Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhiều tỉnh đề nghị Bí thư, Chủ tịch vào diện được cảnh vệ

Thứ tư, 07/06/2017 - 08:44

(Thanh tra) - Mở rộng hay thu hẹp đối tượng cảnh vệ; trường hợp nào cảnh vệ được nổ súng… Đó là những vấn đề được đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm “mổ xẻ” tại phiên thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Cảnh vệ chiều 6/6.

Ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh cho biết, sau sự việc xảy ra ở một tỉnh gần đây, nhiều tỉnh đề nghị Bí thư, Chủ tịch tỉnh là đối tượng cảnh vệ. Ảnh: TN

Mở rộng đối tượng cảnh vệ?

Cho ý kiến, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) đề nghị, bổ sung Chánh án TAND Tối cao vào đối tượng cảnh vệ.

“Chánh án TAND Tối cao là lãnh đạo cao nhất ngành Tòa án nhưng hiện không thuộc diện có cảnh vệ bảo vệ. Quy định như thế này thì Phó Thủ tướng Chính phủ có cảnh vệ nhưng Chánh án TAND Tối cao không có cảnh vệ, tôi cảm giác có gì đó rất băn khoăn, tâm tư”, ĐB Nhưỡng nói.

Ngoài ra, ĐBQH Đỗ Văn Bình (Hải Phòng) đề nghị, trong trường hợp cần thiết có thể bổ sung một số lãnh đạo chủ chốt các bộ, ngành; địa phương, tỉnh, TP trực thuộc Trung ương được áp dụng 1 số biện pháp cảnh vệ.

“Gần đây, một số tỉnh, TP, tình hình an ninh chính trị phức tạp đã ảnh hưởng tới an ninh an toàn một số cán bộ chủ chốt. Đặc biệt, đã xảy ra sự việc nghiêm trọng tại một tỉnh và một tỉnh khác phải báo cáo Chính phủ về an toàn, an ninh lãnh đạo tỉnh. Nếu để xảy ra tình huống không đảm bảo an toàn, an ninh cho các đồng chí này thì không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng địa phương mà còn an ninh trật tự chung của cả nước”, ĐB lưu ý.

ĐBQH Đỗ Văn Bình (Hải Phòng). Ảnh: TN

Giải trình, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, hiện nay có 3 khuynh hướng: Tăng thêm, giảm đi và giữ nguyên.

“Khuynh hướng tăng thêm, các ý kiến còn muốn tăng thêm cả Tổng Kiểm toán Nhà nước, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an”, ông Việt thông tin, sau sự việc xảy ra ở một tỉnh gần đây, nhiều tỉnh đề nghị Bí thư, Chủ tịch tỉnh là đối tượng cảnh vệ.

Tuy nhiên, theo ông Việt, giữa cảnh vệ và bảo vệ là khác nhau. Cảnh vệ là tập trung bảo vệ đối tượng đặc biệt quan trọng (yếu nhân) và có 18 đối tượng trong diện được cảnh vệ.

“Tổng kết việc thực hiện pháp lệnh về cảnh vệ cho thấy quy định các đối tượng cảnh vệ tại dự thảo luật (giữ nguyên như hiện nay) là phù hợp thực tiễn”, ông Việt nhấn mạnh.

Theo đó, đối tượng cảnh vệ gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Uỷ viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Cảnh vệ được nổ súng: Còn băn khoăn

Theo ĐBQH Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội), quy định gây thương tích cho đối tượng đang đột nhập vào khu vực mục tiêu cảnh vệ sau khi đưa ra hiệu lệnh dừng lại và bắn cảnh cáo nhưng không hiệu quả là chưa phù hợp.

ĐBQH Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội). Ảnh: TN

“Hành vi của đối tượng mới chỉ dừng lại ở mức độ đột nhập vào khu vực mục tiêu cảnh vệ, chưa thực hiện hành vi tấn công đe dọa đến tính mạng sức khoẻ của đối tượng cảnh vệ, cán bộ chiến sỹ. Nếu nổ súng trường hợp này là chưa phù hợp với nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng”, ĐB Đoàn Hà Nội nêu.

Còn ĐBQH Trương Minh Hoàng (Cà Mau) lưu ý, khi giao thẩm quyền cho cán bộ chiến sỹ cảnh vệ thì phải ghi rõ trách nhiệm để giảm thiểu tối đa rủi ro khi thi hành nhiệm vụ.

“Các trường hợp được nổ súng cần quy định rõ hơn, chi tiết hơn để anh em thực hiện nhiệm vụ an tâm hơn. Bởi trong quá trình hàng ngày anh em gắn bó, hy sinh rất lớn mà nếu có rủi ro thì cuộc đời của anh em và gia đình sẽ rất khó khăn”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Giải trình ý kiến này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, trước đây chưa có luật, khi thực thi nhiệm vụ sử dụng súng, lực lượng cảnh vệ thuộc quân đội và công an rất lúng túng. Nay, dự thảo luật đã xác định rõ các nguyên tắc như nổ súng có cảnh báo và nổ súng không cảnh báo.

“Nổ súng cảnh báo khi có đối tượng đột nhập vào nơi cấm. Cao hơn, nếu đối tượng có hành động chống đối, có hành động nguy hiểm thì ta vô hiệu hoá. Còn nổ súng không cảnh báo, trường hợp nào được nổ súng thì cũng quy định rõ rồi, chỉ có có điều lực lượng công an, quân đội huấn luyện sao cho những cán bộ tinh luyện để sử dụng, xử lý việc này cho tốt”, ông Việt chốt lại.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm