Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Không thể đóng tiền thay nghĩa vụ quân sự

Thứ sáu, 22/05/2015 - 10:38

(Thanh tra)- Hôm qua (21/5), Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) (sửa đổi).

ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) nhấn mạnh, cần phải rà soát lại chương trình đào tạo để tránh chồng chéo, trốn đi NVQS. Ảnh: Hương Giang

Hoãn nhập ngũ phải công khai

NVQS là nghĩa vụ vẻ vang của công dân đã được hiến định. Chủ nhiệm Ủy ban An ninh Quốc phòng Nguyễn Kim Khoa cho biết, một số ý kiến đề nghị bổ sung hình thức thay thế NVQS như lao động công ích hoặc đóng một khoản tiền vào quỹ quốc phòng là không có cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn, đồng thời làm mất ý nghĩa thiêng liêng của NVQS. “Ủy ban Thường vụ QH đề nghị Quốc hội không bổ sung quy định này vào Dự thảo Luật”, ông Khoa nói.

Một vấn đề khác liên quan đến việc tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với sinh viên, học viên có nhiều ý kiến khác nhau. Nếu quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với sinh viên, học viên như luật hiện hành thì quá rộng. Nhiều công dân lợi dụng chính sách tạm hoãn để trốn tránh thực hiện NVQS tại ngũ. Còn không quy định tạm hoãn tuy bảo đảm được công bằng nhưng hàng năm số lượng gọi thanh niên nhập ngũ quá ít so với số thanh niên trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ nên dễ phát sinh tiêu cực.

Nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, Dự thảo Luật quy định chỉ tạm hoãn gọi nhập ngũ cho sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học thuộc hệ chính quy. Tán thành với quy định này, theo đại biểu (ĐB) Nguyễn Hoài Phương (Tây Ninh), để chặn tình trạng tiêu cực, việc tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ phải công khai, minh bạch không phải chỉ dán danh sách ở trụ sở xã, phường mà còn phải công khai cả ở đơn vị đang công tác, học tập.

ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) lưu ý, nhiều trường đại học đào tạo theo tín chỉ kéo dài đến 6 - 7 năm, có thể tạo điều kiện cho một số người trốn đi NVQS. Phải quy định đảm bảo sự thống nhất chung với Luật Giáo dục đại học, tránh chồng chéo, bảo đảm quyền học tập của công dân. Số lượng gọi nhập ngũ đối với sinh viên hàng năm rất thấp nên phải bổ sung quy định “tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với các công dân đang học tập tại các trường giáo dục nghề nghiệp nhưng tốt nghiệp thì phải thực  hiện NVQS” để đảm bảo sự công bằng”, ĐB Tính đề xuất.

Cán bộ, công chức được tạm hoãn gọi nhập ngũ đến 27

Cho ý kiến về độ tuổi gọi nhập ngũ, một số ý kiến nhất trí như Dự thảo Luật do Chính phủ trình và đề nghị kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ đối với cán bộ, công chức được tạm hoãn gọi nhập ngũ đến 27. Một số lại đề nghị giữ quy định độ tuổi gọi nhập ngũ như Luật NVQS hiện hành. Một số khác đề nghị thống nhất độ tuổi gọi nhập ngũ từ 18 đến 27.

Theo Ủy ban Thường vụ QH, quy định kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi đối với công dân học đào tạo trình độ đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình là giải pháp tạo điều kiện cho sinh viên đại học vừa thực hiện quyền, nghĩa vụ học tập, vừa thực hiện quyền NVQS nhằm nâng cao chất lượng thanh niên gọi nhập ngũ và góp phần bảo đảm công bằng xã hội. Đối với cán bộ, công chức cũng được tạm hoãn gọi nhập ngũ đến 27 tuổi.

ĐB Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) cho rằng, cần quy định rõ, “công dân đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân trong thời gian một khóa đào tạo được tạm hoãn gọi nhập ngũ nhưng ra trường phải nhập ngũ ngay” vì nếu để họ đi làm, 2-3 năm sau mới gọi nhập ngũ thì sẽ gây khó khăn cho họ trong công việc.

ĐBQH cũng đề nghị cần quy định cơ cấu hợp lý đối với công dân gọi nhập ngũ nhằm nâng cao chất lượng quân thường trực và bảo đảm công bằng. Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ QH, khoản 1 Điều 24 đã có quy định nhằm thu hút người có trình độ học vấn cao, cán bộ, công chức thực hiện NVQS tại ngũ. Việc quy định cơ cấu gọi thanh niên nhập ngũ ngay trong luật là khó khả thi nên đề nghị Quốc hội không quy định vấn đề này trong Dự thảo Luật.

Cũng ngày, QH cũng thảo luận ở hội trường Dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi).

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm