Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội dự kiến khai mạc 21/10

Thứ hai, 14/10/2013 - 19:20

(Thanh tra)- Sáng 14/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã cho ý kiến về việc chuẩn bị nội dung kỳ họp thứ 6, QH khóa XIII.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Đại biểu QH, Chính phủ và các cơ quan hữu quan, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị Ủy ban Thường vụ QH xem xét bổ sung nhiều nội dung vào kỳ họp thứ 6 của QH: Tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản; thực hiện Luật Quản lý Thuế; Luật Quản lý Giá, trong đó tập trung vào việc quản lý và bình ổn giá các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống của nhân dân như: Xăng dầu, điện, khí dầu mỏ hóa lỏng (ga), phân đạm, phân NPK, thuốc bảo vệ thực vật, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh. Tình hình, kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Nghị quyết của QH và tình hình xử lý các vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng mà cử tri và nhân dân quan tâm (vụ án Vinashin, Vinalines; vụ việc liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên)...).

Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến thời gian từ khi khai mạc đến bế mạc kỳ họp là 41 ngày, từ ngày 21/10 - 30/11/2013  (rút ngắn 6 ngày so với dự kiến); trong đó, thời gian làm việc chính thức của QH là 35 ngày và bố trí QH làm việc 5 trong số 6 ngày thứ bảy.

Thảo luận nội dung cụ thể, có ý kiến đề nghị bố trí QH xem xét, thảo luận tại hội trường về việc thực hiện Nghị quyết số 26/2008/QH12 của QH về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường (thay vì gửi Đại biểu QH tự nghiên cứu) trước khi thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, vì đây là cơ sở quan trọng để các đại biểu xem xét, cho ý kiến và biểu quyết về nội dung chính quyền địa phương trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị tăng thời gian chất vấn và trả lời chất vấn từ 2,5 ngày lên 3 ngày; QH chỉ nên làm việc 3/6 ngày thứ bảy để thời gian cho các Ủy ban tập hợp tiếp thu ý kiến và xử lý nhiều việc khác nữa.

Nhiều ý kiến đề nghị chuyển dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng từ trình QH xem xét, thông qua sang trình QH cho ý kiến. Đồng thời, giảm thời gian thảo luận ở hội trường (từ 1,5 ngày xuống 1 ngày) về công tác tư pháp và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lưu ý đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, sau khi bố trí thảo luận ở tổ và hội trường, Dự thảo đã tiếp thu sẽ được gửi cho đại biểu sửa trực tiếp, sau đó nên phát phiếu thăm dò ý kiến một số điều quan trọng và dành riêng một buổi để thông qua.

Cũng trong sáng 14/10, Ủy ban Thường vụ QH đã cho ý kiến về các tờ trình của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) về việc thành lập KTNN chuyên ngành VIII trực thuộc KTNN; kế hoạch bố trí vốn đầu tư giai đoạn 2013 - 2015 cho các dự án trụ sở làm việc của KTNN; sửa đổi, bổ sung chế độ ưu tiên đối với cán bộ, công chức và người lao động của KTNN.

Liên quan đến việc thành lập KTNN chuyên ngành VIII, nhiều ý kiến Ủy viên Thường vụ QH còn băn khoăn cho rằng, hiện tại tổ chức bộ máy của KTNN có 8 KTNN chuyên ngành và 13 KTNN khu vực. Các đơn vị này phụ trách theo từng lĩnh vực hoặc theo địa bàn, thực hiện kiểm toán thông qua ba loại hình là kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động. Vì vậy, đề nghị cần xác định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN chuyên ngành VIII để phân định rõ, tránh trùng lặp với nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị khác, bảo đảm các hoạt động kiểm toán được tiến hành đồng bộ, hiệu quả, tránh tình trạng cắt khúc trong quy trình kiểm toán. Do đó, KTNN cần nghiên cứu, rà soát thêm và cần có lộ trình để thành lập KTNN chuyên ngành VIII.

Đối với vấn đề sửa đổi, bổ sung nguồn kinh phí thực hiện chế độ ưu tiên đối với KTNN, theo tờ trình của KTNN có 2 phương án. Phương án 1: Đề nghị được cân đối nguồn trực tiếp từ ngân sách Nhà nước, đồng thời cho phép được tiếp tục sử dụng nguồn kinh phí trích 2% số tiền do KTNN phát hiện và kiến nghị để đầu tư cơ sở vật chất và tăng cường năng lực hoạt động của ngành. Phương án 2: Đề nghị điều chỉnh mức trích từ 2% lên khoảng 4 đến 5% số tiền do KTNN phát hiện và kiến nghị thông qua hoạt động kiểm toán để tiếp tục thực hiện chế độ ưu tiên hiện nay đối với KTNN.

Đa số ý kiến Thường vụ QH đề nghị nên bảo đảm chế độ chi này bằng cách tăng tỷ lệ % số tiền để lại cho KTNN như Phương án 2 để bảo đảm nguồn chi cho khuyến khích, thưởng cho cán bộ, công chức và người lao động của KTNN. Về mức tăng cụ thể, Thường vụ QH cơ bản tán thành với đề xuất của KTNN, nhưng đề nghị cũng cần rà soát tăng một cách hợp lý, vừa bảo đảm thực hiện chế độ chi khuyến khích, thưởng cho cán bộ, công chức và người lao động của KTNN, vừa bảo đảm có nguồn kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất và tăng cường năng lực hoạt động, nhưng phải bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

Ánh Tuyết

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm