Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Nước ngọt ngày càng khan hiếm chứ không phải nhiều như nước”

Hương Giang

Thứ hai, 17/08/2020 - 11:31

(Thanh tra) - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Giải trình “an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập” do Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức sáng ngày 17/8.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường

Nguồn nước Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguồn nước sông quốc tế

Trình bày báo cáo sơ bộ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Nguyễn Vinh Hà cho hay, tại 14 tỉnh, thành, đoàn đến khảo sát thì chất lượng nước mặt, nước ngầm tương đối tốt, trữ lượng dồi dào.

Tuy nhiên, nguồn nước này đang có nguy cơ ô nhiễm từ hoạt động xả thải, đặc biệt với các sông chảy qua đô thị.

“Hiện ở một số địa phương, chất lượng nước bị suy giảm đáng báo động do ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt thải trực tiếp ra nguồn nước, chất thải từ các khu công nghiệp, nhiễm mặn và ô nhiễm nguồn nước ngầm”, ông Hà cho hay.

Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng nên hiện tượng xâm mặn vào sâu qua các cửa sông, làm ảnh hưởng tới chất lượng nước ngọt của các địa phương. Tình trạng này là hiện tượng phổ biến đối với các tỉnh duyên hải từ tỉnh Thanh Hóa tới tỉnh Kiên Giang.

Trong khi đó, các vi phạm về xả thải, việc xâm lấn hành lang bảo vệ nguồn nước vẫn diễn ra phổ biến ở một số địa phương do chưa rõ mốc giới trên thực địa. Ở một số nhà máy cấp nước, việc quan trắc, kiểm soát chất lượng nước thô đầu vào còn chưa có biện pháp bảo đảm an toàn.

Các hoạt động bảo vệ nguồn nước mới tập trung vào thanh tra, kiểm tra các hoạt động gây ô nhiễm; việc quan trắc, đánh giá mức độ ô nhiễm, chất lượng nước trên các sông còn ít số liệu.

Việt Nam có 3.500 sông, suối có chiều dài từ 10 km trở lên; có 13 lưu vực sông có diện tích lớn hơn 10.000km2 nhưng có 7 lưu vực sông liên quốc gia, phần lưu vực ở nước ngoài chiếm tới 71% lại ở khu vực đầu nguồn.

“Chúng ta chịu rủi ro về lượng nước, chất lượng nước rất lớn do các quốc gia thượng nguồn gia tăng các hoạt động thủy điện trên dòng chính sông Hồng, sông Mê Kông làm thay đổi lớn chế độ dòng chảy, lượng nước phù sa”, ông Hà nói và dẫn chứng, việc chuyển nước từ dòng chính sông Mê Kông ra khỏi lưu vực (Thái Lan) ảnh hưởng lượng nước cấp cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Nước đang trở thành vấn đề “nóng”

“Nước ngọt ngày càng khan hiếm chứ không phải nhiều như nước”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nói và cho hay, chất lượng nước trên các lưu vực sông đang bị suy giảm và trở thành vấn đề nóng tại nhiều địa phương.

Gia tăng dân số và quá trình đô thị hóa thời gian qua đã và đang gây sức ép đến chất lượng nước trong các lưu vực sông.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện các hồ và kênh mương ở các khu vực đô thị đang trở thành nơi chứa và dẫn nước thải.

Ở một số đoạn sông, nước sông bị ô nhiễm với mức độ cao, xu hướng ngày càng tăng đã ảnh hưởng đến khả năng sử dụng nước sông để cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt, có thể gây ra những hiểm họa khôn lường.

“Nguồn nước bị ô nhiễm đang là nguyên nhân chính khiến cho nước trong hệ thống thủy lợi không thể quay vòng, tái sử dụng. Ô nhiễm môi trường nước đã và đang gây ra những thiệt hại kinh tế cho sản xuất nông nghiệp và khai thác, nuôi trồng thủy sản.

Gia tăng nhu cầu sử dụng nguồn nước, cùng vấn đề ô nhiễm nguồn nước làm phát sinh các mâu thuẫn, xung đột trong xã hội”, Bộ trưởng Cường nói.

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nguồn nước Việt Nam phụ thuộc nhiều vào lượng nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ là thách thức lớn đối với an ninh nguồn nước quốc gia.

Hoạt động phát triển tại thượng nguồn các lưu vực sông quốc tế sẽ có tác động bất lợi đến các vùng hạ du lưu vực sông ở nước ta, đặc biệt tác động bất lợi đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vô cùng lớn và không thể đảo ngược.

Bên cạnh đó, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia hứng chịu tác động bất lợi lớn nhất từ biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Đề cập đến giải pháp, theo ông Cường, phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình trọng điểm, đầu tư xây dựng hồ chứa nước lớn phục vụ đa mục tiêu, công trình chuyển nước, liên kết nguồn nước liên tỉnh, liên vùng, liên lưu vực trong giai đoạn 2021-2025.

Cùng với đó, đầu tư xây dựng công trình kiểm soát triều, mặn, lợ, ngọt, cắt lũ, giảm lũ, thoát lũ, chống ngập úng, sạt lở bờ sông, bờ biển; tăng cường cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc điều phối, đảm bảo an ninh nguồn nước…

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, an ninh nguồn nước là vấn đề được cả thế giới quan tâm với nỗ lực giải quyết ở 4 trọng tâm chính.

Đó là, bảo đảm các hệ sinh thái nước ngọt, nước mặn; bảo đảm phát triển bền vững và ổn định chính trị; người dân được tiếp cận đầy đủ nguồn nước sạch với chi phí hợp lý; các đối tượng dễ tổn thương sẽ được đảm bảo vệ trước rủi ro từ những thảm họa liên quan đến nước.

“Nước đang trở thành tâm điểm tại nhiều diễn đàn lớn trên thế giới”, Bộ trưởng Cường nói sau đó. Theo ông Cường, khoảng 1/3 số quốc gia trên thế giới hiện đang bị thiếu nước, dự báo đến năm 2025 con số này sẽ tăng lên 2/3 với khoảng 35% dân số thế giới rơi vào tình cảnh thiếu nước nghiêm trọng.

Ở một số quốc gia, lượng nước bình quân trên đầu người đang giảm đáng kể. Số người thiếu nước uống sạch an toàn vẫn đang không ngừng gia tăng. Vì vậy, mối lo về nước không phải của riêng một quốc gia. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Hoàng Nam

22:10 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm