Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Năm Đinh Dậu báo hiệu về một tương lai tươi sáng”

Chủ nhật, 29/01/2017 - 06:34

(Thanh tra)- “Năm 2017 sẽ là năm có đột phá, đây là năm Đinh Dậu, năm con gà báo hiệu về một tương lai tươi sáng. Con gà cũng là biểu trưng cho sự cần cù, chăm chỉ. Giúp mình chỉ nhờ vào chính tay mình, dân tộc Việt Nam sẽ tự quyết định cho vị thế của mình...”. Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Phùng Quốc Hiển chia sẻ như vậy khi trò chuyện với PV Báo Thanh tra.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

Đổi mới, hành động, không “du di”

+ Năm đầu tiên nhiệm kỳ QH khóa XIV được đánh giá đã thể hiện tinh thần đổi mới, sáng tạo, hành động. Xin Phó Chủ tịch QH chia sẻ về điều này?

- Tôi thấy, kỳ họp thứ 2 rất thành công, có rất nhiều đổi mới, QH hành động rất quyết liệt. Điều này xuất phát từ nhu cầu tự thân của QH, bối cảnh quốc tế, trong nước và yêu cầu của cử tri.

Ngày xưa “buôn tài không bằng dài vốn”, đất nước muốn mạnh phải có vốn, tài nguyên, lao động giá rẻ. Điều đó đã trở nên không còn hợp lý khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 bắt đầu, nguồn tài nguyên trí thức mới là lợi thế. Hội nhập kinh tế quốc tế có tác động rất lớn. Tình hình an ninh chính trị thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp không thể lường trước được như vấn đề Trung Đông, Biển Đông… cũng có tác động nhất định mà chúng ta phải tính tới.

Trong nước, năm 2016, nền kinh tế có xu hướng phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định, nhưng rõ ràng chúng ta đứng trước nhiều vấn đề phải tính tới. Đó là, tăng trưởng không đạt mục tiêu 6,7% GDP QH đề ra. Nợ xấu được coi là “điểm nghẽn” của nền kinh tế mới xử lý được 13% khoảng 32/241 nghìn tỷ. Nợ công sát ngưỡng 65% GDP, nợ Chính phủ thì vượt ngưỡng. Hoạt động đầu tư chưa hiệu quả; tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng…

Đứng trước điều đó đòi hỏi QH phải đổi mới, đứng ra giải quyết ngay những vấn đề quốc kế, dân sinh. Vì vậy, tại kỳ họp thứ 2, QH thông qua 3 luật thì có 2 luật liên quan đến kinh tế và 11 nghị quyết thì có đến 9 nghị quyết liên quan đến kinh tế. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử QH, chúng ta xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

+ Có ý kiến cho rằng, QH còn sự “du di” khi xem xét, quyết định những vấn đề Chính phủ trình. Ông nghĩ gì về điều này?

- Không có “du di”. QH là cơ quan lập hiến, lập pháp. Hơn ai hết, QH là cơ quan phải nêu cao nhất, tuân thủ cao nhất trong thực thi pháp luật. “Du di” trong lập pháp là không có.

Tôi tham gia QH khóa này là khóa thứ 3 rồi, khóa nào QH cũng quyết liệt. Các vấn đề khi Chính phủ đưa ra, ngay từ khi ở các Ủy ban của QH đã làm quyết liệt, thậm chí có những lúc cọ sát và khi đưa ra QH là đã được gọt dũa rồi.

QH với Chính phủ đều “chung lưng, đấu cật” với nhau để thực hiện nhiệm vụ chung vì quyền lợi của dân tộc, đất nước. Trong quá trình tìm cái tối ưu, có những cái chưa đạt được như mong muốn, chứ không phải “du di”.

Loại bỏ tư duy “bấc đến đâu, dầu đến đấy”

+ Cử tri rất lo ngại khi nợ công “sát trần”, kỷ luật ngân sách lỏng lẻo, lãng phí còn nhiều. Ông đánh giá như thế nào về thách thức này và QH làm gì để cùng Chính phủ vượt qua trong giai đoạn tới?

- Việt Nam là 1 đất nước đang phát triển nên nhu cầu đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng rất lớn. Trong khi thu ngân sách mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu chi đầu tư phát triển, nên muốn đầu tư phát triển phải đi vay dẫn đến nợ công tăng nhanh. Thêm vào đó, công tác quản lý đầu tư chưa hiệu quả, còn dàn trải, lãng phí.

QH đã thông qua Luật Đầu tư công, kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn thì sẽ không còn chuyện đưa ra quyết định đầu tư không phù hợp. Các địa phương biết rõ, nhiệm kỳ tới có bao nhiêu tiền, nên phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh xin - cho.

Có thể cũng phải sửa Luật Quản lý nợ công và phải tính nhu cầu vay, tỷ lệ vay, vay trong nước hay nước ngoài, vay đến năm nào… Chúng ta phải tạo nền tài chính có tầm nhìn, có hiệu quả, tránh tư duy “bấc đến đâu, dầu đến đấy”, tư duy hình thức, hoành tráng phải được loại bỏ. Trách nhiệm của người đứng đầu cũng phải rõ ràng, không chung chung.

+ Ngân sách eo hẹp, khó khăn, nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng lại lớn, làm sao để giải quyết được bài toán này?

- Do tư duy thôi! Lúc nào cũng nghĩ tới bầu sữa ngân sách nên bí. Hôm nay, câu chuyện đã khác. Ví dụ, tới đây, đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam, ngân sách chỉ bỏ ra một phần, còn lại sẽ bằng hình thức đầu tư BOT, PPP là chủ yếu.

Chúng ta sẽ kêu gọi các nguồn vốn khác. Ngân sách chỉ đầu tư vào những lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không tham gia. Nếu cứ bao cấp, trông chờ vào ngân sách mãi, nền kinh tế không phát triển được.

+ Theo nghị quyết về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 có nhấn mạnh đến việc, “thực hành tiết kiệm, chi tiêu trong khả năng của nền kinh tế, chỉ vay trong khả năng trả nợ”. QH sẽ làm gì để bảo đảm thực hiện điều này, thưa ông?

- Siết chặt kỷ luật tài chính! Tất cả những khoản chi tiêu phải đúng tiêu chuẩn, định mức và hiệu quả, như khoán xe công, bây giờ có quy định rồi nhưng sau này phải khoán, đưa vào thu nhập.

Chúng ta phải thực hiện cơ chế khoán kinh phí, khoán theo công việc, khoán đầu ra thì mới triệt để. Hiện đang làm rồi và tới đây sẽ sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước để đưa tất cả tài sản Nhà nước đi vào quản lý hiệu quả.

Cơ cấu lại nền kinh tế là vận hội

+ Có ý kiến cho rằng, muốn cơ cấu lại nền kinh tế cần nhìn thẳng vào khó khăn, thuận lợi. Năm 2017, cần xử lý dứt điểm các vấn đề còn tồn tại, nếu không năm 2018, khi hội nhập sâu rộng, Việt Nam sẽ thua trên “sân nhà”. Ông nghĩa sao về điều này?

- Cơ cấu nền kinh tế cũ chưa hợp lý, chưa bảo đảm yêu cầu cho sự phát triển, trong khi, yêu cầu là phải đổi mới mô hình tăng trưởng, do vậy, đòi hỏi phải cơ cấu lại toàn bộ nền kinh tế. Trong đó, có 3 khâu phải có đột phá là cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty; cơ cấu lại thị trường tài chính và cơ cấu lại đầu tư công.

Quá trình cơ cấu lại, với điều kiện nợ công, hội nhập kinh tế sâu rộng như vậy, rõ ràng sẽ gặp khó khăn. Chưa biết QH Hoa Kỳ có thông qua TPP hay không, nhưng chúng ta vẫn thực hiện 11 hiệp định FTA. Các doanh nghiệp Việt Nam phải chấp nhận lên sàn đấu, gặp những “đấu sỹ” rất to khỏe, mà mình thiếu cân, thiếu lạng, có thể thua trên “sân nhà” là đương nhiên.

Chúng ta chấp nhận “đo ván” vài hiệp đầu, nhưng rồi sẽ vùng dậy, chiếm lĩnh thị trường. Và, tôi tin sẽ thắng! Con người Việt Nam rất có ý chí. Thực tế chứng minh, nhiều vấn đề mới đầu chúng ta thua, sau đó vươn lên và thắng nên không ngại thất bại lần đầu.

Quan trọng là tạo ra môi trường thông thoáng, công khai, minh bạch, bình đẳng được thực hiện bởi những lao động, cán bộ tốt, quyết tâm, nghiêm túc làm việc. Cho nên, nguồn lực con người là rất quan trọng. Về lâu, về dài, phải đào tạo được nguồn lao động có tri thức, năng lực, kinh nghiệm. Đây là câu chuyện không phải ngày 1, ngày 2, không thể từ 1 nông dân ở dưới ruộng leo lên là vào được nhà máy.

Khó khăn, thuận lợi đan xen. Chúng ta có quá trình thực hiện nền kinh tế thị trường tạo ra quy mô, sức mạnh, kinh nghiệm trong quản lý. Quan trọng, chúng ta xác định được mục tiêu, bước đi, có giải pháp để đưa ra những quyết định chính xác, hiệu quả.

Cơ cấu lại là vận hội, cơ hội để sử dụng những cái đã có, đã làm để tạo bước phát triển mới, tư duy mới, nhận thức mới, khó khăn chỉ là trước mắt. Nhưng chỉ khi vào cuộc, mới thấy sẽ nảy sinh những vấn đề mới. Thực tiễn là thế, đâu phải mọi thứ đều được trải hoa hồng.

+ Đầu năm mới, xin Phó Chủ tịch QH chia sẻ dự báo, kinh tế năm 2017 và đến năm 2020, quy mô, cơ cấu nền kinh tế Việt Nam sẽ đứng ở vị trí nào?

- Tôi cho rằng, năm 2017 sẽ là năm có đột phá. Đây là năm Đinh Dậu, năm con gà báo hiệu về một tương lai tươi sáng. Con gà cũng là biểu trưng cho sự cần cù, chăm chỉ. Giúp mình chỉ nhờ vào chính tay mình, dân tộc Việt Nam sẽ tự quyết định cho vị thế của mình, tất nhiên phải đi theo xu thế của thời đại.

Với đà đó, từ nay đến năm 2020, nếu tốc độ tăng trưởng đạt từ 6,5% trở lên liên tục, chúng ta cơ cấu lại được nền kinh tế, thay đổi được mô hình tăng trưởng. Năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp trung bình và bước vào năm 2021, chúng ta sẽ có tâm thế khác. Nhưng để 4 năm liên tục đạt được tốc độ tăng trưởng như vậy không phải dễ, là thách thức rất lớn.

+ Xin trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch QH!

Hương Giang (Thực hiện)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm