Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Mọi công dân có trách nhiệm và quyền được học tập thường xuyên, học tập suốt đời

Phương Hiếu

Thứ bảy, 10/06/2023 - 22:34

(Thanh tra) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh như vậy tại lễ phát động phong trào thi đua “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời, giai đoạn 2023 - 2030”, diễn ra sáng nay (10/6), tại Trường Đại học Phenikaa (Hà Nội).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận bó hoa tươi thắm từ các em học sinh Trường Liên cấp Phenikaa (Hà Nội). Ảnh: TT

Lễ phát động do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chủ trì, phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức, được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 63 điểm cầu tỉnh/thành phố trong cả nước.

Phát biểu tại lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, học tập, làm việc, cống hiến và hưởng thụ là nhu cầu tất yếu, khách quan của mỗi cá nhân trong quá trình phát triển xã hội. Mọi công dân có trách nhiệm và quyền được học tập thường xuyên, học tập suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân tốt, công dân số, công dân toàn cầu.

Hiện cả nước có 17.459 cơ sở giáo dục thường xuyên, trong đó có 71 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh; 619 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện; 10.469 trung tâm học tập cộng đồng; 5.642 trung tâm ngoại ngữ - tin học; 658 cơ sở, trung tâm thực hiện giáo dục kỹ năng sống. Số lượng cơ sở giáo dục thường xuyên tư thục tăng nhanh, đặc biệt là hệ thống trung tâm tin học, ngoại ngữ, đã hỗ trợ tích cực trong việc nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học cho học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức, giáo viên và mọi người dân theo hướng xã hội hoá. 

Với ý nghĩa đó và nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023), chúng ta cùng nhau phát động phong trào "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời, giai đoạn 2023-2030". Đây là phong trào quan trọng nhằm nâng cao nhận thức và hành động về xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy việc học tập suốt đời cho mọi người dân.

Theo Thủ tướng, dân tộc Việt Nam ta là một dân tộc cần cù, hiếu học và luôn có nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Truyền thống đó có từ thời xa xưa, tiêu biểu là tư tưởng tự học, tự lập, học tập suốt đời của thầy giáo Chu Văn An, tấm gương mẫu mực về tôn sư trọng đạo.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, từng căn dặn: "… Muốn biết thì phải thi đua học. Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm". Và chính Người cũng là một tấm gương vĩ đại, mẫu mực về tự học, tự rèn luyện, học tập suốt đời.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ phát động. Ảnh: TT

Tại lễ phát động, Thủ tướng nhắc tới nhiều tấm gương người khuyết tật, điển hình như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, bằng nghị lực phi thường đã vượt qua số phận để đóng góp cho cộng đồng và xã hội; nhiều người cao tuổi trên 60, 70 tuổi vẫn hàng ngày cắp sách đến trường; thậm chí có những cụ 80, 90 tuổi, vượt qua cả tuổi tác để hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, lấy bằng đại học, thạc sĩ để thỏa ước mơ của cuộc đời mà tuổi trẻ không có điều kiện thực hiện.

"Đây thực sự là những mô hình mới, những tấm gương sáng về tinh thần học không bao giờ muộn, "học, học nữa, học mãi"; "học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự tổ chức, đoàn thể, phục vụ Tổ quốc, dân tộc và nhân loại", góp phần để đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau gần 40 năm đổi mới", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Bộ GDĐT, lãnh đạo Trường Đại học Phenikaa (Hà Nội) và các em học sinh Trường Liên cấp Phenikaa (Hà Nội). Ảnh: TT

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu mà các cấp, các ngành, các địa phương đã đạt được trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; đặc biệt là vai trò quan trọng của ngành Giáo dục và Hội Khuyến học Việt Nam.

Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1, trong đó, 46/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. 63/63 tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1. 

Để tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm mọi người dân đều bình đẳng trong học tập, Thủ tướng đề nghị tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục, đào tạo, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Phát triển các trung tâm học tập cộng đồng, hệ thống giáo dục thường xuyên. Xóa các vùng thiếu điện, thiếu sóng viễn thông, tạo điều kiện cho mọi người, mọi nhà tiếp cận Internet và các thành tựu công nghệ mới. Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin.

Đặc biệt là tăng cường tuyên truyền về phong trào và điển hình tiêu biểu, tạo động lực, truyền cảm hứng, phổ biến những mô hình hay, cách làm hiệu quả; tạo sự lan tỏa trong xã hội để khích lệ tinh thần nhà nhà học tập, người người học tập, thôn học tập, xã học tập, huyện học tập, tỉnh học tập, cả nước học tập…

Thủ tướng lưu ý, cần đẩy mạnh hợp tác, học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng và phát triển xã hội học tập, ứng dụng công nghệ đào tạo mở, từ xa, xây dựng thành phố học tập; tiếp thu và phát triển những kiến thức mới trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ đang là xu thế của thế giới.

Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị và kêu gọi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, các đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tích cực tham gia, cùng chung tay, đóng góp, hưởng ứng hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Trường Đại học Phenikaa, được biết đến là mô hình điển hình về giáo dục trải nghiệm, đổi mới sáng tạo và ươm mầm khởi nghiệp, được xếp hạng là 1 trong 9 trường đại học Việt Nam có tầm ảnh hưởng về phát triển bền vững theo THE Impact Rankings 2023, sẽ góp phần lan tỏa và thúc đẩy phong trào học tập, rèn luyện suốt đời của học sinh, sinh viên cả nước. 

Tại lễ phát động, GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức; Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Phạm Anh Tuấn; Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An; Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Phú Thọ Vi Mạnh Hùng, đã phát biểu hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời, giai đoạn 2023 - 2030".

Thay mặt lãnh đạo Bộ GDĐT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn xin lĩnh hội đầy đủ các chỉ đạo, định hướng của Thủ tướng Chính phủ tại lễ phát động. Đồng thời cho biết, ngành GDĐT bày tỏ sự quyết tâm cao, niềm tin sâu sắc và tin tưởng chắc chắn rằng phong trào thi đua “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời, giai đoạn 2023 - 2030” mà Thủ tướng Chính phủ vừa phát động sẽ tạo khí thế mới để thúc đẩy việc học tập của toàn thể người dân trong bối cảnh, yêu cầu và điều kiện mới.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại lễ phát động. Ảnh: TT

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết, với chức năng, nhiệm vụ, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố sẽ chủ động xây dựng kế hoạch thống nhất hành động, hưởng ứng tích cực phong trào thi đua bằng những nội dung công việc cụ thể, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng đơn vị, địa phương.

Một số hình ảnh về các tiết mục văn nghệ của Đội Văn nghệ Trường Đại học Phenikaa  (Hà Nội) biểu diễn tại lễ phát động. Ảnh: TT

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thành lập thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa

Thành lập thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa

(Thanh tra) - Chiều 23/11, với 413/422 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Di sản văn hóa sửa đổi, trong đó có quy định về thành lập thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa.

Hương Giang

16:19 23/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm