Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

“Nền kinh tế Việt Nam sẽ trở lại phong độ mới”

Hương Giang

Thứ năm, 21/10/2021 - 17:04

(Thanh tra) - “Tôi tin nền kinh tế Việt Nam sẽ trở lại phong độ mới và đạt được mục tiêu mà Chính phủ báo cáo Quốc hội là năm 2022, phấn đấu tăng trưởng GDP 6-65%”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thể hiện niềm tin mạnh mẽ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Đ.X

Ngày 21/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về phòng, chống dịch bệnh COVID -19, tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước.

“Không thể đóng cửa mãi đất nước”

Nêu ý kiến, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chúng ta đã thay đổi quan điểm từ “Zero COVID -19” sang thích ứng an toàn với dịch bệnh bằng 5K + vaccine + thuốc điều trị.

“Chúng ta chưa biết chủng sắp tới như thế nào nên ngành Y tế, Chính phủ vẫn phải báo động đỏ để tiếp tục đề cao cảnh giác, không được chủ quan”, Chủ tịch nước nói và một lần nữa khẳng định “không thể đóng cửa mãi đất nước”.

Với các chính sách nới lỏng vừa được thực hiện, theo Chủ tịch nước, không khí làm ăn của các địa phương, doanh nghiệp “rất tốt”. Ông dẫn điển hình như TP HCM với chương trình tái thiết kinh tế quyết liệt, lao động bước đầu đã quay lại TP.

Vì thế, Chủ tịch nước cho hay ông có niềm tin vào sự điều hành của Chính phủ trong thời gian tới và đất nước sẽ phát triển sau đại dịch.

“Tôi tin nền kinh tế Việt Nam sẽ trở lại phong độ mới và đạt được mục tiêu mà Chính phủ báo cáo Quốc hội là năm 2022, phấn đấu tăng trưởng GDP 6-65%”, ông Nguyễn Xuân Phúc thể hiện niềm tin mạnh mẽ.

Lãnh đạo Nhà nước khẳng định uy tín của Việt Nam với thế giới rất lớn, nếu giữ thể chế tốt, điều hành tốt, thu hút mạnh mẽ nguồn lực, cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn thì nhất định kinh tế Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ.

Chia sẻ thẳng thắn về những thách thức, khó khăn đặt ra trong phòng chống dịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tối ngày 20/10 đã trực tiếp gọi điện cho Chủ tịch tỉnh An Giang khi địa phương này xuất hiện ổ dịch với diễn biến rất nhanh. Ngay sau đó, Bộ Y tế phải trực tiếp xuống địa phương nắm tình hình, chỉ đạo.

Theo người đứng đầu Chính phủ, biến chủng Delta có nồng độ virus rất cao, chu kỳ lây lan nhanh hơn, chỉ từ 4-8 tiếng, thậm chí lây lan trong không khí.

Ông dẫn chứng ở TP HCM cả dãy nhà cách ly, chỉ mở cửa sổ nhưng cả khu vẫn bị lây nhiễm. “Thực tế, không chỉ nước ta mà nhiều nước cũng bất ngờ, bị động với biến chủng này”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Đ.X

Trong bối cảnh đó, công tác chống dịch phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đúc rút ra 3 trụ cột chính để chống dịch bao gồm: Giãn cách, cách ly; xét nghiệm; điều trị trên tinh thần cách ly nhanh và điều trị tích cực.

Từ thực tiễn một “công thức” nữa được đúc rút là “5K + vaccine + điều trị + công nghệ + đề cao ý thức của nhân dân”, theo Thủ tướng, cùng với 5K, để bảo vệ hiệu quả phải có vaccine.

Còn với những khu vực bùng phát dịch, Thủ tướng chia sẻ kinh nghiệm là phải tập trung lực lượng. Do đó, cách tiếp cận toàn dân trong phòng chống dịch được đưa ra, gắn phương châm “mỗi xã, phường là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ”, dồn lực để khoanh vùng dập dịch…

Đổi mới tư duy chống dịch, bao phủ vaccine

Đề cập đến mục tiêu và nhiệm vụ năm 2022, theo người đứng đầu Chính phủ, cùng với phòng chống dịch, các định hướng thời gian tới sẽ tập trung cho việc nâng cao năng lực y tế cơ sở; đảm bảo an sinh xã hội để người dân không bị đói, thiếu ăn, thiếu mặc.

Cùng với đó, dành thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp có thêm sức khỏe, điều kiện để sản xuất; gắn với đầu tư vào hạ tầng chiến lược với các dự án trọng điểm, tránh manh mún, dàn trải; cải cách và thủ tục hành chính đơn giản, không gây phiền hà và phức tạp cho nhân dân và doanh nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay, nhân dân, cử tri cả nước đang mong đợi quyết sách trong kỳ họp này 2 việc. Đó là, phòng chống dịch thế nào và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội ra sao?

Về chương trình tổng thể phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, theo ông Vương Đình Huệ, quan trọng kèm theo là điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ như thế nào; nguồn lực tổ chức thực hiện. Vì vậy, với tinh thần lo xa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tính đến việc xin ý kiến đại biểu tổ chức thêm kỳ họp ngắn vào tháng 12 để quyết đáp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Đ.X

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, phòng chống dịch gắn với an sinh xã hội, nguồn lực tính toán dài hơi, nếu không sẽ khó khăn.

Vẫn theo ông Vương Đình Huệ, về chiến lược tổng thể trong phòng chống dịch cần đổi mới tư duy, đặt trọng tâm vào việc thích ứng an toàn, linh hoạt và có hiệu quả với dịch bệnh, điều kiện tiên quyết là bao phủ vaccine.

“Các nước họ ngại tiêm vaccine, ta có vaccine tiêm ngay nên hy vọng tỉ lệ phủ vaccine của mình sẽ sớm hơn”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, tiếp tục áp dụng nghiêm ngặt 5K và ứng dụng triệt để công nghệ thông tin.

Cũng quan tâm đến chiến lược vaccine, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành (đại biểu đoàn Đắk Lắk) nhấn mạnh phải đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine. Dẫn chứng tỉnh Đắk Lắk mới tiêm vaccine đạt trên 11% dân số, ông Thành thấy băn khoăn với tỷ lệ như vậy thì sống chung với COVID -19 thế nào?

“Chúng ta thay đổi sống chung với COVID -19 thì phải có bệ đỡ là vaccine. Chưa có vaccine thì không thể sống chung với dịch, mà quay lại Zero COVID -19 thì gần như không thể được”, ông Thành nói.

“Kéo” người lao động trở lại, nối chuỗi sản xuất

Đại biểu Thành cũng lo ngại đứt gãy nguồn lao động khi người dân về quê rất lớn. Ông đề nghị Chính phủ có chiến lược, kế hoạch đưa người lao động trở lại.

“Cần có chính sách hỗ trợ người lao động, thậm chí là đưa đón trở lại, tạo nơi ăn chốn ở, điều kiện học hành cho con cái họ mới hy vọng nối lại chuỗi sản xuất, đem lại niềm tin cho nhà đầu tư”, ông Thành góp ý.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành. Ảnh: Đ.X

Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động sẽ được tích hợp một nhánh trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế.

“Thị trường lao động sẽ điều tiết theo thị trường. Trước đây, không có dịch bệnh, hàng năm sau Tết, chúng ta vẫn thiếu 10% lao động. Năm nay, chắc chắn sẽ thiếu, nhưng chỉ phục hồi sau Tết. Trong trường hợp căng thẳng thị trường lao động, chúng ta đã có phương án để có thể cung cấp khoảng 200.000 lực lượng lao động mới”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Tuy nhiên, qua “làn sóng” lao động di cư về quê vừa qua, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn thấy có một số điểm cần phải xem xét, lưu tâm. Theo ông, cần phải có chính sách để làm sao những lao động ở nông thôn khi chuyển sang làm việc ở các khu công nghiệp được định cư.

“Công nhân của chúng ta thu nhập thấp không đủ để trở thành cư dân ở các khu công nghiệp, khu đô thị. Họ sống chủ yếu ở các nhà trọ rẻ tiền. Trong khi, doanh nghiệp nước ngoài sử dụng lao động chủ yếu từ 18-35 tuổi, sau độ tuổi đó lao động bị đào thải”, ông Đoàn nói.

Thu nhập thấp, tích lũy không đủ nên khi “làn sóng” người lao động về quê không chỉ tạo áp lực cho TP mà cả nông thôn, thậm chí dẫn đến cảnh “người nghèo đang phải nuôi người nghèo”.

Bởi theo ông Đoàn, những lao động ở nông thôn vốn đã nghèo nay phải gánh cho cả người lao động ở TP không còn gì phải trở về. Từ phân tích trên, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đề nghị cần có chính sách rõ ràng hơn phát triển kinh tế nông thôn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy lưu ý trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua có những vấn đề đặt ra cần rút kinh nghiệm. Bà dẫn chứng một số địa phương áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly quá rộng, quá dài, quá mức cần thiết và thực tế hiện đang trả giá không cần thiết, thể hiện qua sự đi xuống của nền kinh tế, khó khăn của người dân.

Đáng chú ý là tình trạng áp dụng quy định chống dịch không thống nhất, ngay trong cùng địa phương cũng không thống nhất. Tỉnh áp dụng cao hơn Chính phủ quy định; quận, huyện áp dụng cao hơn tỉnh, thành; xã, phường cao hơn huyện. 

“Dấu hiệu dịch tễ các phường, xã giống nhau nhưng chủ tịch phường quyết định giải pháp cao hơn làm cho đất nước, người dân phải gánh chịu”,bà Thủy nhấn mạnh.

Với chủ trương “mỗi xã, phường là một pháo đài”, theo bà Thủy, là nói về năng lực quản lý chống dịch của từng xã, phường chứ không phải giăng dây, đóng kín nhiều lối đi, cô lập nhiều khu vực như nhiều nơi đang thực hiện. 

Bà Thủy còn nêu lên một thực tế, khi bà đi công tác, xe chỉ chạy ngang qua một địa phương vẫn bị yêu cầu có kết quả xét nghiệm PCR dù đã có giấy đi đường, công lệnh mà không được chấp nhận. “Người dân, doanh nghiệp có việc phải lưu thông trên đường mà bị như thế thì còn khó khăn, bức xúc đến đâu”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm