Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang, Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện ba khâu đột phá chiến lược

Chủ nhật, 12/06/2022 - 22:46

(Thanh tra) - Chiều 12/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang về kết quả triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh, tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, những tháng đầu năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới và các đề xuất, kiến nghị của tỉnh.

Cùng dự cuộc làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và tỉnh Bắc Giang.

Trước đó, trong buổi sáng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động trên cả nước; thăm nơi ở và tặng quà công nhân khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; khảo sát hiện trường thi công mở rộng cầu Như Nguyệt - cây cầu huyết mạch nằm giữa tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.

Báo cáo của tỉnh Bắc Giang và các ý kiến tại cuộc làm việc đánh giá, thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, khắc phục mọi khó khăn, năng động, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế và đạt được những kết quả tích cực.

Tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn tỉnh trong năm 2021. Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 đạt 7,82%, nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước. Quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng (năm 2021 đạt 129.837 tỷ đồng, đứng thứ 15 toàn quốc).

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực. Công nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững; phát triển công nghiệp đồng bộ với phát triển đô thị, dịch vụ để tạo ra "hệ sinh thái công nghiệp". Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2021 đạt 300 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm 2020.

Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 4,2% so với năm 2020. Đã hình thành, một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực như: Vùng cây ăn quả ở các huyện miền núi (vải thiều đứng đầu cả nước), gà đồi Yên Thế với số lượng 17 triệu con/năm (đứng thứ tư cả nước), đàn lợn 1 triệu con/năm (đứng thứ tư cả nước). Xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực, đứng đầu 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía bắc.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 31,15 tỷ USD, tăng trên 40% so với cùng kỳ. Thu hút đầu tư FDI đạt 1,33 tỷ USD, đứng thứ 9 cả nước.

Công tác quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng được quan tâm chỉ đạo, đạt kết quả tích cực. Bắc Giang là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh.

Những tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục khởi sắc. Tăng trưởng GRDP quý I/2022 của Bắc Giang đạt 14,33%, ước tính quý II/2022 đạt 24,03%, cao nhất cả nước. Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch tiếp tục phục hồi và phát triển. Ước tính 6 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 2,9%, công nghiệp tăng 55,5%; dịch vụ tăng 24,5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng 14,1%; tổng giá trị xuất nhập khẩu đạt 18,6 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm với nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo, đồng bào dân tộc khó khăn, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tỉ lệ người tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đạt 96,6%, cao hơn mặt bằng chung toàn quốc; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 72%; tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh, còn 2,5% năm 2021 theo chuẩn giai đoạn 2016-2020.

Nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại được triển khai toàn diện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, bảo đảm an toàn tuyệt đối các sự kiện quan trọng của đất nước. Công tác nội chính, cải cách tư pháp, thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm chỉ đạo đạt kết quả.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được triển khai thực hiện với quyết tâm cao, nỗ lực lớn; năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.

Các ý kiến đánh giá, với nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh và cơ hội nổi trội, nguồn lực phong phú (đất đai, lao động, giao thông, lịch sử văn hóa...), Bắc Giang là điểm đến hấp dẫn, triển vọng đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế; có những cơ hội lớn mang lại từ các FTA để đón bắt nguồn lực đầu tư có chất lượng.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cho rằng, trong phòng chống dịch trên địa bàn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hết sức quan tâm, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, kịp thời giải quyết các kiến nghị, đề xuất của tỉnh về phòng chống dịch, chăm lo đời sống nhân dân, khắc phục các khó khăn, vướng mắc, kể cả trong những vấn đề cụ thể như tiêu thụ vải thiều… Sự quan tâm, ủng hộ của Trung ương chính là nguồn động lực để tỉnh vượt qua các khó khăn, thách thức, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ thời gian qua.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao, cơ bản đồng tình với báo cáo của tỉnh Bắc Giang và các ý kiến phát biểu. Dành nhiều thời gian phân tích thêm về vị trí, tiềm năng, cơ hội, lợi thế của Bắc Giang, Thủ tướng nêu rõ, Bắc Giang kết nối hai vùng kinh tế đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía bắc; nằm trên hai hành lang phát triển kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội, Lào Cai - Hà Nội và vành đai phát triển kinh tế ven biển. Tỉnh cũng có vị trí quân sự - quốc phòng rất quan trọng.

Bắc Giang có "đất hẹp, người đông", diện tích tự nhiên gần 3,9 nghìn km2 (đứng thứ 36 cả nước) nhưng dân số gần 1,9 triệu người (đứng thứ 12 cả nước), phát triển dân số cơ học nhanh.

Tỉnh có truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời, gắn với văn hóa Kinh Bắc, truyền thống chống giặc ngoại xâm, nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể giá trị (trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.200 di tích, với gần 1.000 di tích đã được xếp hạng).

Mạng lưới giao thông (đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa) của tỉnh phân bố tương đối hợp lý, kết nối nội và liên tỉnh, gần sân bay và các cảng biển lớn của Hải Phòng, Quảng Ninh. Vấn đề đặt ra là phải dồn nguồn lực cho các công trình hạ tầng giao thông chiến lược để tỉnh có đường ra biển nhanh nhất, thuận tiện nhất.

Thủ tướng cho rằng, việc khai thác, phát huy các lợi thế này phụ thuộc vào tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận của tỉnh. Ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những thành tựu, kết quả rất cơ bản mà Bắc Giang đạt được trong thời gian qua được nêu trong các báo cáo và ý kiến tại cuộc làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số điểm, như hạ tầng giao thông đường bộ của tỉnh có bước phát triển vượt bậc.

Đặc biệt, tỉnh đã làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhất là khi chúng ta chưa có đủ thuốc, vaccine, chưa có nhiều kinh nghiệm phòng chống dịch, chủ yếu phải sử dụng các biện pháp hành chính nghiêm ngặt.

Khi dịch diễn biến rất phức tạp, bùng phát đúng vào mùa vải, tấn công vào các khu công nghiệp của Bắc Giang, với những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua, nhưng tỉnh đã thực hiện quyết liệt, nghiêm túc và hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, chủ động, linh hoạt ứng phó, triển khai kịp thời các biện pháp, giải pháp hiệu quả, phù hợp với tình hình, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp. Tỉnh đã áp dụng nhiều biện pháp như đẩy mạnh thương mại điện tử, mở luồng xanh, "ba tại chỗ", "một cung đường, hai điểm đến"… - những giải pháp phù hợp với điều kiện lúc đó. Việc tiêm vaccine được triển khai quyết liệt, hiệu quả. Nhờ đó, dịch bệnh được kiểm soát, tỉnh đã phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, lòng tin của nhân dân được củng cố.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế như chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh cải thiện còn chậm. Sản xuất công nghiệp phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI. Tỉnh chưa tự cân đối được chi thường xuyên; cơ cấu nguồn thu từ sản xuất, kinh doanh còn hạn chế, cần bền vững hơn.

Phát triển đô thị còn chậm; tỉ lệ đô thị hóa mới đạt 23%, thấp hơn nhiều so với bình quân chung cả nước. Chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh cần phải làm tích cực hơn.

Trong nông nghiệp, cần quan tâm hơn nữa tới việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, quy hoạch vùng nguyên liệu, canh tác bảo đảm an toàn thực phẩm, hỗ trợ vốn cho người nông dân, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chế biến sau thu hoạch…

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn phức tạp. Đời sống một bộ phận người dân còn nhiều khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Về phương hướng thời gian tới, Thủ tướng đánh giá cao các định hướng, mục tiêu, cơ bản đồng ý về phương hướng, tầm nhìn của tỉnh; đề nghị tỉnh quán triệt một số quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo điều hành.

Theo đó, phải rà soát lại, sắp xếp thứ tự ưu tiên, lựa chọn công việc trọng tâm, trọng điểm trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, quốc phòng, an ninh… từ đó ưu tiên, bố trí nguồn lực phù hợp, tăng cường đôn đốc, kiểm tra với tinh thần "xem việc công như việc của nhà mình", làm việc nào dứt việc đó.

Một điển hình được Thủ tướng biểu dương là tỉnh đã chủ động đề xuất sử dụng nguồn vốn địa phương để đầu tư mở rộng cầu Như Nguyệt - cây cầu huyết mạch trên tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn.

Quan điểm thứ hai là bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, trong bối cảnh tình hình đang diễn biến rất nhanh; chú trọng sơ kết, tổng kết, đánh giá bài học kinh nghiệm, phát huy mô hình hay, cách làm hiệu quả để tiếp tục nhân rộng, tạo sức lan tỏa cao.

Trên tinh thần thực tiễn, khoa học, hiệu quả, khách quan, phải quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; vận dụng, thực hiện đúng đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bắc Giang cần phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa, tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất của mình, xác định nguồn nội lực (gồm con người là vốn quý nhất, cùng với thiên nhiên, truyền thống văn hóa lịch sử) là cơ bản, quyết định, lâu dài, chiến lược, kết hợp hài hòa với ngoại lực là quan trọng, đột phá, thường xuyên.

Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; giải quyết các khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp một cách bài bản, có hệ thống, với tâm huyết cao nhất.

Tỉnh cần mạnh dạn đẩy mạnh các mô hình hợp tác công tư (như lãnh đạo công - quản trị tư; đầu tư công - quản lý tư; đầu tư tư - sử dụng công), lấy đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực trong xã hội, trên cơ sở công khai, minh bạch, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.

Thủ tướng lưu ý tỉnh quan tâm công tác nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.

Cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong báo cáo và ý kiến của các đại biểu dự họp, Thủ tướng lưu ý một số vấn đề trọng tâm.

Trước hết, phải tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đặc biệt là quyết liệt, thần tốc hơn nữa trong việc hoàn thành mục tiêu tiêm chủng vaccine bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả, kịp thời, theo yêu cầu của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi để chuẩn bị sẵn sàng tốt nhất cho năm học mới.

Tập trung thực hiện ba khâu đột phá chiến lược (phát triển hạ tầng chiến lược về giao thông, y tế, văn hóa giáo dục; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước).

Thực hiện quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt một cách nghiêm túc, bài bản. Thủ tướng lưu ý cần thực hiện nghiêm quy hoạch đã được phê duyệt, nhất là bảo đảm các thiết chế văn hóa, thể thao, công viên, cây xanh… những nơi đẹp nhất, thuận lợi nhất cho sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng nhắc lại, muốn phát triển bất động sản bền vững, trước hết phải phát triển sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, thu hút người đến làm việc, người đến ở, từ đó mới phát sinh nhu cầu nhà ở.

Triển khai tích cực, hiệu quả, đồng bộ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thủ tướng lưu ý cần quán triệt, thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phải theo hướng bền vững, xanh, bao trùm.

Đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, có chương trình cụ thể để nâng cao năng suất lao động. Thu hút đầu tư có chọn lọc, bền vững và nâng cao hiệu quả đầu tư.

Triển khai hiệu quả công tác an sinh xã hội, bảo đảm phúc lợi xã hội. Nâng cao chất lượng công tác y tế, lưu ý việc nâng cao năng lực hệ thống y tế theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Luôn luôn cảnh giác, không chủ quan, lơ là, giữ vững an ninh, quốc phòng; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, cuộc sống bình yên cho người dân, an ninh, an toàn, an dân.

Cũng tại cuộc làm việc, Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời về các kiến nghị, đề xuất của tỉnh.

Về kiến nghị điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất phi nông nghiệp và chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác, Thủ tướng đề nghị tỉnh khai thác, sử dụng hiệu quả nhất diện tích đất phi nông nghiệp đã có; trường hợp nhu cầu sử dụng đất phi nông nghiệp vượt so với chỉ tiêu đã được phân bổ thì UBND tỉnh Bắc Giang báo cáo cụ thể, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định, phù hợp tình hình, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Về cơ chế đầu tư tuyến đường vành đai V vùng Thủ đô, Thủ tướng hoan nghênh ý tưởng, đề xuất của tỉnh nhưng yêu cầu tỉnh tập trung làm tốt, làm hiệu quả các công việc đang triển khai; cùng các cơ quan nghiên cứu, tính toán triển khai dự án đường vành đai V vào thời điểm phù hợp khi cân đối được nguồn vốn.

Thủ tướng cũng cho ý kiến về đề xuất của tỉnh về đầu tư xây dựng cầu Xương Giang và Cẩm Lý, trên cơ sở cân đối nguồn lực và bảo đảm trọng tâm, trong điểm, tránh dàn trải, manh mún.

Đối với việc khai thác tiềm năng vận chuyển đường sắt liên vận quốc tế, Thủ tướng bày tỏ ủng hộ, đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang nghiên cứu, đánh giá, đề xuất việc bổ sung cảng cạn và trung tâm Logistics đường sắt tại ga Sen Hồ (huyện Việt Yên) vào quy hoạch tỉnh theo quy định, triển khai các công việc tiếp theo theo thẩm quyền, các bộ, ngành tích cực hỗ trợ địa phương.

Về cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân, tỉnh kiến nghị quy định thêm trường hợp doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp được ký hợp đồng thuê nhà với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bố trí chỗ ở cho công nhân của doanh nghiệp mình (Nghị định số 49/2021/NĐ-CP), cùng các kiến nghị liên quan tới thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Nhà ở...

Thủ tướng giao Bộ Xây dựng và các cơ quan tiếp thu ý kiến của tỉnh trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, các nghị định… trình Quốc hội sửa đổi theo hướng một luật sửa nhiều luật, những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì đề xuất Chính phủ sửa đổi ngay.

Về phân cấp quản lý quy hoạch, Thủ tướng đồng tình, giao Bộ Xây dựng nghiên cứu kiến nghị của tỉnh trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và các văn bản quy định chi tiết thi hành, theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền.

"Một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh tinh thần tự lực, tự cường và xử lý công việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, các bộ, ngành hỗ trợ Bắc Giang tối đa, cùng các cơ quan khác trong hệ thống chính trị thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp tỉnh phát triển nhanh, bền vững, ngày càng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân", Thủ tướng phát biểu./.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm