long cho hay.
Phải nắm chắc và dự báo tốt tình hình
Người đứng đầu Chính phủ một lần nữa nêu rõ mục tiêu “là chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân trong lúc này là trên hết, trước hết”.
Cùng với đó, kiềm chế, đẩy lùi, kiểm soát và dập tắt dịch bệnh đang bùng phát, nhất là địa phương địa bàn trọng điểm như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội, các khu công nghiệp; tập trung phát triển kinh tế xã hội…
Nhấn mạnh tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Thủ tướng yêu cầu, lúc này phải tổng tiến công toàn diện, toàn lực thần tốc mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong toàn hệ thống chính trị và trong toàn dân để khoanh vùng, dập dịch, ổn định tình hình.
“Phải nắm chắc và dự báo tốt tình hình. Kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công, nhưng công là chính, là đột phá; phòng ngừa là cơ bản, chiến lược lâu dài, quyết định”, Thủ tướng nhắc lại, không lơ là chủ quan mất cảnh giác khi chưa có dịch, cũng không lo sợ, hốt hoảng mất bình tĩnh, thiếu kiên trì, thiếu bản lĩnh khi có dịch dẫn đến các quyết định kém hiệu quả.
Từng cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân, nhất là người đứng đầu, trên mọi cương vị công tác phải phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, yêu nước, tất cả vì nhân dân.
“Tinh thần là phải lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể”, Thủ tướng nhấn mạnh. Ông cũng yêu cầu, siết chặt kỷ luật, kỷ cương nhưng khuyến khích đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, chủ động trong phòng chống dịch. Tăng cường kiểm tra giám sát; đồng thời phân cấp, phân quyền cá thể hóa trách nhiệm để dễ theo dõi kiểm tra, kiểm soát, đánh giá
Theo Thủ tướng, trong lúc khó khăn, phức tạp, phải lấy đó làm động lực phấn đấu, vươn lên, khẳng định mình, khẳng định ý chí của dân tộc mình. “Biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể trên tinh thần đoàn kết, đại đoàn kết dân tộc”.
“Phải tránh khuynh hướng những lúc khó khăn thì mất đoàn kết, đổ lỗi, phân tán lực lượng. Chỗ này chúng ta phải lưu ý, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Đồng thời, xử lý nghiêm những tư tưởng, hành động, biểu hiện lợi dụng việc phòng chống dịch, phát triển sản xuất… để xuyên tạc chống phá, gây rối, làm mất trật tự, làm hoang mang lo sợ.
Tháo gỡ khó khăn cho địa phương với phương châm “3 không”
Đề cập đến nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải bám sát tình hình, nhanh chóng, kịp thời đưa ra những quyết định, phương hướng, giải pháp cụ thể để thực hiện có hiệu quả và phải chịu trách nhiệm trước quyết định của mình.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh tinh thần vừa làm, vừa hoàn thiện thể chế, quy định, quy trình chống dịch có căn bản, hệ thống, vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Các bộ phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm với phương châm “3 không”: Không nói thiếu tiền, không nói thiếu nguồn nhân lực và không nói thiếu cơ chế, chính sách, cơ sở, vật chất, phương tiện, sinh phẩm, thuốc men...
Về chiến lược vaccine, Thủ tướng yêu cầu bằng mọi cách phải tiếp cận vaccine qua các biện pháp ngoại giao, qua doanh nghiệp, phát huy tính chủ động... phải sớm nghiên cứu sản xuất trong nước; bằng mọi biện pháp tìm mua các công nghệ sản xuất vaccine.
Bên cạnh đó, ông nhận định việc tuyên truyền tiêm vaccine phải theo thứ tự ưu tiên, hợp lý, hiệu quả cho các địa bàn trọng điểm. Đồng thời nhấn mạnh biện pháp “5K + vaccine + các giải pháp công nghệ”.
Thủ tướng kêu gọi huy động mọi nguồn lực hợp pháp từ người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức để mua vaccine và xây dựng quỹ phòng chống COVID -19. Ngoài ra, đề nghị các doanh nghiệp phải tập trung bảo vệ sức khỏe, tinh thần cho người lao động; yêu cầu kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh cư trú trái phép…
Nhấn mạnh phải coi trọng tuyên truyền vận động, lãnh đạo Chính phủ cũng kêu gọi toàn dân phối hợp với lực lượng chức năng để phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe, đời sống nhân dân một cách tốt nhất.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Hoàng Nam
22:10 22/11/2024(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Minh Tân
17:29 22/11/2024Hải Hà
17:28 22/11/2024Hương Giang
17:27 22/11/2024Vũ Linh
14:58 22/11/2024Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương
Nam Dũng
Hoàng Nam
Lâm Ánh