Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Nhiều cán bộ hết chức trách là không chịu trách nhiệm”

Thứ sáu, 20/11/2015 - 15:29

(Thanh tra) - Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng ngày 20/11, ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nhấn mạnh, “hiện nay đang có hiện tượng vô can. Nhiều cán bộ hết chức trách là không chịu trách nhiệm những vấn đề mà mình để lại, điều đó rất nguy hiểm”.

ĐBQH Dương Trung Quốc trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Thảo Nguyên

Tại sao lãnh đạo không tạo ra phong cách riêng?

- Có ý kiến cho rằng, nếu lãnh đạo chỉ “tư duy nhiệm kỳ”, “hết nhiệm kỳ hết trách nhiệm”, xã hội sẽ “gánh” những hậu quả khó lường? Ông nghĩ gì về điều này?

Chúng ta hay nói tư duy nhiệm kỳ để trong ngoặc kép hiểu theo nghĩa tiêu cực là tầm nhìn ngắn hạn, lợi ích ngắn hạn và buông xuôi trách nhiệm. “Tư duy nhiệm kỳ” là một lời cảnh báo, nhắc nhở giống như phát biểu của ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) về “hoàng hôn nhiệm kỳ” thường nảy sinh vấn đề tiêu cực. 

Mỗi nhiệm kỳ trao truyền lại di sản có cả những mặt tích cực thành tựu và cũng có hạn chế phải tiếp tục làm. Nhưng hiện nay đang có hiện tương vô can. Nhiều cán bộ hết chức trách là không chịu trách nhiệm những vấn đề mà mình để lại điều đó rất nguy hiểm, nhất là dấu ấn cá nhân. “Trách nhiệm thì trách nhiệm chung, nhưng tài khoản là tài khoản riêng”, người ta hay nói như vậy. 

Ở các quốc gia trên thế giới, mỗi một nhiệm kỳ ở một cương vị nào đó người ta rất có ý thức để lại một dấu ấn tốt đẹp, như một số Tổng thống thì để lại những công trình kiến trúc; Nghị sỹ thì để lại một dấu ấn bằng một đạo luật, sáng kiến pháp luật…; đồng thời thấy trách nhiệm những di sản thất bại. 

Nhưng ở nước ta, tôi thấy, hôm nay đang làm chức vụ này, ngày mai làm chức vụ khác thì nói những việc trước đây như không phải việc của mình. Trở lại phát biểu của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh ít nhất đã nói lên một sự thật và nhắc nhở. 

- Như ông phân tích ở nước có câu chuyện “hết chức trách là không chịu trách nhiệm”. Nguyên nhân do đâu?

Đó là do cơ chế lãnh đạo theo tập thể làm mất dấu ấn cá nhân, kể cả phong cách cá nhân. Tôi nghĩ, ông Nguyễn Bá Thanh (Trưởng Ban Nội chính Trung ương - PV) mất rồi nhưng đã để lại một phong cách rất quý trọng. Tại sao mỗi người không tạo ra phong cách riêng như thế? Vai trò cá nhân cực kỳ quan trọng.

“Vô trách nhiệm, không có danh dự sẽ tự đào thải chính mình” 

- Thực tế, khi mới nhận chức, các vị lãnh đạo thường có những lời hứa, hành động được dân ủng hộ, nhưng càng về cuối nhiệm kỳ lại xuất hiện yếu tố tiêu cực?

Lời cảnh báo của ĐB Lê Như Tiến rất đúng! Cần phải có biện pháp, quy định pháp luật ngăn chặn. Ví dụ trước khi kết thúc nhiệm kỳ bao nhiêu thì không được ký bổ nhiệm nữa. Nếu bổ nhiệm một số lượng lớn hay đưa ra các biến thể của nó như phong hàm thì cuối cùng sẽ để lại những gánh nặng cho Nhà nước, hậu quả rất khó giải quyết sau này về mặt tổ chức. 

- Có ý kiến cho rằng, khi một vị Chủ tịch, Bộ trưởng nhậm chức phải đưa ra các cam kết. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Thực ra cam kết đã có rồi, vấn đề là thực thi cam kết, giám sát cam kết, chế tài xử lý cam kết khi không thực hiện thế nào thôi. Có một yêu tố nữa mà Hiến pháp đã quy định tôi rất hoan nghênh là tuyên thệ. Tôi thấy, tuyên thệ sâu sắc hơn, có trách nhiệm và danh dự của lãnh đạo nữa. Đương nhiên một người vô trách nhiệm, không có danh dự thì sẽ tự đào thải chính mình.

- Vậy làm gì để tạo được dấu ấn cá nhân tốt đẹp?

Tôi lấy ví dụ nhiều nước đã là trách nhiệm thì phải chịu trách nhiệm đến cùng, hồi tố, dư luận xã hội rất quan trọng. Cho nên câu chuyện ở An Giang, (một số người dân bị xử phạt tiền và phải chịu các hình thức kỷ luật khác vì bình luận trên trang cá nhân về Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - PV) là không được. Và các cụ đã nói rồi, bia đá, bia miệng là những yếu tố góp phần tích cực điều chỉnh nhận thức cũng như trách nhiệm xã hội. 

“Dân không thiết mở miệng” sẽ đánh mất quyền lực

- Quan điểm của ông về vụ người dân bị xử vì phát ngôn trên mạng “chê” lãnh đạo như thế nào?

Tôi nhớ một câu mà bác Hồ đã nói một cách dân dã về dân chủ là “dân chủ là làm sao để dân mở miệng, đừng để cho dân sợ không dám mở miệng”, nguy hại hơn là “dân không thiết mở miệng”. Một khi người dân không cộng tác thì chúng ta đánh mất đi quyền lực rất căn bản của thể chế chúng ta. Cho nên tôi cho rằng, các cơ quan chức năng phải vào cuộc nếu không sẽ rất nguy hiểm.

- Nhưng có một điều, trong xã hội đang tồn tại một quy định ngầm là không được “chê” lãnh đạo, thưa ông?

Đơn giản phải thực hiện theo pháp luật, bình đẳng trước pháp luật. Tôi nói đơn giản, cán bộ là đấy tớ của nhân dân là thế nào? Đây là một cơ hội để điều chỉnh lại nhận thức của xã hội. Mặt khác người dân cũng phải ứng xử với các vấn đề xã hội nên lịch thiệp, đúng mức, nhất là bày tỏ trên mạng vì có thể mang lại những hiệu ứng ngoài ý muốn của mình. 

Tôi nghĩa rằng, đây là một hiện tượng nên được quan tâm, để góp phần điều chỉnh các vấn đề chung của xã hội, quan hệ giữa người lãnh đạo với người dân. Chúng ta đang hô hào rất nhiều là phải gần dân, lắng nghe dân, vì dân, hành xử như thế thì không được!

- Xin cảm ơn ông!

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm