Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Làm trong sạch thị trường cần đi đôi với tạo lập môi trường thuận lợi, công bằng”

Hương Giang

Thứ ba, 19/09/2023 - 13:59

(Thanh tra) - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, cần đẩy nhanh sự hồi phục của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu và thị trường bất động sản để có tác động lan toả, tạo tín hiệu tích cực, lập lại niềm tin giúp tăng tiêu dùng và đầu tư.

Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023. Ảnh: P.Thắng

Ngày 19/9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”.

3 huyết mạch của nền kinh tế từ “nguy cơ đóng băng đã được giải tỏa”

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn là tiền đề và điều kiện quan trọng để nền kinh tế Việt Nam bảo vệ được những thành quả phát triển.

Gần một năm qua, Việt Nam phải đối diện với nhiều “cơn gió ngược” đến từ bên ngoài, kéo theo sức ép lớn về lạm phát, tỷ giá, cùng những rủi ro về thu hẹp thị trường, đứt gãy chuỗi cung ứng, đứt gãy lao động…

Trong nước, các vấn đề bất cập tích tụ qua nhiều năm của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán bộc lộ rõ hơn sau đại dịch Covid-19.

Cạnh đó, thanh khoản thị trường tiền tệ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do ngân hàng SCB phải đưa vào diện kiểm soát đặc biệt…

Vận dụng linh hoạt, sáng tạo nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, Việt Nam đã triển khai đồng bộ các chính sách để đưa nền kinh tế ra khỏi tình trạng trì trệ, giảm sút, từng bước tạo lập và dịch chuyển sang trạng thái cân bằng mới.

Đặc biệt, ông Thắng cho hay, bằng những quyết sách được cân nhắc kỹ lưỡng, ba lĩnh vực huyết mạch của nền kinh tế là: gia tăng dư nợ tín dụng ngân hàng; khởi tạo lại thị trường vốn trung và dài hạn, nhất là thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; và thị trường bất động sản “từ chỗ có nguy cơ bị tắc nghẽn, căng thẳng, đóng băng đã từng bước được giải toả, khai thông, giữ vững an toàn hệ thống”.

Cho rằng nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất nhưng ông Thắng lưu ý, “những khó khăn không thể khắc phục chỉ trong một sớm, một chiều”.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: Đ.X

Bởi thực tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng; ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế còn tiềm ẩn rủi ro; nguy cơ đổ vỡ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản chưa thể loại trừ; doanh nghiệp chưa thể đẩy nhanh phục hồi sản xuất, kinh doanh.

“Ngay cả vào thời điểm cuối năm khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao, xuất khẩu vẫn có thể gặp khó nếu các thị trường lớn trên thế giới rơi vào suy thoái”, ông Thắng nói.

Đẩy nhanh khôi phục thị trường chứng khoán, bất động sản để tạo lập niềm tin

Vì vậy, ông đề nghị các nhà khoa học thảo luận, đánh giá đầy đủ và chủ động khôi phục tiêu dùng trong nước.

Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phân tích, thị trường bất động sản đóng băng, thị trường chứng khoán đi xuống khiến các tầng lớp nhân dân, nhất là tầng lớp trung lưu đã chủ động hạn chế chi tiêu với tâm thế đề phòng rủi ro.

Theo ông, cần đẩy nhanh sự hồi phục của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu và thị trường bất động sản để có tác động lan toả, tạo tín hiệu tích cực, lập lại niềm tin giúp tăng tiêu dùng và đầu tư.

“Làm trong sạch thị trường cần đi đôi với tạo lập môi trường thuận lợi, công bằng để khuyến khích mọi chủ thể kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh”, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Khôi phục dòng vốn đầu tư; tháo gỡ những khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng là nội dung được ông Thắng đề nghị các đại biểu tham dự diễn đàn tập trung thảo luận.

Ông cho hay, qua gần ba năm cầm cự, chống chọi với đại dịch, nguồn lực của các doanh nghiệp đã bị suy kiệt, lại thêm những biến cố gần đây trên thị trường tiếp tục bào mòn niềm tin, tinh thần và ý chí sản xuất, kinh doanh.

Quốc hội, Chính phủ đã khẩn trương ban hành nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ những rào cản, khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Điều quan trọng, theo ông Thắng, là cần tổ chức triển khai hiệu quả, đưa những chính sách, giải pháp vào cuộc sống.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn KInh tế - Xã hội Việt Nam 2023. Ảnh; Đ.X

“Có hai vấn đề được đặt ra: một mặt, cần thống nhất cách hiểu và quy trình để hạn chế sự tùy tiện trong thực thi, tạo thuận lợi không chỉ cho doanh nghiệp mà cho cả cán bộ, công chức giải quyết thủ tục hành chính. Mặt khác, cần làm rõ nguyên nhân và có giải pháp khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến sự chậm trễ trong thực thi công vụ”, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu.

Giải quyết “điểm nghẽn”, huy động nguồn lực cho phát triển

Ông Thắng nhấn mạnh vấn đề quan trọng mà diễn đàn nêu ra. Đó là “nâng cao năng suất lao động” - phương thức căn bản nhất để Việt Nam hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững.

Nêu lý do, theo ông Thắng, nâng cao năng suất lao động gắn liền với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, di chuyển nguồn lực từ các ngành có năng suất thấp sang các ngành có năng suất cao hơn nhằm sử dụng có hiệu quả nhất nguồn lực.

Đồng thời, tạo hiệu ứng kinh tế quy mô, khai thác lợi thế nhờ quy mô để tăng năng suất trong từng doanh nghiệp, từng ngành và từng vùng kinh tế.

“Cần tháo gỡ các nút thắt, giải quyết các điểm nghẽn, tạo điều kiện để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính, con người”, ông Thắng nói.

Ông còn lưu ý cần đẩy mạnh các cụm liên kết ngành, coi đây là phương thức hữu hiệu giúp các doanh nghiệp cắt giảm chi phí giao dịch, dễ dàng tiếp cận được các dịch vụ hỗ trợ với chi phí thấp, trao đổi, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm với nhau.

“Vượt qua tư duy nhiệm kỳ, ngắn hạn, tư tưởng cục bộ, chủ nghĩa địa phương, quyết tâm đổi mới và xây dựng các thể chế liên kết vùng thật sự hiệu lực, hiệu quả, theo các nghị quyết của Bộ Chính trị trên nguyên tắc “cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng”, giúp các địa phương trong vùng phát huy được tiềm năng, lợi thế, tận dụng tốt vị trí kết nối, xây dựng được hình ảnh, thương hiệu về việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, đáng sống, đáng đầu tư, có sức hấp dẫn cả về kinh tế, xã hội và môi trường”, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bắc Ninh: Tránh lãng phí tài sản công sau sáp nhập các xã

Bắc Ninh: Tránh lãng phí tài sản công sau sáp nhập các xã

(Thanh tra) - Từ 1/12/2024, tỉnh Bắc Ninh giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã, Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu, phải có phương án sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí và không để tham ô, tham nhũng, trục lợi cá nhân đối với trụ sở công, tài sản công dôi dư.

14:59 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm