Theo dõi Báo Thanh tra trên
Phương Anh
Thứ tư, 12/01/2022 - 22:07
(Thanh tra)- Chiều 12/1, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2022. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2022. Ảnh: Phương Anh
Trên 12,8 triệu lao động được hỗ trợ
Năm 2021, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến lao động, việc làm an sinh xã hội. Trong bối cảnh đó, Bộ LĐTB&XH đã triển khai nhiều biện pháp để bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, người dân gặp khó khăn, phục hồi thị trường lao động, giải quyết việc làm. Đồng thời chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành các chính sách hỗ trợ, trong đó có chính sách chưa có tiền lệ để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trong đại dịch như Nghị quyết số 68, Nghị quyết số 116 và Nghị quyết số 126. Đây là các quyết sách quan trọng, kịp thời bổ sung và gia tăng năng lực hoạt động cho hệ thống an sinh xã hội ứng phó hiệu quả hơn trong đại dịch.
Theo báo cáo, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP trên toàn quốc là trên 35,9 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ trên 31,28 triệu lượt đối tượng. Triển khai Nghị quyết số 116/NQ-CP, đến nay đã giải quyết hỗ trợ cho trên 12,8 triệu lao động với số tiền trên 30,5 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, Chính phủ còn xuất cấp gạo cứu đói cho người dân, huy động nguồn lực xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân, cùng hàng triệu túi an sinh để hỗ trợ người dân.
Cùng với các gói hỗ trợ của Trung ương, các địa phương đã bàn hành các chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp thiết thực, kịp thời và ý nghĩa, góp phần ổn định đời sống, an sinh xã hội, tạo được niềm tin sâu rộng trong nhân dân.
Các giải pháp, chính sách về lao động, việc làm, hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được toàn ngành LĐTB&XH quan tâm. Do đó, thị trường lao động cuối năm 2021 có dấu hiệu phục hồi khi số người có việc, thu nhập bình quân tháng tăng, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm so với quý III-2021.
Việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với các mạng, bảo đảm an sinh xã hội được chú trọng. Toàn ngành đã triển khai thực hiện pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công với cách mạng đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa được đẩy mạnh, đời sống người có công và thân nhân người có công không ngừng được cải thiện, nâng cao hơn.
Công tác giảm nghèo tiếp tục được tập trung triển khai thực hiện. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 0,25% so với cuối năm 2020; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 0,34%; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm khoảng 4%.
Chính sách trợ giúp xã hội đã bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng ở mọi lứa tuổi. Công tác quản lý Nhà nước, cải cách hành chính, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả.
Năm 2022, ngành LĐTB&XH đặt ra mục tiêu phát triển thị trường lao động theo hướng linh hoạt, liên thông, kết nối chặt chẽ cung cầu, đảm bảo huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo. Đồng thời phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, đa dạng và nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của các nhóm đối tượng; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội đã ban hành.
Chăm lo Tết cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận sự nỗ lực, đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành LĐTB&XH trong những năm vừa qua. Đồng thời khẳng định, những kết quả đạt được của ngành góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ rõ một số vấn đề còn tồn tại, hạn chế, cần quan tâm khắc phục của ngành LĐTB&XH. Đó là số lao động tham gia đào tạo nghề trình độ cao đẳng, trung cấp còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực có kỹ năng trên thị trường lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở lực lượng lao động trẻ còn cao; tình trạng bạo lực, bạo hành trẻ em còn nhức nhối...
Về nhiệm vụ công tác năm 2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, ngành LĐTB&XH cần tập trung để đẩy mạnh một số lĩnh vực như: Lĩnh vực người có công; lĩnh vực giảm nghèo; khắc phục những khó khăn của thị trường lao động do tác động của dịch COVID-19. Đặc biệt là đưa người lao động ra nước ngoài làm việc; lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ trẻ em, hình thành mạng lưới bảo vệ trẻ em đến cấp xã; cùng với đó là tập trung chuyển đối số trong mọi lĩnh vực của ngành.
Phó Thủ tướng lưu ý, trước mắt, ngành LĐTB&XH phối hợp với các ngành, địa phương chăm lo Tết cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm nhà nhà vui đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Về lâu dài, toàn ngành cần chủ động chuyển đổi số, tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính để có thể phục vụ tốt hơn các đối tượng chính sách, người lao động, người sử dụng lao động.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Từ 1/12/2024, tỉnh Bắc Ninh giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã, Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu, phải có phương án sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí và không để tham ô, tham nhũng, trục lợi cá nhân đối với trụ sở công, tài sản công dôi dư.
(Thanh tra) - Sáng 22/11, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã chủ trì Lễ công bố quyết định về công tác cán bộ.
Vũ Linh
14:58 22/11/2024Hương Giang
11:45 22/11/2024Hương Giang
10:49 22/11/2024Hương Giang
09:25 22/11/2024Hương Giang
17:00 21/11/2024Nguyễn Điểm
Lâm Ánh
Phương Anh
Hoàng Nam
Thu Huyền
T.Thanh
Vũ Linh
Bài và ảnh: Nguyễn Nhị
PV
Chu Tuấn - Quang Dân